Cụ Thi học máy tính không phải đợi một ngày sẽ được lên báo, nổi tiếng mà cụ học để viết tiếp những dòng nhật ký và nắm bắt thông tin ở ngoài xã hội.
Học máy tính ở tuổi gần 90
Ngay sau khi báo chí nước ngoài đăng tải thông tin về cụ bà gần 100 tuổi “sành internet nhất Việt Nam”, chúng tôi đã tìm tới gia đình cụ Lê Thi (97 tuổi, ở Xa La, Hà Đông) để tìm hiểu thực hư sự việc.
Tại căn nhà rợp bóng mát, tiếp chuyện với chúng tôi, cụ Lê Thi nói: “Thực ra, việc này có gì to tát đâu. Có rất nhiều người như tôi, thậm chí họ còn giỏi hơn tôi nhưng mọi người không biết đấy thôi. Chỉ là có thể do tôi có tính tò mò hơn họ, muốn tìm hiểu nhiều thứ nên tôi luôn cố gắng học hỏi những cái mới, những cái mà bản thân chưa biết.
Hình ảnh cụ Lê Thi trên báo nước ngoài. Ảnh: Mediacorp.
Tôi học máy tính, vào mạng ngoài phục vụ nhu cầu viết lách của mình, thì còn giúp tôi nắm bắt được các thông tin thời sự qua việc đọc báo chí hàng ngày.
Trước đây, tôi viết nhật ký bằng vở học sinh, nhưng khi già viết không được đẹp nữa, nên quyết học bằng được máy tính để đánh máy cho đẹp. Đến giờ tôi đánh máy được hàng ngàn trang và đang lưu giữ cẩn thận trong máy”.
Được biết, cụ Thi bắt đầu sử dụng máy tính từ năm 2007 (lúc đó cụ đã 87 tuổi). Cho đến nay cụ có thể dùng thành thạo một số chức năng như: đánh máy, vào mạng, sử dụng mạng xã hội trên máy tính…
Không chỉ sử dụng internet thành thạo, cụ Thi còn biết vẽ tranh.
Không chỉ riêng máy tính, mà cụ Thi luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi, mọi lĩnh vực từ vẽ tranh, trồng cây, làm bánh, đan áo… Tất cả đều nhằm phục vụ nhu cầu của bản thân, chứ không phải nghĩ đến ngày mình sẽ được nổi tiếng hay lên báo.
Khi được hỏi về việc cụ được báo nước ngoài đưa tin, đăng clip khen ngợi… cụ Thi chia sẻ: “Tôi đã xem clip và đọc bài rồi. Thời điểm phóng viên nước ngoài về nhà tôi viết bài cách đây khoảng gần 1 năm, tuy nhiên trong bài viết của họ có một số thông tin không chính xác. Tôi có viết 50 cuốn nhật ký thôi, chứ không phải là viết 50 tập truyện. Nếu tôi viết được nhiều truyện đến thế thì đã thành nhà văn rồi”.
Cụ Thi học máy tính nhằm thực hiện việc viết tự truyện, nhật ký của riêng mình.
“Trước đây tôi thường đọc những cuốn tiểu thuyết lớn của nước ngoài. Sau này khi biết về mạng internet, tôi lại mày mò lên mạng để tìm những xu hướng mới trong văn học hiện nay. Từ đó, tôi kết hợp để viết nhật ký, tự truyện của riêng mình”, cụ Thi chia sẻ.
Được biết, cụ Thi đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết với tên gọi Ngược dòng, cuốn tiểu thuyết này như một câu chuyện kể về cuộc đời của mình. Để viết được cuốn tiểu thuyết này, trước đó cụ đã phải đọc rất nhiều sách nhằm mở mang kiến thức, xây dựng bố cục mạch lạc để “đứa con tinh thần” của cụ không chỉ mang giá trị nhân văn mà nó còn truyền tải được câu chuyện của đời mình cho thế hệ sau.
Hàng ngày cụ Thi vẫn tự ngoáy trầu để ăn.
Lạc quan và sống có nguyên tắc
Trong cuộc sống hàng ngày, cụ Thi luôn giữ được tinh thần lạc quan, dù là ở trong bất kể hoàn cảnh nào và để làm được điều đó. Cụ Thi cho biết: “Tất cả đều do học hành mà ra cả. Được đọc nhiều nên tôi học được cách sống lạc quan, không bon chen, sống vì mọi người và sống sao để trở thành người có ích trong xã hội. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng quyết định mang đến cuộc sống như thế nào thì phải do bản thân.
Giống như việc 17 năm trước tôi nghiện thuốc lá, khi được người khác góp ý là đàn bà phụ nữ hút thuốc trông khó coi nên tôi đã quyết tâm bỏ. Dù rất bứt rứt, khó chịu nhưng tôi đã quyết để cai được thuốc lá”.
Dù lưng đã còng, mắt đã mờ, nhưng bà vẫn đam mê vẽ tranh. Ảnh FB Phạm Kim - cháu ruột cụ Thi.
Ngoài viết nhật ký và tiểu thuyết, cụ Thi còn có sở thích vẽ tranh và dạy con cháu vẽ tranh. Theo cụ, điều quan trọng nhất khi vẽ tranh là phải “thả” được hồn vào trong bức tranh, ngoài ra bức tranh đó cũng phải thể hiện được những nét chấm phá của riêng mình.
“Khoảng hơn 1 năm nay tôi sức khỏe tôi yếu hơn nên việc vẽ tranh đành phải dừng lại. Nhưng tôi vẫn dạy các cháu của mình khi vẽ tranh phải hiểu được những nguyên tắc căn cơ nhất, có như vậy mới tạo nên được sự khác biệt”, cụ Thi cho hay.
Trong cuộc sống, cụ Thi luôn làm việc theo nguyên tắc, lúc còn khỏe cụ đã đặt ra thời gian vẽ tranh, đọc sách, viết nhật ký, lên mạng theo một lịch trình nhất định và thực hiện đúng với lịch đã đề ra.
Những vật dụng sinh hoạt đã đi cùng cụ Thi rất nhiều năm.
Trong đó không thể thiếu được đó là chiếc máy laptop.
Dù sức khỏe ngày một yếu đi, nhưng cụ Thi vẫn rất minh mẫn. Cụ vẫn nhớ tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình. Thậm chí những bức thư tình mà chồng cụ ngày xưa viết tặng, cụ vẫn nhớ như mới ngày hôm qua.
Thời điểm hiện tại, dù cụ Thi lưng đã còng, gối đã mỏi và mang trong mình căn bệnh ung thư da đã 3 năm nay, nhưng cụ vẫn tự chăm sóc bản thân mình, luôn sống với tinh thần lạc quan nhất.
Cụ Thi đã vẽ hơn 2000 bức tranh, chủ yếu là tranh phong cảnh, trong đó có một số bức đoạt giải trong các buổi triển lãm tại thành phố Hà Nội.
Theo bà Trương Thị Chức (SN 1947), con dâu cụ Thi, sức khỏe của cụ Thi đã yếu đi nhiều sau đợt ốm vừa rồi, nhưng việc gì cụ tự làm được thì cụ cũng không nhờ đến con cháu, vì Cụ không thích như vậy.
Cụ rất đam mê vẽ nên cụ đã tự tìm tòi, học hỏi sau đó dạy dỗ và truyền cảm hứng lại cho các cháu, chắt của mình. Không riêng chỉ dạy về vẽ tranh, cụ còn luôn răn dạy con cháu phải sống sao cho có tâm, có đức. Từng lời nói, cử chỉ không hay, không đúng mực thì cụ sẽ phân tách, góp ý để con, cháu sửa đổi. Ước nguyện lớn nhất của cụ đó là giúp con, cháu trở thành người có ích trong xã hội.