COVID-19 7/10: Đến trường 2 ngày phát hiện bé lớp 5 nhiễm SARS-CoV-2, 50 HS, giáo viên phải cách ly

H.A - Ngày 07/10/2021 14:44 PM (GMT+7)

Khi vừa trở lại trường được 2 ngày, cơ quan chức năng ghi nhận 1 em học sinh mắc Covid-19, liên quan đến ổ dịch hàng chục ca dương tính nên tiến hành cách ly tập trung khoảng 50 học sinh và giáo viên.

Ngày 7-10, ông Lê Nam Cao, Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Cuôr Đăng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), hiện đã có tổng cộng 17 trường hợp mắc Covid-19 và test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Phong tỏa khu vực chợ Cuôr Đăng

Phong tỏa khu vực chợ Cuôr Đăng

Trước đó, ngày 6-10, bà L.T.L (trú tại xã Ea Drơng, buôn bán tại chợ Cuôr Đăng) tới Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh khám bệnh và được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, ngành Y tế tiến hành truy vết và ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 1 em học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phan Bội Châu (xã Ea Drơng, là cháu của bệnh nhân L.T.L). Hiện cơ quan chức năng đã phong tỏa 4 khu vực có các ca dương tính với SARS-CoV-2 và lấy mẫu xét nghiệm cho hàng ngàn người dân.

Liên quan đến học sinh mắc Covid-19 này, theo ông Lê Nam Cao, do các trường chia làm 2 ca để học nên số người tiếp xúc với bệnh nhân không nhiều. Toàn bộ số học sinh và giáo viên với khoảng 50 người đang được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm test nhanh, kết quả tất cả đều âm tính.

Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

"Hiện chúng tôi đã cho toàn bộ học sinh các cấp của 2 xã Ea Drơng và xã Cuôr Đăng dừng học tập trung, quay lại học trực tuyến. Các trường còn lại trong "vùng xanh" vẫn đang học tập trung bình thường. Tùy theo tình hình thực tế, huyện sẽ tiếp tục điều chỉnh hình thức học phù hợp"- ông Cao nói.

Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết đối với bệnh nhân L.T.L hiện rất khó xác định nguồn lây nhiễm. Bệnh nhân này buôn bán tại chợ Cuôr Đăng, có tiếp xúc khá phức tạp.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho học sinh từ 5 tuổi trở lên ở khu vực "vùng xanh" trở lại trường học tập trung từ ngày 4-10. Trong cuộc họp cùng ngày, nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số người về từ các tỉnh thành phía Nam lớn nên UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép các huyện, thị xã, thành phố quyết định hình thực học tập. Ngay trong ngày, nhiều huyện đã ra văn bản tạm dừng tới trường, quay lại học trực tuyến, một số huyện vẫn cho học sinh "vùng xanh" tới trường.

(Theo Người Lao Động)

Quận 7, TP.HCM đề xuất cho quán ăn uống phục vụ tại chỗ từ 10/10

UBND quận 7 vừa có văn bản đề xuất gửi UBND TP.HCM về việc thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ ăn uống tại chỗ trên địa bàn quận này từ 10/10.

Cụ thể, quận 7 đề xuất quy mô hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người cùng một thời điểm. Diện tích kinh doanh tối thiểu từ 100m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh.

Các cơ sở phải đảm bảo các tiêu chí trong bộ tiêu chí ban hành theo quyết định 3326 của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM ngày 15/9 về đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Việc kinh doanh đồng thời phải đáp ứng yêu cầu tất cả nhân viên, người lao động và khách hàng đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế ít nhất 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng.

 Đồng thời, các cơ sở phải thực hiện cam kết với ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận về đảm bảo thực hiện các điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống.

UBND quận 7 sẽ thẩm định, cấp mã QR cho các cơ sở đủ điều kiện, sẽ gắn camera giám sát và kết nối về Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế quận 7 để kiểm soát nhân viên, khách hàng ra vào hàng ngày.

Theo đánh của UBND Quận 7, qua 15 ngày thử nghiệm, trên địa bàn quận có 434 đơn vị doanh nghiệp và hộ kinh doanh (ngoài khu chế xuất) hoạt động trở lại với gần 4.000 lao động; ý thức tự bảo vệ phòng chống dịch của người lao động và người dân đều được nâng cao, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định. Đến nay, quận không ghi nhận trường hợp vi phạm hay ca dương tính với SARS-CoV-2 nào từ các hoạt động trên.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Hàng ngàn người dân Đồng Nai ở TP HCM, Bình Dương sẽ được tỉnh đón về vào 9-10

UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản về việc đưa đón, hỗ trợ người dân. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị UBND TP HCM và tỉnh Bình Dương phối hợp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi về, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Người lao động trở về quê tại các tỉnh cũng được tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện hỗ trợ trong những ngày qua

Người lao động trở về quê tại các tỉnh cũng được tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện hỗ trợ trong những ngày qua

Hiện tại, có nhiều người dân có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai nhưng đang ở TP HCM và Bình Dương có nhu cầu hỗ trợ về địa phương đã đăng ký danh sách. 

Cụ thể đến nay đã có 2.345 người, trong đó ở TP HCM có hơn 1.870, ở Bình Dương hơn 470 người đang có nhu cầu cấp bách trở lại địa phương. 

Những người này sẽ được xét nghiệm, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV2 trong vòng 72 giờ sẽ được đón tại điểm tập kết.

Điểm tập trung tại TP HCM được tổ chức tại Bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, TP Thủ Đức), còn điểm tập trung tại tỉnh Bình Dương được tổ chức tại Sân vận động TP Dĩ An, phường Nguyễn Du, TP Dĩ An.

Theo đó, các trường hợp tự di chuyển bằng xe cá nhân sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai bố trí lực lượng tổ chức đưa về; các trường hợp không có xe cá nhân, phụ nữ mang thai, trẻ em… sẽ được bố trí xe khách hỗ trợ.

(Theo Người Lao Động)

Đồng Nai: Quán cắt tóc, sửa xe và nhiều hoạt động thiết yếu được mở lại từ ngày 9/10

Ngày 7/10, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng đã có buổi làm việc với các địa phương về phương án phòng, chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Đồng Nai dự kiến mở lại nhiều dịch vụ từ 9/10. Ảnh: Báo Đồng Nai

Đồng Nai dự kiến mở lại nhiều dịch vụ từ 9/10. Ảnh: Báo Đồng Nai

Theo thông tin trên báo Dân Việt, tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: UBND tỉnh đang từng bước lên kế hoạch dần mở cửa nhiều hoạt động để phục vụ người dân.

Dự kiến từ 0h ngày 9/10, Đồng Nai sẽ cho hoạt động lại một số lĩnh vực thiết yếu với công suất thấp hơn bình thường và có lộ trình dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, các hoạt động sửa chữa xe máy, buôn bán tạp hoá, hoạt động văn phòng, cắt tóc, gội đầu, sửa nhà cửa, các lĩnh vực thiết yếu khác,… được hoạt động, nhưng không quá 5 người. Các cơ sở vẫn đảm bảo 5K và không quá 50% công suất.

Với việc lưu thông đi lại của người dân, thì vẫn ưu tiên người dân đã được tiêm 1 mũi vaccine trên 14 ngày và F0 đã khỏi bệnh.

Đặc biệt trong giai đoạn mới, Đồng Nai cũng sẽ bỏ giấy đi đường và hiện tại đã bỏ giấy đi đường cho công nhân.

Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh vừa có văn bản 12242/UBND/KGVX gửi UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ đưa công dân Đồng Nai về địa phương.

Hiện nay do việc di chuyển của công dân giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhiều công dân Đồng Nai ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương có nguyện vọng cấp thiết trở về địa phương.

Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa đón công dân của tỉnh trở về an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Dự kiến 2.345 công dân, trong đó, ở TP.HCM là 1.871 công dân và ở Bình Dương 474 công dân. UBND tỉnh đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho công dân Đồng Nai đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm tập trung.

Thời gian đón công dân vào lúc 8h ngày 9/10.

(Theo Người Đưa Tin)

Những ai ở TP.HCM được miễn phí vé máy bay về Đà Nẵng ngày 12/10?

Trao đổi với Tiền Phong chiều nay (7/10), ông Dương Đình Liễu - Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho hay đơn vị đang lên phương án đón công dân, sau khi thành phố thống nhất hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng đang sống tại TPHCM và khu vực phía Nam được về Đà Nẵng.

Bốn nhóm đối tượng gồm: phụ nữ mang thai và người thân đi cùng; người thân của những người đã mất vì COVID-19; người vào TPHCM chữa bệnh, có giấy xuất viện trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây; người từ 70 tuổi trở lên và người thân đi cùng.

Về thủ tục đăng ký, ông Liễu cho biết người dân phải có bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu thường trú hoặc chứng nhận thường trú tại Đà Nẵng, đơn đăng ký và xác nhận của Hội đồng hương cấp quận, huyện.

Riêng phụ nữ có thai nộp kèm giấy khám thai, phụ nữ mang thai từ tuần thứ 32 trở lên phải có giấy đồng ý cho đi máy bay của bác sĩ. Ngoài ra, người dân cũng cần mang theo giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã điều trị COVID-19, giấy xuất viện.

Dự kiến ngày 12/10 tới đây, hơn 200 người Đà Nẵng sống tại TP HCM và khu vực phía Nam sẽ được đưa về quê .

Dự kiến ngày 12/10 tới đây, hơn 200 người Đà Nẵng sống tại TP HCM và khu vực phía Nam sẽ được đưa về quê .

Hiện đã có hơn 200 người thuộc các nhóm trên đăng ký về quê. Dự kiến chuyến bay sẽ khởi hành vào ngày 12/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi về Đà Nẵng, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin và F0 đã điều trị có kết quả âm tính được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Những người đã tiêm 1 mũi vắc xin và trẻ em cách ly đủ 14 ngày tại nhà. Trường hợp chưa tiêm vắc xin phải cách ly tập trung.

Ông Liễu thông tin thêm, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ chuyến bay miễn phí đưa công dân về, các chi phí cách ly, xét nghiệm… người dân tự chi trả.

Hà Nam ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc COVID-19

Tính đến 9h ngày 7/10, CDC Hà Nam công bố 19 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, gồm: 16 người ở TP.Phủ Lý, 1 người ở huyện Kim Bảng, 1 ca ở huyện Thanh Liêm và 1 trường hợp quê Hà Nội, là công nhân Công ty Dream Plastic (TP.Phủ Lý).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, trong ngày 6/10, CDC tỉnh công bố 25 ca Covid-19. Trong đó: TP.Phủ Lý có 18 ca, huyện Thanh Liêm 4 ca, huyện Bình Lục 2 ca và huyện Kim Bảng 1 ca.

Như vậy từ ngày 6/10 đến sáng 7/10, Hà Nam ghi nhận tổng số 44 ca COVID-19. Trong nhóm này, có 4 ca cộng đồng, 21 ca trong khu vực cách ly, 18 ca phong tỏa và 1 ca phát hiện qua lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế.

Kể từ ca bệnh ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP.Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9, tính đến sáng 7/10, Hà Nam đã phát hiện 545 bệnh nhân COVID-19.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, tại Nam Định vừa ghi nhận 2 ca COVID-19 mới thuộc địa bàn huyện Hải Hậu.

2 trường hợp này được công bố vào tối 6/10, đều đã cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu từ trước.

Người đầu tiên là một phụ nữ sinh năm 1989, là vợ của BN 806.065 (từ 23/8 đến 28/9, thường xuyên lên khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội).

Đến ngày 5/10, nhận kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ hai là người đàn ông sinh năm 1983, trú ở xóm 2, Hải Quang, Hải Hậu. Bệnh nhân là con trai BN 806.066.

Ngày 18/9, người đàn ông cùng gia đình đi xe máy từ Hà Nội về địa phương, đến trạm y tế xã Hải Quang khai báo y tế, chuyển cách ly ngay tại cơ sở cách ly tập trung huyện Hải Hậu.

(Theo ĐSPL)

Bình Phước: Người đã tiêm 2 mũi vaccine không phải cách ly nếu có kết quả âm tính

Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An về tỉnh Bình Phước sẽ không phải cách ly tập trung nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo báo Người lao động, UBND tỉnh Bình Phước mới đây đã ban hành Công văn hỏa tốc về việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đối với người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về địa phương.

Trong đó, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cho tất cả những người về từ 4 tỉnh, thành nói trên vào ngày đầu tiên tiếp nhận mà không phải cách ly tập trung. Trong trường hợp ghi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng chức năng sẽ xử trí theo quy định.

Người dân làm thủ tục tại cửa ngõ vào Bình Phước thuộc xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Người dân làm thủ tục tại cửa ngõ vào Bình Phước thuộc xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Cụ thể, đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (có thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về Bình Phước (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Theo đó, những người này sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 trong ngày đầu tiên về địa phương. Trong khi theo dõi sức khoẻ tại nhà, nếu có các dấu hiệu bất thường bao gồm ho, sốt khó thở, đau rát họng, mất vị giác, cần báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, những người đã tiêm ít 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 (có thẻ vàng) cần cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về Bình Phước; sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về Bình Phước.

Đối với nhóm người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về Bình Phước hoặc cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện cách ly theo quy định. Sau đó, cần tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, xét nghiệm ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về Bình Phước.

Đối với người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc được chữa khỏi COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương tự khác của nước ngoài sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

(Theo Người Đưa Tin)

Gần 200.000 bộ xét nghiệm COVID-19 bị thu hồi vì cho kết quả dương tính giả

ABC News cho biết khoảng 427.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19, bao gồm hàng nghìn bộ được gửi đến các nhà bán lẻ và một số được cung cấp cho Bộ Quốc phòng Australia, đã bị ảnh hưởng bởi sự cố cho kết quả dương tính giả.

Theo đó, khoảng 195.000 bộ xét nghiệm chưa sử dụng đã được thu hồi lại. Trong số 202.000 bộ xét nghiệm đã sử dụng, giới chức ghi nhận 42.000 kết quả dương tính. Tuy nhiên, 1/4 trong số đó có thể là dương tính giả. Tuy nhiên, theo công ty công nghệ y tế Ellume của Australia, rất khó để xác định tỷ lệ chính xác.

Bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà do công ty Ellume phân phối. Ảnh: ABC

Bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà do công ty Ellume phân phối. Ảnh: ABC

Ellume hiện đang thu hồi và loại bỏ những sản phẩm xét nghiệm bị ảnh hưởng, đồng thời khuyến cáo các nhà phân phối nên kiểm định các sản phẩm này ngay lập tức. Việc thu hồi này xảy ra vào thời điểm nhu cầu tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà của người dân Australia đang tăng vọt. Trong bối cảnh thiếu hàng, nhiều cửa hàng dược phẩm bán lẻ lớn thông báo họ đang hạn chế đối tượng khách hàng.

Trong khi đó, Ellume cũng đã gửi thông báo tới người tiêu dùng, các nhà bán lẻ và nhà phân phối bị ảnh hưởng bởi. Họ cảnh báo những người tiêu dùng có kết quả xét nghiệm dương tính nên thực hiện thêm các xét nghiệm xác nhận, vì kết quả ban đầu của họ có thể không chính xác.

CEO công ty Ellume Sean Parsons đã lên tiếng xin lỗi sau sự cố này. Cụ thể, ông Parsons cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng niềm tin là trọng tâm để đạt được mục tiêu của chúng tôi và chúng tôi nhận ra rằng sự cố này có thể đã làm lung lay lòng tin của một số người đã tin tưởng Ellume. Với những cá nhân đó, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành - và lời xin lỗi của toàn thể công ty chúng tôi - vì những căng thẳng hoặc khó khăn nào mà họ có thể phải trải qua do kết quả dương tính giả".

Ellume cho biết họ đã xác định được nguyên nhân gốc rễ là sự thay đổi một trong các thành phần của bộ xét nghiệm. Đồng thời, công ty khẳng định họ đã "triển khai các biện pháp kiểm soát bổ sung" và đang "tiếp tục làm việc để giải quyết vấn đề dẫn đến việc thu hồi này".

(Theo Người Đưa Tin)

Đồng Tháp: Phát hiện nhiều người nhiễm COVID-19 trở về từ vùng dịch

Báo Tin Tức đưa tin, theo thống kê từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, tính từ ngày 1-6/10, tỉnh đã tiếp nhận trên 26.000 người dân tự phát từ TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… trở về địa phương.

Mặc dù lượng người hồi hương rất lớn nhưng Đồng Tháp đã nỗ lực tiếp nhận, hỗ trợ người dân; đồng thời thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Qua xét nghiệm sàng lọc RT-PCR, tỉnh đã phát hiện 176 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trước tình hình trên, tối ngày 6/10, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong số hơn 26.000 người dân trở về địa phương, gần 7.200 người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 (29%), hơn 11.600 người đã tiêm 1 mũi (46%), gần 4.300 đã tiêm hai mũi (17%); có 2.020 F0 sau điều trị (chiếm 8%).

Do người dân tự phát về tỉnh tăng đột biến chỉ trong vài ngày nên điều kiện tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc và cách ly của Đồng Tháp khó khăn. Theo dự báo, khả năng người dân tự phát về tỉnh sắp tới sẽ khoảng 20.000 người, trong khi tỉnh đã huy động và sử dụng tối đa các trường học, trung tâm học tập cộng đồng, ký túc xá,…để cách ly y tế tập trung, nên khả năng để tiếp nhận cách ly người dân về quê là rất hạn chế. Hiện Đồng Tháp chỉ còn khoảng 2.700 chỗ cách khu cách ly tập trung còn trống.

Ông Phan Văn Thắng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết mặc dù tỉnh có khó khăn nhưng các địa phương phải chăm lo đón rước người dân về quê chặt chẽ, an toàn và chu đáo. Ông Thắng yêu cầu, trong đón rước, cách ly người dân trở về địa phương phải tổ chức khoa học, không để lây lan dịch ra cộng đồng hoặc lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Phải quan tâm vận động xã hội hóa để hỗ trợ, chăm lo cho người về tỉnh, theo báo Thanh Niên.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, cho biết đến nay toàn tỉnh đã tổ chức 144 khu cách ly để đón người dân về địa phương, tăng gần 100 khu cách ly so với trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cao điểm trên địa bàn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng người dân từ TP. HCM và các tỉnh tự phát di chuyển về Đồng Tháp tăng đột biến nên các điều kiện tiếp nhận, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và công tác cách ly gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm và điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch tại các khu cách ly y tế tập trung.

Thêm vào đó, hầu hết người dân có hoàn cảnh khó khăn, do vậy, tỉnh đang xem xét hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chi phí cách ly y tế tập trung. Song, tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí do thực hiện công tác phòng, chống dịch.

(Theo Ngươi Đưa Tin)

Đồng Nai thống nhất với TP.HCM về phương án đi lại cho người lao động

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo văn bản góp ý về phương án đi lại gửi TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện tỉnh đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và tiếp tục thực hiện các biện pháp để từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP.HCM và tỉnh này bằng xe ôtô (xe đưa đón), đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng Nai chỉ đồng ý cho người lao động từ TPHCM vào Đồng Nai bằng xe ô tô đưa đón, chưa cho phép xe cá nhân.

Đồng Nai chỉ đồng ý cho người lao động từ TPHCM vào Đồng Nai bằng xe ô tô đưa đón, chưa cho phép xe cá nhân.

Đối với phương án sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe gắn máy), đề nghị UBND TP thống nhất thực hiện khi Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản thông báo đến TP.HCM khi chuyển sang tình trạng bình thường mới.

Trước đó, như đã đưa tin, theo phương án mà thành phố gửi lấy ý kiến 4 tỉnh, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn thành phố và ngược lại.

Hai phương thức đi lại được đưa ra để lấy ý kiến là sử dụng xe ôtô và cho người lao động chạy xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) đi làm khi đáp ứng các điều kiện. Cụ thể, các điều kiện gồm: là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin COVID-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, định kỳ 7 ngày/lần.

Theo Dân Trí, UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản thống nhất với phương án đi lại giữa TP và 4 tỉnh. Tỉnh này đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp do Sở Giao thông vận tải 4 tỉnh và TP.HCM cấp. 

Việc giảm bớt các thủ tục này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp do số lượng xe từng doanh nghiệp nhiều. Bởi khi chờ cấp giấy, doanh nghiệp sẽ rất mất thời gian. 

UBND tỉnh Bình Dương cũng đồng ý với dự thảo về việc cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh. Với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh bằng ôtô, tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án UBND TP.HCM đưa ra. Với người mới tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày thì phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần (tăng 1 lần xét nghiệm so với phương án đề xuất của TP.HCM).

Đối với người lao động đi lại liên tỉnh giữa TP.HCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông (thay vì phương án TP.HCM đưa ra là bao gồm cả người đã tiêm 1 mũi sau 14 ngày và xét nghiệm 7 ngày/1 lần).

Sở Giao thông vận tải Tây Ninh cũng đã gửi văn bản góp ý dự thảo phương án đến Sở Giao thông vận tải TPHCM, trong đó đề nghị điều chỉnh thời gian sau khi tiêm vaccine và thời hạn xét nghiệm SARS-CoV-2.

Theo đó, người lao động, chuyên gia, người tham gia đưa đón phải đáp ứng các điều kiện: Tiêm vaccine COVID-19  (ít nhất một mũi với loại vắc xin 2 mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

(Theo Người Đưa Tin)

Chạy xe máy từ TP.HCM về Thanh Hoá, thai phụ chuyển dạ dọc đường trong đêm mưa tầm tã

Khuya ngày 6/10, ông Nguyễn Đình Tuyến- Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận, bệnh viện mới tiếp nhận một thai phụ, đi xe máy từ TP.HCM về quê tránh dịch, VTCNews thông tin.

Người nhà ngóng tin chị A. và anh Quyết. Ảnh: VTC New

Người nhà ngóng tin chị A. và anh Quyết. Ảnh: VTC New

Cụ thể, vào lúc 21h15 cùng ngày, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận bệnh nhân Đinh Thị Phương A. (19 tuổi, quê ở Thanh Hoá). Bác sĩ Định Thị Mỹ Hoà – người trực tiếp theo dõi cho thai phụ A cho biết, bệnh nhân mang thai 35 tuần, lần 2, có dấu hiệu sinh non.

Theo lời anh Phạm Văn Quyết (23 tuổi, chồng chị A.), ngày 4/10, vợ chồng anh cùng con gái 14 tháng tuổi, mẹ và anh trai khăn gói, đèo nhau trên 2 chiếc xe máy rời TP.HCM về quê Thanh Hoá tránh dịch.

Tầm 18h30 ngày 6/10, cả gia đình di chuyển đến đường tránh thuộc địa phận TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi thì tấp xe vào lề để nghỉ mệt. Lúc này, trời mưa tầm tã. Năm người ngồi nép sát vào khu vực vỉa hè.

Tầm nửa tiếng sau, chị A. kêu đau bụng dữ dội. Theo lời hướng dẫn của người dân địa phương, anh Quyết chạy xe máy chở thẳng vợ đến bệnh viện cách chỗ dừng chân tầm 3km.

“Hiện, Bệnh viện đang chờ kết quả test nhanh COVID-19 của bệnh nhân, sức khoẻ tạm ổn. Bệnh nhân liên tục đòi ra viện nhưng bệnh viện không đồng ý”, Pháp luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ Hoà chia sẻ.

Cũng theo lời bác sĩ Hòa, cả gia đình bệnh nhân là F0 vừa điều trị COVID-19 thành công, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn. Người chồng đang ở cùng vợ ở bệnh viện nhưng không có tiền đóng viện phí.

“Trường hợp bệnh nhân không có tiền đóng viện phí bệnh viện sẽ hỗ trợ. Điều quan trọng bây giờ là phải giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện, khi nào cảm thấy ổn mới cho ra viện”, bác sĩ Hoà thông tin thêm.

(Theo Báo Giao Thông)

Gần 5 triệu người tại TPHCM đã chích mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19

Cộng dồn từ khi TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 6/10, ngành y tế thành phố đã tổ chức tiêm được 11.965.360 mũi tiêm cho người dân, trong đó 4.951.439 người tiêm mũi 2. Người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi đạt 97,3%; người tiêm đủ 2 mũi đạt 68,7%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 72,29%; người từ 50 đến 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 69,72%. Riêng vắc xin Vero Cell đã tiêm cho 2.924.658 người.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 có tác dụng giúp cơ thể kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và tiêu diệt ngay khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Vắc xin không ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm nhưng người đã tiêm chủng mắc COVID-19 sẽ có biểu hiện bệnh nhẹ hơn, giảm nguy cơ chuyển nặng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều, cộng đồng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo thông điệp 5K. Nếu có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 thì phải làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, liên hệ với lực lượng y tế để được hỗ trợ túi thuốc, theo dõi điều trị tại nhà hoặc thực hiện các biện pháp cách ly tập trung, điều trị theo quy định.

(Theo Tiền Phong)

Đà Nẵng chỉ còn 78 hộ dân phải cách ly, phong tỏa để phòng, chống COVID-19

Ngày 6/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho biết: hiện toàn TP Đà Nẵng chỉ còn 3 điểm với với 78 hộ (301 nhân khẩu) đang phong tỏa cứng theo quyết định của UBND quận, huyện.

Theo đó, quận Hải Châu còn 2 điểm tại phường Thuận Phước và phường Bình Thuận với 55 hộ (210 nhân khẩu). Quận Thanh Khê còn 1 điểm tại K223/18/96 Trường Chinh (phường An Khê) với 23 hộ (91 nhân khẩu).

Trong ngày 6/10, Đà Nẵng phát hiện 1 ca mắc COVID-19, đã được cách ly tập trung trước đó.

Đà Nẵng hiện có 14 cơ sở cách ly tập trung, đang thực hiện cách ly tập trung 313 người. Và có 53 xã, phường/7 quận, huyện của Đà Nẵng không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp và không có khu phong tỏa.

Hiện, Đà Nẵng đã tiêm 862.646 liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Trong đó có 769.606 người tiêm mũi 1; 93.050 tiêm mũi 2.

(Theo Tiền Phong)

TPHCM bàn giao tro cốt nạn nhân COVID–19 ở miền Trung cho Quân khu 5

Sáng 6/10, tại Nhà Tang lễ TPHCM (phường An Lạc, quận Bình Tân), Bộ Tư lệnh TPHCM đã tổ chức tưởng niệm và bàn giao tro cốt các nạn nhân tử vong vì dịch bệnh COVID – 19 thuộc các tỉnh miền Trung cho đoàn công tác thuộc Quân khu 5.Dự lễ bàn giao có Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; thượng tá Trương Đức Ngọc, Phó Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7 và thượng tá Huỳnh Văn Hải, Phó Trưởng Phòng Chính sách/Cục Chính trị Quân khu 5.

Tại lễ bàn giao, các đại biểu dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vong do COVID-19.

Bộ Tư lệnh TPHCM đã tiến hành bàn giao 29 hũ tro cốt các nạn nhân tử vong do COVID-19 thuộc các tỉnh miền Trung cho Cục Chính trị Quân khu 5 để mau chóng bàn giao cho thân nhân các nạn nhân.

Theo Bộ Tư lệnh TPHCM, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại TPHCM từ những ngày cuối tháng 4/2021 đã gây nên những hậu quả cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng, sinh kế, sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Tư lệnh TPHCM đã được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận thi thể nạn nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19, tổ chức bảo quản và đưa đi hỏa táng, đồng thời bàn giao tro cốt đến tận nhà cho thân nhân. Đối với những nạn nhân thuộc các tỉnh miền Trung, do trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Tư lệnh TPHCM chưa thể bàn giao được cho người thân của các nạn nhân.

Sau khi có chủ trương mở cửa một số lĩnh vực tại TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp với Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 5 lập danh sách, rà soát, đối chiếu, liên hệ người thân các nạn nhân, làm mọi công tác chuẩn bị để đưa tro cốt những người không may qua đời hồi hương nhanh nhất.

(Theo Tiền Phong)

Với đại gia Việt tiền nhiều để làm gì, kiếm tiền nhiều làm gì? CĐM bất ngờ câu trả lời
Nếu "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ từng đặt câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?" gây xôn xao MXH, thì những câu trả lời dưới đây của các đại gia tỷ phú Việt...

Đại gia tỷ phú

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19