COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài?

Ngày 03/04/2020 08:21 AM (GMT+7)

Văn phòng Chính phủ ngày 3-4 đã có văn bản hướng dẫn nêu rõ những trường hợp thật sự cần thiết ra ngoài để thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19.

Văn bản nêu rõ ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất.

COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài? - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.

3. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.

4. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

5. Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh.

(Theo VGP)

Nước thứ 2 ở châu Á ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19

CNN dẫn con số mới nhất từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, nước này hôm 3/4 ghi nhận thêm 86 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên con số 10.062. Hàn Quốc là nước thứ 2 ở châu Á có số ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 10.000.

Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 hiện nay ở Hàn Quốc là 174, tính cả 5 ca mới hôm 2/4.

Trong số 86 ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận, có 18 ca ở thủ đô Seoul, 9 ca ở thành phố Daegu, 23 ca ở tỉnh Gyeonggi, 22 ca được phát hiện khi sàng lọc ở sân bay và số còn lại rải rác ở các tỉnh thành trên cả nước, theo KCDC.

Hàn Quốc là nước thứ 2 ở châu Á có tổng số ca nhiễm Covid-19 vượt mức 10.000. Ảnh: Yonhap

Chỉ một tháng trước, Hàn Quốc là một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới. Nhưng hiện tại, số lượng ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày đã giảm rõ rệt. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang dần kiểm soát được dịch Covid-19.

Ít nhất 6.021 ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc đã khỏi bệnh và được xuất viện, chiếm 60% tổng số ca nhiễm bệnh. Hơn 3.800 bệnh nhân còn lại đang được điều trị và cách ly.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ở châu Á có số ca vượt mốc 10.000. Hiện tại, quốc gia đông dân nhất thế giới có 82.000 ca nhiễm.

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu có thể gấp 5-10 lần so với báo cáo

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, ông Brendan Murphy, Giám đốc Dịch vụ Y tế của Australia nhận định số ca nhiễm COVID-19 thực tế trên toàn cầu có thể cao hơn 5-10 lần so với 1 triệu ca đã được công bố. 

COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài? - 2

Ông Brendan Murphy, Giám đốc Dịch vụ Y tế của Australia

"Chúng tôi biết đánh giá tỷ lệ tử vong, tỷ lệ xét nghiệm nhiều quốc gia không phát hiện hết được các ca nhiễm. Có một số quốc gia không đủ khả năng xét nghiệm. Ở Australia, chúng tôi tự tin các xét nghiệm của chúng tôi chuẩn nhất trên thế giới", ông Brendan Murphy nói.

Tính đến ngày 3/4, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Úc là 5.352, trong đó có 28 ca tử vong.

Thế giới có hơn 1 triệu người mắc COVID-19, Pháp có một ngày tang thương

Theo SCMP, số người nhiễm Covid-19 trên thế giới chính thức vượt qua 7 chữ số vào lúc 12 giờ 30 phút chiều theo múi giờ miền Đông (Bắc Mỹ), tương đương khoảng 11 giờ tối ngày 2.4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của Đại học John Hopkins ở Mỹ.

Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái, đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Covid-19 trở thành một trong những cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài? - 3

Người dân Pháp bị yêu cầu hạn chế ra đường đến ít nhất ngày 15-4. Ảnh: Reuters

Hàng loạt chính phủ trên thế giới đã áp lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà máy, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, yêu cầu hàng tỷ người ở trong nhà, hạn chế đi lại. Các nước cũng tung ra các gói cứu trợ chưa từng có nhằm đối phó với Covid-19, trong đó, Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD.

Pháp ghi nhận tổng cộng 59.105 ca nhiễm và 5.387 ca tử vong, tăng thêm 7.947 và 1.355 ca sau 24 giờ. Paris là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo News Week, cảnh sát Pháp đang biến sảnh của chợ Rungis, nằm ngoài Paris, thành nhà xác dã chiến để chứa thi thể của các bệnh nhân nhiễm Covid-19, do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, giữa lúc các nhà tang lễ quá tải.

Đây không phải là lần đầu tiên Rungis bị biến thành một nhà xác tạm thời. Vào năm 2003, hàng trăm thi thể của các nạn nhân thiệt mạng vì nắng nóng đã được chuyển đến đây để bảo quản trong các xe đông lạnh cũng như quầy bán rau củ lạnh.

240.000 người mắc Covid-19, Mỹ khẩn cấp tăng cường sản xuất máy thở

Mỹ ghi nhận thêm 28.295 ca mắc Covid-19 trong ngày 2/4, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 243.298.

COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài? - 4

Thi thể người tử vong được đưa lên xe tải đông lạnh ở New York.

Michigan hiện là bang có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 ở Mỹ với số ca nhiễm tăng mạnh trong vài ngày qua.

Tính đến chiều ngày 2.4, bang Michigan ghi nhận 10.791 ca nhiễm Covid-19 và 417 người tử vong. Bang New Jersey hiện đang xếp sau vùng tâm dịch New York với hơn 25.000 ca nhiễm và 537 ca tử vong.

Riêng ở bang New York, Mỹ có hơn 93.000 ca nhiễm Covid-19 và 2.372 ca tử vong. Các khu vực xung quanh quận Manhattan ở thành phố New York có số ca lây nhiễm tăng nhanh nhất, đặc biệt là những nơi tập trung người nghèo sinh sống.

950 người chết một ngày, Tây Ban Nha vượt mốc 10.000 ca tử vong

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha hôm 2-4 tăng lên lần lượt 110.238 và 10.003 ca.

Trong đó, số ca nhiễm tăng thêm 8.102 ca và số ca tử vong tăng thêm 950 ca trong 24 giờ qua. Tính đến hôm 2-4, Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sau Ý ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 10.000 ca. Gần 27.000 bệnh nhân Covid-19 ở nước này đã hồi phục kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

COVID-19 ngày 3/4: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16, trường hợp cần thiết nào được ra ngoài? - 5

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Tây Ban Nha hôm 2-4 tăng lên mạnh

Tây Ban Nha - nơi dịch bệnh hoành hành từ tháng 2 - là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai của châu Âu với tỉ lệ tử vong hằng ngày tăng mạnh những tuần gần đây.

Hôm 15-3, chính quyền Madrid áp đặt lệnh cách ly trên cả nước để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết họ sẽ thực hiện các bước tiếp theo để hạn chế người dân đi lại.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tạm dừng hợp đồng với công ty Trường Sinh

Liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại khu vực căng tin của Công ty Trường Sinh tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế yêu cầu rà soát các cơ sở có hợp đồng với công ty này, đồng thời yêu cầu tạm dừng hợp đồng.

Sau khi phát hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên là nhân viên Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế, Bệnh viện trực thuộc Bộ rà soát các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quản lý có hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty Trường Sinh. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tạm dừng hợp đồng với Công ty Trường Sinh và tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch tại cơ sở khám chữa bệnh.

Đến nay đã xác định Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho 5 cơ sở y tế gồm Bệnh viện Bạch Mai (2 cơ sở), Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Nội tiết Trung ương-cơ sở 2 và Bệnh viện A Thái Nguyên.

Giám đốc BV Hữu Nghị cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế thông báo có ca bệnh Covid- 19 thuộc Công ty TNHH Trường Sinh, BV đã lập tức thực hiện các biện pháp cách ly khẩn cấp; đồng thời xét nghiệm đối với toàn bộ nhân viên của công ty này đang làm việc tại bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm đã có 15/15 mẫu âm tính. Hiện nhóm nhân viên của Công ty Trường Sinh vẫn đang được tiếp tục cách ly. Bệnh viện cũng đã cho đóng cửa, phong tỏa tạm thời toàn bộ khu vực căng tin Bệnh viện để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

BV Nội tiết Trung ương cũng cho biết, toàn bộ 19 nhân viên của công ty TNHH Trường Sinh cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Nội tiết Trung ương đều có kết quả âm tính với Covid-19.

BV Nội tiết Trung ương khẳng định, những nhân viên cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Nội tiết này không có liên quan tới các nhân viên phục vụ tại BV Bạch Mai. Hai tổ nhân viên cung cấp suất ăn đều làm việc tách biệt nhau tại 2 đơn vị. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn BV Nội tiết Trung ương vẫn đang kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại khu vực nhà ăn cùng các nhân viên cung cấp suất ăn đồng thời tìm đơn vị cung cấp suất ăn mới trong trường hợp toàn bộ nhân viên công ty TNNHH Trường Sinh buộc phải cách ly phòng chống Covid-19.

Thêm 6 ca mới nhiễm COVID-19 từ 228 đến 233, 3 người về nước 2 tuần mới phát hiện bệnh
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 233 ca.
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19