Chuyện hi hữu này xảy ra tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Sự việc trở nên phức tạp khi cụ bà đi xin giấy xác nhận độc thân để cưới chồng thì nơi gật, nơi lắc.
Theo đó cơ quan tư pháp ở tỉnh ở Đồng Nai thì có xác nhận cụ chưa kết hôn với ai, nhưng tại TP.HCM thì cho rằng cụ đã có quan hệ hôn nhân, nên từ chối không cho cụ kết hôn.
Đồng Nai xác nhận độc thân
Trước năm 1975, cụ bà HTX (71 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và cụ ông LBM (hơn bà hai tuổi) và chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình sống chung hai cụ sinh được hai người con là LTD (sinh 1971) và LTTT (sinh 1973).
Sau năm 1975, do hoàn cảnh nên cụ ông LBM sang định cư tại Mỹ, nhưng vẫn thường xuyên thăm nom và gửi tiền về Việt Nam cho vợ con. Gần đây nhất là năm 2013, cụ ông M. về lưu cư và sinh hoạt với gia đình. Cụ bà X. cũng vẫn thường xuyên qua lại và liên lạc hỏi thăm các anh chị em của ông M. Việc chung sống và tình cảm giữa cụ M. và cụ X. được hai bên gia đình nội ngoại thừa nhận.
Thế nhưng cuối năm 2016, cụ bà X. bất ngờ nộp đơn ra UBND phường Tân Mai, TP Biên Hòa, đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục kết hôn. Người cụ X. có ý định kết hôn là cụ ông DT (75 tuổi), ngụ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Quyết định bất ngờ trên của cụ X. vấp phải sự phản đối quyết liệt của hai người con vì họ cho rằng cụ đã có chồng, không nên đi bước nữa. Cũng không ai ngờ ý định này còn gây khó cho các cơ quan tư pháp trong việc xác nhận.
Cụ thể khi nhận được đơn đề nghị xác nhận độc thân của cụ X thì ngày 7-11-2016 UBND phường Tân Mai đã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung cụ bà X. chưa từng đăng ký kết hôn với ai. Kèm theo đơn xác nhận cụ bà X. còn có giấy cam kết từ khi đủ tuổi kết hôn cụ chưa từng đăng ký kết hôn với với ai, không xác lập quan hệ vợ chồng với ai.
Ảnh minh họa
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ X. còn ghi rõ: “Giấy này có giá trị sử dụng trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày cấp. Giấy được sử dụng để làm thủ tục kết hôn với ông T. Nơi dự định kết hôn là UBND thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM”.
TP.HCM không cho vì nói cụ đã có chồng
Có được giấy xác nhận này, hai cụ T. và X. cầm hồ sơ, dắt nhau lên nơi cư trú của cụ T. là UBND thị trấn Cần Thạnh làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên nơi đây cho biết hai cụ chưa thể ký ngay mà về nhà chờ do UBND thị trấn đang băn khoăn về việc xác nhận độc thân của cụ X. Ngày 14-11-2016, UBND thị trấn Cần Thạnh gửi công văn cho Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ xin ý kiến nghiệp vụ và hướng giải quyết.
Hơn một tháng sau Phòng Tư pháp huyện có thông báo gửi UBND thị trấn nhận định về vụ việc. Theo Phòng Tư pháp huyện, việc cụ bà X. kết hôn với cụ T. là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình. Bởi cụ X. thuộc trường hợp là người đang có chồng, được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư Liên tịch số 01-2016 giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình). Cụ thể, trước ngày 3-1-1987, cụ X. đã chung sống như vợ chồng với cụ ông M.. và có hai con chung là LTD (sinh 1971) và LTTT (sinh 1973).
Theo Phòng Tư Pháp huyện Cần Giờ, nếu cụ X. có nguyện vọng kết hôn với cụ T. thì phải đến TAND TP Biên Hòa yêu cầu tòa không công nhận quan hệ vợ chồng với cụ ông M. (áp dụng trong trường hợp cụ M. còn sống). Sau khi tòa án có quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng này, thì cụ X. mới có thể đến UBND thị trấn Cần Thạnh yêu cầu đăng ký kết hôn với cụ T. theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền và các chuyên gia pháp luật nói gì về trường hợp này, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.