Tiểu bang Washington vừa có 2 người Việt Nam tử vong vì COVID-19. Đây có thể là những người gốc Việt đầu tiên tử vong do virus này tại Mỹ và trên thế giới.
Người dân ngồi nhà có thể giám sát người cách ly Covid-19 bằng GPS
Tối 18/3, sau cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, Hà Nội cho ra mắt ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ứng dụng này có vai trò giám sát các trường hợp dương tính với Covid-19 và người được yêu cầu cách ly tập trung, cách ly tại nơi cư trú và cả người đã khỏi bệnh cần tiếp tục theo dõi y tế.
Các trường hợp liên quan đến Covid-19 được yêu cầu cài đặt phần mềm trên. Khi đi quá nơi cách ly khoảng 20-30 m, người bị giám sát sẽ bị phầm mềm cảnh báo. Đồng thời, phần mềm cũng gửi tin nhắn cho cán bộ quản lý giám sát tại các địa phương đó, người thân trong gia đình cũng như tổ dân phố có thể đảm bảo kịp thời ngăn chặn.
Ngoài ra, người thuộc diện cách ly sẽ được theo dõi sức khỏe hàng ngày qua App và khai báo lộ trình dịch tễ. Hệ thống GPS được kết nối với điện thoại và hệ thống điều hành trung tâm, giúp cho Thành phố có thể quản lý được các địa điểm cách ly.
Giao diện ứng dụng theo dõi người cách ly Covid-19 của Hà Nội.
Phần mềm cũng giúp người dân thành phố tiếp nhận tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, Việt Nam và trên thế giới. Bản đồ dịch bệnh của thành phố, các khu vực đang cách ly… cũng được cập nhật trên phần mềm để người dân theo dõi.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu cán bộ các quận-huyện, xã-phường cài đặt ngay phần mềm này để kịp thời theo dõi các trường hợp cách ly, điều trị Covid-19.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị liên quan từ ngày 19/3 phải có danh sách các trường hợp giám sát y tế tại từng quận, huyện và hướng dẫn cho những người cách ly tại nhà cài đặt ứng dụng này để phục vụ cho việc quản lý.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều ngày 18/3, trên địa bàn thành phố có 415 người tiếp xúc gần (F1) với các trường hợp dương tính Covid-19, 2.800 người thuộc dạng F2.
Trên địa bàn thành phố, hiện có 2.227 người thuộc diện cách ly tập trung tại 9 địa điểm. Hiện các bệnh viện của TP cũng đang tổ chức cách ly, điều trị cho 326 người tiếp xúc gần với các ca dương tính.
Hà Nội vận động đám cưới từ 200 xuống 5 mâm để chống dịch
Chiều 18/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tiếp tục họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng, dự kiến trong 2 ngày 18 và 19/3, sẽ có 78 chuyến bay với khoảng trên 6.000 công dân Việt Nam từ châu Âu và các nước có dịch về Việt Nam qua các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
Đến hết ngày 17/3, đã thực hiện kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm cho 1.953 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly tập trung theo quy định.
Để đáp ứng yêu cầu cách ly công dân trở về từ vùng dịch, UBND thành phố đã quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung để đón các trường hợp về từ vùng có dịch.
Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai) với quy mô 2.000 chỗ lưu trú. Khu cách ly này triển khai thực hiện tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 19/3, cho đến khi kết thúc dịch.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (Phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), có quy mô 800 chỗ lưu trú; triển khai thực hiện tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 20/3, cho đến khi kết thúc dịch.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng bổ sung cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 1 khu cách ly tập trung tại Trung tâm Đào tạo nghề Thành An, Binh đoàn 11 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) với quy mô 500 chỗ lưu trú.
Đến 17h ngày 18/3, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận hơn 600 công dân trở về từ châu Âu và các nước có dịch qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Công dân trở về được đưa đến các khu cách ly tập trung theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động thành lập bộ máy, tổ chức quản lý, vận hành và phục vụ khu cách ly tập trung; bố trí lực lượng điều hành và phục vụ cho khu cách ly; đảm bảo về hậu cần, phục vụ cho người cách ly và nhân viên phục vụ (giường, chiếu, nhu yếu phẩm, nấu ăn...); đảm bảo xe vận chuyển, đưa đón người cách ly; nhận và bàn giao người cách ly đúng theo quy định.
Báo cáo trong cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết, hiện có 4.010 khách du lịch trên địa bàn quận; Còn 403 trường hợp cách ly, đều có sức khỏe bình thường. Quận đã yêu cầu các cơ sở lưu trú hỗ trợ khách nước ngoài, không kỳ thị khách du lịch nước ngoài. Tập trung rà soát để bổ sung trang thiết bị, nguồn nhân lực để ứng phó với tình huống xấu.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, trong 2 ngày vừa qua UBND quận phát hiện thêm 2 trường hợp là tiếp viên hàng không tại sân bay Nội Bài tiếp xúc gần với ca dương tính với Covid-19.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết, đến thời điểm này quận đã vận động được 43 đám cưới không tổ chức diện rộng hoặc chỉ tổ chức báo hỷ, tổ chức đám cưới trong nội bộ gia tộc.
“Đặc biệt, chúng tôi đã trao đổi, tuyên truyền 1 số đám cưới từ 200 mâm xuống còn 5 mâm và được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ cao”, ông Cương thông tin trong cuộc họp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cũng đề nghị người dân cập nhật thường xuyên tinh thần ý thức tự giác, cấm hoạt động liên quan đến đông người, vận động gia đình có đám cưới, đám giỗ phải giảm.
Mỹ: Hai người gốc Việt đầu tiên tử vong vì COVID-19
Thông tin về hai trường hợp tử vong này trên đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận. Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946 và đã tử vong do COVID-19 ngày 16/03 (giờ Mỹ) tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, bang hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Mỹ.
Người này được phát hiện có dấu hiệu nhiễm COVID-19 trong một trại dưỡng lão ngày 09/03 và sau đó đã được đưa vào một trung tâm y tế xét nghiệm và đã có kết quả dương tính. Bệnh nhân đã tử vong sau một tuần nhập viện.
Trường hợp người Việt thứ 2 qua đời vì COVID-19 là người cao tuổi, bị mù, ở một Viện dưỡng lão cũng tại tiểu bang Washington. Dù trước đó tại Viện dưỡng lão có người chết vì mắc COVID-19 nhưng những người xung quanh đã tiếp xúc với bệnh nhân vẫn không được khám và xét nghiệm nếu không có triệu chứng.
Bệnh nhân này, thứ 5 tuần trước bị sốt, sau khi xét nghiệm dịch tễ cho kết quả dương tính với COVID-19. Người này sau đó được chuyển đến bệnh viện nhưng đã qua đời sau 24 giờ sau đó.
Như vậy, 2 bệnh nhân này là những người Việt Nam đầu tiên tại Mỹ được biết đã tử vong do COVID-19.
Indonesia: Số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, số người tử vong cao nhất Đông Nam Á
Ngày 18.3, Indonesia đã ghi nhận thêm 14 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người tử vong do virus tại nước này lên 19 trường hợp, cao nhất Đông Nam Á.
Đáng lưu ý, số người tử vong do COVID-19 tại Indonesia chủ yếu tập trung ở thủ đô Jakarta với 12 trường hợp.
Ông Achmad Yurianto, một quan chức y tế Indonesia cho biết, đây là “mức nhảy vọt đáng ngại” về số ca nhiễm COVID-19 tại nước này.
Người dân Indonesia đi xe bus trong dịch COVID-19 (ảnh: Straitstimes)
Ông Achmad Yurianto cũng nói thêm rằng, số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia có thể “tăng lên đáng kể” trong vài ngày tới. Chính quyền Indonesia đang nỗ lực truy tìm nguồn gốc lây lan của dịch bệnh và phổ biến kiến thức đến người dân.
Ngoài 132 bệnh viện công lập trên toàn quốc, Indonesia đã chỉ định thêm 109 bệnh viện quân đội và 65 bệnh viện do các doanh nghiệp nhà nước quản lý tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với khoảng 267 triệu người, chủ yếu theo tín ngưỡng đạo Hồi.
Ngày 18.3, hàng ngàn tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi tại châu Á đã hành hương đến Indonesia để chuẩn bị tham gia một sự kiện tôn giáo lớn tại đây, bất chấp cảnh báo lây nhiễm COVID-19.
Cách đây khoảng 2 tuần, một sự kiện tôn giáo tương tự đã diễn ra tại Malaysia, ít nhất đã có hơn 500 ca nhiễm COVID-19 sau khi tham gia.
Các quan chức tại tỉnh Sulawesi, Indonesia, nơi sắp diễn ra sự kiện tôn giáo cho biết, họ đang nỗ lực thuyết phục những chức sắc dừng lại việc tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, ông Mustari Bahranuddin, một chức sắc tôn giáo cho biết, các tín đồ coi trọng tín ngưỡng hơn là dịch COVID-19.
“Cũng như những người khác, chúng tôi cũng sợ bệnh tật và cái chết, nhưng có một điều còn quan trọng hơn thế, đó là linh hồn”, một trong những người tham gia sự kiện tôn giáo tại Indonesia nói.
Ước tính có khoảng 8.695 tín đồ Hồi giáo từ khắp châu Á đã đổ về tỉnh Sulawesi. “Họ vẫn đang kéo đến. Có những người từ Thái Lan, Ả Rập, Ấn Độ và cả Philippines”, một quan chức địa phương cho biết.
Italia: Thêm 475 ca tử vong vì COVID-19
Theo Daily Mail, hôm 18.3, Italia ghi nhận tới 475 người tử vong, chỉ một ngày sau khi các số liệu cho thấy tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở nước này có dấu hiệu giảm.
Italia cũng thông báo thêm 4.207 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên con số 35.713. Tổng số ca tử vong ở Italia hiện là 2.978 và có 4.025 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn.
Con số 2.978 đưa Italia tiệm cận Trung Quốc về số người tử vong. Trung Quốc hiện ghi nhận 3.237 người chết vì COVID-19. Nhưng tổng số ca nhiễm COVID-19 của Trung Quốc lớn hơn nhiều, lên tới 80.894.
Các nhân viên y tế Italia chuẩn bị quan tài ở bệnh viện Ponte San Pietro, Bergamo.
“Điều quan trọng là, đừng bỏ cuộc”, người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Italia, Silvio Brusaferro, phát biểu trong cuộc họp báo truyền hình toàn quốc. “Sẽ cần thêm vài ngày tới để chúng ta thấy hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh”.
Ông Brusaferro khẳng định Italia cần tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát như hiện tại và quan trọng nhất là bảo vệ những người có nguy cơ tử vong cao nhất.
Các chuyên gia tại Đại học Genoa dự đoán, thời điểm Italia đạt đến “đỉnh” dịch là vào khoảng ngày 23-25.3. Điều đó có nghĩa là trong vài ngày tới, số ca lây nhiễm và tử vong của Italia vẫn sẽ ở mức cao.
Lệnh phong tỏa hiện tại của Italia sẽ hết hiệu lực vào ngày 25.3 và các trường học hiện vẫn đóng cửa cho đến 3.4.
“Đạt đến đỉnh dịch không có nghĩa là mọi chuyện đã xong”, giáo sư Giorgio Sestili tại Đại học Genoa, Italia, nói. “Nó chỉ có nghĩa là dịch bệnh bắt đầu có xu hướng giảm, từ đó giảm sức ép đối với các khu điều trị tích cực (ICU)”.
Trước đó, nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Oxford chỉ ra rằng Italia dễ tổn thương vì COVID-19 do có tỉ lệ dân số già cao nhất ở châu Âu và việc người già thường hay tiếp xúc với người trẻ.
Xét trên quy mô toàn cầu, tỉ lệ người già ở Italia chỉ xếp sau Nhật Bản. Người trẻ có thể bị lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển ngoài đường, đem virus về nhà mà không hay biết, từ đó lây sang người già.
Anh sắp phong tỏa London, 2 vạn binh sĩ quân đội sẵn sàng
Theo Daily Mail, số ca tử vong ở Anh vì COVID-19 đã lên đến 33 người trong một ngày và đây được coi là dấu hiệu đáng lo ngại. Anh thông báo có 2.626 ca nhiễm COVID- 19 tính đến ngày 18.3 và 104 ca tử vong.
Ông Johnson không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp “nhanh hơn và cứng rắn hơn” nhằm kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là ở thủ đô London.
Thủ tướng Anh nhắc đến việc áp dụng chế tài buộc người dân phải làm việc tại nhà, tránh tụ tập ở quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim.
Riêng ở London, ước tính có 953 người nhiễm COVID-19, chiếm hơn một phần ba số ca nhiễm trên toàn quốc.
Theo Daily Mail, 20.000 binh sĩ Anh được lệnh sẵn sàng triển khai trên đường phố London, hỗ trợ các bệnh viện, tuần tra thường xuyên và bảo vệ nhiều địa điểm quan trọng.
Hôm 18.3, ông Johnson cảnh báo người dân rằng phớt lờ khuyến cáo y tế của chính phủ sẽ càng làm tăng rủi ro, không chỉ cho bản thân mà còn cả người khác.
Theo quan sát, người dân London dường như chưa để tâm đến cảnh báo của chính phủ, khi vẫn tụ tập đông người, đến nhà hàng, quán bar như bình thường. Đó là cơ sở để ông Johnson ra lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô, từ đó áp dụng chế tài buộc người dân phải ở nhà.
Trả lời về khả năng phong tỏa London, ông Johnson nói: “Càng chặt chẽ, càng nghiêm ngặt, chúng ta càng có thể tuân thủ những lời khuyên như ở nhà nếu có triệu chứng, tránh tụ tập đông người, từ đó giảm áp lực đối với hệ thống y tế quốc gia và giảm số người tử vong”.
Các cố vấn Anh hiện đang thảo luận với Thủ tướng Boris Johnson về thời điểm thích hợp thông báo lệnh phong tỏa.