Mùa dịch COVID-19, cảnh giác với những cú lừa kẻo tiền mất tật mang

Ngày 19/03/2020 00:08 AM (GMT+7)

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều đối tượng đã dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ các sản phẩm phòng chống COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dịch COVID-19 đang lan rộng và là nỗi lo sợ của người dân thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều chiêu lừa đảo được tung ra nhằm chiếm đoạt tài sản. Chúng ta cần cảnh giác để không "tiền mất, tật mang" và rước bực vào người.

Lừa tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19

Tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), nhiều người bị một đối tượng dụ dỗ tiêm một loại vắc xin được quảng cáo là có thể phòng chống COVID-19. Tin lời người này, 30 người ở thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước đã bỏ ra 700.000 đồng cho một mũi vắc xin. Mỗi lần tiêm xong, người này phát cho người dân bản photo phiếu chỉ định tiêm ngừa thật.

Ngày 16/3, lãnh đạo Công an TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết cơ quan cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, bắt khẩn cấp đối tượng lừa tiêm vắc xin chống COVID-19 là bà Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mùa dịch COVID-19, cảnh giác với những cú lừa kẻo tiền mất tật mang - 1

Đối tượng lừa tiêm vắc xin chống COVID-19 đã bị bắt

Theo kết quả điều tra, bà Sương đã dùng nước cất, kháng sinh để làm giả các loại vắc xin tiêm phòng bệnh cho trẻ em, bệnh ung thư, đột quỵ và cả phòng dịch COVID-19.

Được biết, bà Sương mới học hết lớp 9, từng giúp việc cho một phòng khám tư nhân trên địa bàn. Biết nhiều người có nhu cầu phòng bệnh, bị can tự nhận là nhân viên y tế dự phòng để tiêm phòng vắc xin.

Thực hư công dụng thẻ diệt virus COVID-19

Cuối tháng 2 vừa qua, khi tình hình dịch COVID-19 trở nên phức tạp trên toàn thế giới, có thể dễ dàng thấy Facebook xuất hiện những bài đăng quảng cáo và rao bán một loại thẻ đeo trên người. Sản phẩm này được chào bán với mức giá từ 150.000 – 400.000 đồng với công dụng được mô tả là ngăn chặn không cho virus lại gần người đeo thẻ này trong bán kính 1m. Thẻ này được người bán khuyên dùng cho trẻ em và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Mùa dịch COVID-19, cảnh giác với những cú lừa kẻo tiền mất tật mang - 2

Thẻ chống virus được quảng cáo là nên dùng cho trẻ nhỏ

Người bán cũng cho hay, chiếc thẻ này được sản xuất và bán rất chạy tại Nhật Bản, thành phần chính là Natri kẽm, sử dụng Clo Dioxide để khử trừng và khử mùi trong không khí phạm vi bán kính 1m2. Thẻ có thời hạn sử dụng là 1 tháng kể từ khi bóc ra.

Cơ chế hoạt động của chiếc thẻ này được người bán quảng cáo rất thần kỳ, khi đeo thẻ trên người có thể ngăn chặn các loại virus, chứa chất Clo dioxide có thể làm giảm việc hít phải khí độc do virus gây ra xung quanh trong không khí, ngăn chặn không cho virus lại gần người đeo sản phẩm, có khả năng phòng chống các loại virus và được dùng để ngừa COVID-19.

Mùa dịch COVID-19, cảnh giác với những cú lừa kẻo tiền mất tật mang - 3

Công dụng thần kỳ của loại thẻ này được nhiều chủ shop quảng cáo

PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện cơ quan y tế của Việt Nam chưa nhận được thông tin chính thức nào từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh. Ông Phu cũng khẳng định, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng loại sản phẩm như trên để phòng bệnh COVID-19.

Giả vờ là nhân viên y tế phun thuốc phòng dịch để trộm cắp

Đầu tháng 3/2020, tại thành phố Lạng Sơn xảy ra một số vụ lừa đảo, trộm cắp tài sản dẫn đến thiệt hại cho người dân. Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh là nhân viên của trung tâm y tế đến phun thuốc phòng dịch sau đó thu tiền phí hoặc lợi dụng sơ hở của chủ nhà để thực hiện hành vi trộm cắp. Các đối tượng gồm hai người, hoạt động trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Mùa dịch COVID-19, cảnh giác với những cú lừa kẻo tiền mất tật mang - 4

Một số đối tượng giả làm nhân viên y tế tới xịt khử khuẩn để trộm cắp (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các hộ dân trên địa bàn thiếu cảnh giác đối với các đối tượng không rõ lai lịch, thiếu hiểu biết về công tác phòng chống dich bệnh COVID-19 tại địa phương. Chính vì vậy, người dân cần chú ý theo dõi và cập nhật tin tức, nâng cao hiểu biết và đề cao cảnh giác để không rơi vào những cái bẫy mà những đối tượng lừa đảo giăng ra.

Liên tiếp 7 ca mới nhiễm COVID-19, 5 người ở Hà Nội, 2 tỉnh có ca mắc mới
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 7 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 75 ca.
H.M (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xã hội