Mở đầu cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, hoa cung cấp cho các nhà tang lễ, hoa bán lẻ dễ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Nguy cơ lây nhiễm từ hoa cung cấp cho các nhà tang lễ và hoa bán lẻ
Lây nhiễm COVID-19 từ chợ hoa Mê Linh
Mở đầu cuộc họp, ông Chung nhận định, sơ bộ qua báo cáo của Chủ tịch UBND xã Mê Linh và Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, chợ hoa trên thôn Hạ Lôi, và trên địa bàn xã Mê Linh liên quan đến hai nơi chuyển hàng cung cấp về đây rất lớn. “Một là hoa chở từ Đà lạt ra và thứ 2 là hoa chở từ Lào Cai về. Theo tôi hiểu là chuyển từ Lào Cai thì có cả từ bên Côn Minh (Trung Quốc) chở về đây. Sau đó chợ hoa này phân phối bán đi các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra”, Chủ tịch UBND TP nói.
Nguồn hoa tại chợ hoa có thể là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo ông Chung, có 2 nhóm nguy cơ cao cần quan tâm. Thứ nhất là những người dân thôn hạ Lôi (thuộc 6 xóm) trồng 100ha hoa, cung cấp trong địa bàn TP. Trong đó có hoa cúc, chủ yếu dùng cho các nhà tang lễ, khu vực làm vòng hoa phục vụ đám tang. Nhóm này trực tiếp cầm hoa, trực tiếp tiếp xúc. Nhóm thứ 2 là nhóm người mua bán lẻ, trên các chợ và nhóm người thôn Hạ Lôi đi giao hàng trong TP. “Nếu rõ ra, con đường đi ngóc ngách của hoa là đi đến tận từng cơ quan, liên quan giao hoa về từng đại lý, từ đại lý đến tận các cơ quan nhỏ. Và nếu mà như thế thì, tính theo con đường ngóc ngách có thể đến tận UBND TP”, Chủ tịch UBND TP nêu nguy cơ.
“Địa bàn Hà Nội có nhiều quận, huyện có nhà tang lễ như quận Hai Bà Trưng có nhà tang lễ số 5 Lê Thánh Tông, Hoà Kiếm có nhà tang lễ Phùng Hưng, Cầu Giấy cũng có một nhà tang lễ. Quận Tây Hồ có chợ hoa Quảng An, rồi từ cái hoa này liên quan đến quận Bắc Từ Liêm là Tây Tựu, rồi Đông Anh. Đề nghị các đồng chí báo cáo làm rõ những mối liên quan buôn bán hoa từ những chợ này”, ông Chung yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện.
Tìm được ổ dịch Hạ Lôi nhờ rà soát những người đến bệnh Bạch Mai.
Ông Chung cũng đánh giá, 2 tuần vừa qua là 2 tuần sóng gió với Hà Nội. Hà Nội là địa bàn nóng bỏng, có số ca nhiễm nhiều nhất, có số ca lây nhiễm cộng đồng lớn nhất, có ổ dịch lớn nhất là ổ dịch Bạch mai, và ổ dịch Hạ Lôi tiềm tàng nhất.
Truyền thống ghé tai nhau thủ thỉ, dễ lây nhiễm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích, xem lại camera và phân tích, trong phòng ăn của Công ty Trường Sinh phục vụ ở tầng 2 của Trung tâm dinh dưỡng bệnh viện Bạch Mai thì tất cả nhóm nữ bị nhiễm của Công ty Trường Sinh là ngồi ăn cùng 1 nhóm, trưa các ngày 24-25/3, không có khẩu trang gì cả. Và bệnh nhân Ninh Bình, Thanh Oai, Lai Châu ngồi ăn đúng ở bàn đó. Còn nam nhân viên của Trương Sinh ngồi ăn ở một góc khác nên không bị nhiễm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, trên cơ sở bài học dịch bệnh ở huyện Mê Linh, tổ đặc nhiệm của Bộ nên có đánh giá xem, nguy cơ tới đây là nữ nhiều hơn hay nam nhiều hơn, và độ tuổi nào để cảnh báo giúp bởi cá nhân ông thấy chủ yếu là phụ nữ nhiễm COVID-19, và truyền thống phụ nữ Việt Nam hay thủ thỉ, nói ghé sát tai.
Việt Nam có thêm 22 ca được công bố khỏi bệnh, tổng số ca đã chữa khỏi là 168
Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 14/4 cả nước đã có 22 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 168 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
22 ca vừa được công bố khỏi bệnh bao gồm:
- Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 02 bệnh nhân người nước ngoài và 15 bệnh nhân người Việt Nam. Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh bao gồm: BN 24 (nam, 69 tuổi, quốc tịch Anh); BN 50 (nam, 50 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 87 (nữ, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 109 (nam, 42 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 114 (nam, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 115 (nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 175 (nam 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 177 (nữ, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 186 (nữ, 60 tuổi, quốc tịch Pháp); BN 189 (nữ, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 190 (nữ, 49 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 199 (nữ, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 208 (nữ, 38 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 214 (nữ, 45 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 220 (nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 232 (nam, 67 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 239 (nam, 71 tuổi, quốc tịch Việt Nam).
- Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi có 05 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 03 bệnh nhân người nước ngoài và 02 bệnh nhân người Việt Nam, cụ thể: BN 92 (nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 124 (nam, 51 tuổi, quốc tịch Brazil); BN 127 (nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 143 (nữ, 58 tuổi, quốc tịch Nam Phi); BN 235 (nam, 25 tuổi, quốc tịch Anh).
Các bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm, hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Hàn Quốc đau đầu chuyện dương tính trở lại, WHO lo COVID-19 nguy hiểm gấp 10 lần H1N1
Các quan chức vẫn đang điều tra nguyên nhân của việc này. Thế nhưng, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong cho rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể đã được kích hoạt lại thay vì bệnh nhân bị tái nhiễm.
Một số chuyên gia khác cho rằng hoặc các xét nghiệm bị lỗi hoặc vẫn còn SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân nhưng không lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho người đó. Như vậy, con số 116 trường hợp dương tính trở lại nhiều hơn gấp đôi so với 51 trường hợp cách đây 1 tuần, nhiều hơn 91 trường hợp được công bố cuối tuần vừa rồi.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người tiếp tục tuân theo các hướng dẫn và hạn chế đối với các cuộc tụ họp xã hội nhưng cũng cho biết các biện pháp như vậy có thể sớm được nới lỏng.
Hàn Quốc đã kêu gọi người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt cho đến ít nhất là ngày 19-4.Thế nhưng, khi các ca nhiễm mới giảm xuống và thời tiết được cải thiện, ngày càng nhiều người đã bỏ qua các hướng dẫn. Một số chính quyền địa phương đã áp đặt các biện pháp chặt chẽ hơn, bao gồm đóng cửa các quán bar và câu lạc bộ đêm, cấm các cuộc tụ tập đông người và hạn chế các dịch vụ nhà thờ.
Liên quan đến vấn đề sau sự kiện nhiều bệnh nhân Hàn Quốc dương tính trở lại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết không phải tất cả những người đã hồi phục đều có kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2.
Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, ông Mike Ryan, nói tại cuộc họp báo ở Geneva hôm 13-4: "Về vấn đề phục hồi và sau đó tái nhiễm, tôi tin rằng chúng ta chưa có câu trả lời cho điều đó. Đó là một ẩn số".
Cũng trong ngày 13-4, WHO cảnh báo các quốc gia trong việc dỡ bỏ phong tỏa quá sớm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc mở cửa lại nền kinh tế ở Mỹ và các quốc gia khác có thể gây ra hậu quả nguy hiểm. Ngoài ra, WHO xác nhận Covid-19 nguy hiểm gấp 10 lần cúm H1N1 vào năm 2009. Vắc-xin là cách duy nhất để thực sự ngăn chặn virus lây lan, ông Ghebreyesus nói trong họp báo ở Geneva.
Hơn 23.000 người tử vong, Mỹ khẳng định giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Mỹ cũng tăng lên gần 570.000 ca. Đây là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới.
Giới chức Mỹ khẳng định giai đoạn tồi tệ nhất của COVID-19 đã qua đi và đại dịch này có thể đạt đỉnh trong tuần này. Giới chức và các nhà lập pháp Mỹ hiện tranh luận về việc liệu có nên bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, mở cửa kinh tế trở lại hay không.
Trong khi đó, 9 bang tại bờ Đông và Tây Mỹ hôm 13-4 thông báo họ đã bắt đầu lên kế hoạch tái mở cửa kinh tế từng bước một, cũng như gỡ bỏ lệnh yêu cầu ở nhà giữa lúc xuất hiện các dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của COVID-19 đã qua đi.
Thống đốc New York Anrew Cuomo cho biết các bang ở phía Đông Bắc của New York, New Jersey và Connecticut sẽ làm việc với Delaware, Pennsylvania và Rhode Island để cùng nhau khởi động kinh tế.
"Sức khỏe công và kinh tế: Đâu là ưu tiên hàng đầu? Cả hai đều là ưu tiên hàng đầu" – ông Cuomo khẳng định.
Tính đến ngày 13-4, Mỹ ghi nhận hơn 23.000 ca tử vong và hơn 570.000 ca nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters
Các thống đốc của California, Oregon và Washington cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận về hướng tiếp cận chung trong việc tái mở cửa kinh tế nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Tổng thống Donald Trump cùng ngày tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng quyết định khởi động kinh tế là của ông và chính quyền của ông đang làm việc chặt chẽ với thống đốc các bang.
"Một quyết định do tôi, cùng với các thống đốc và sự tư vấn của những người khác, sẽ sớm được đưa ra" – ông Trump viết.
Chính quyền Tổng thống Trump trước đó đã phát tín hiệu 1-5 có thể là ngày nới lỏng lệnh phong tỏa để xoa dịu áp lực kinh tế.
Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc truyền thông khẳng định sai sự thật rằng mở cửa kinh tế trở lại là quyết định của các thống đốc. Dù vậy, theo giới chuyên gia luật, quyền lực của tổng thống Mỹ thực sự bị hạn chế trong vấn đề yêu cầu người dân trở lại làm việc, thành phố tái mở cửa các văn phòng chính phủ, hệ thống giao thông hay doanh nghiệp địa phương.
Nga: Thêm 2.558 ca nhiễm, dân Moscow ra ngoài phải xin phép
Theo Daily Mail, Nga hôm 13.4 ghi nhận 2.558 ca nhiễm COVID-19 mới. Tổng cộng Nga có 18.328 ca nhiễm và 148 ca tử vong.
Thủ đô Moscow ở Nga được coi là vùng tâm dịch với 10.158 ca nhiễm và 72 ca tử vong. Moscow đã áp đặt quy định mới, người dân chỉ được đi đổ rác, mua thuốc men, nhu yếu phẩm ở gần nhà.
Nhà chức trách cũng thiết lập đoạn mã QR trực tuyến. Người dân muốn ra ngoài phải quét mã QR để nhà chức trách kiểm soát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, ông Putin đã nhóm họp với các quan chức từ xa, cân nhắc huy động quân đội đối phó dịch bệnh.
Để đối phó với số ca nhiễm không ngừng tăng, nhiều người dân Nga đã chọn cách chuyển về vùng nông thôn sinh sống. Nhưng việc không quen với cuộc sống gần thiên nhiên, với những khu rừng khiến một người đàn ông tử vong do ăn phải rễ cây có độc.
Châu Âu vật lộn với dịch bệnh
Italy ghi nhận thêm 3.153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 159.516 trường hợp. Như vậy, số ca bệnh mới được ghi nhận ở Italy nằm ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4.
Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy trong 24 giờ qua đã tăng thêm 566 người, lên tổng cộng 20.465 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italy hiện ghi nhận 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.
Tại Anh, số ca tử vong vì dịch COVID-19 đã lên tới 11.329 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới. Số liệu mới nhất trên đã khiến Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới. Cố vấn khoa học cấp cao của Chính phủ Anh cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có thể giảm 30% trong quý này vì các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19. Theo ông Sunak, có rất ít hy vọng các hạn chế sẽ sớm được dỡ bỏ.
Pháp ghi nhận có 136.779 ca nhiễm (tăng 4.189) và 14.967 ca tử vong (tăng 574). Tổng thống Macron cũng thông báo việc xét nghiệm trên diện rộng sẽ được thực hiện trong những tuần tới, nhất là đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và người có sức khỏe yếu. Kể từ 11/5, Pháp sẽ có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus.
Tây Ban Nha vẫn là quốc gia có số người nhiễm cao thứ hai trên thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 547 ca tử vong, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 17.756 ca. Tổng số ca mắc tăng lên 170.099 ca. Vào thời kỳ đỉnh điểm, số bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ban Nha tử vong lên tới gần 1.000 người trong một ngày.
Châu Á tiếp tục chống dịch bệnh
Trung Quốc thử nghiệm vaccine thứ hai phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Đây là vaccine do các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu và phát triển nhằm ngừa SARS-CoV-2 và đã được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Hồ sơ xin phép của Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đã được phê duyệt sơ bộ để tiến hành giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng.
Nhật Bản ghi nhận rõ rệt số ca nhiễm mới giảm, xuống dưới 100 người trong vòng 1 tuần qua. Tuy nhiên, quốc gia này lo lắng khi số ca nhiễm ở nhóm trẻ tuổi và không rõ nguồn lây gia tăng. Đến sáng nay tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản là 7.618 (tăng 248) và 143 ca tử vong (tăng 20).
Các nước Đông Nam Á
Philippines ghi nhận 4.932 ca mắc COVID-19, vượt qua Malaysia vốn liên tục dẫn đầu về tổng số ca nhiễm virus từ đầu dịch. Như vậy Philipines trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất tại Đông Nam Á, và đứng thứ hai về số bệnh nhân tử vong, với 375 ca, chỉ sau Indonesia. Cùng ngày, giới chức thủ đô Manila, Philippines cho biết đã bắt đầu mở rộng quy mô xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tiến hành hơn 1.600 xét nghiệm mỗi tuần với những người có triệu chứng nặng để xem họ có nhiễm virus hay không.
Thái Lan lặng lẽ bước vào năm mới theo Phật lịch khi toàn bộ đất nước trong tình trạng "phong tỏa mềm" và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19. Để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan mất kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước.