Cuộc gặp định mệnh của chàng trai tìm mẹ và cô gái bị lừa bán

Ngày 17/10/2014 00:06 AM (GMT+7)

Thời gian ấy, bên Trung Quốc người ta đấu giá phụ nữ như bán một món hàng, thuận mua, vừa bán. Có những cô gái không chịu đồng ý với giá khách trả đã bị chủ dùng dao đâm tóe máu đùi.

Bài liên quan:

Ký ức của cậu bé sang Trung Quốc làm thuê tìm mẹ

Nhiều người đầu hàng số phận nhưng riêng Nguyễn Thị Tuyền (SN 1974) thì không. Ba cô gái được nhốt cùng chị đã bị bán, còn chị nhất quyết chống cự. Anh nghe thông tin chị bị lừa, cũng tìm cách đến ngôi nhà nơi chị đang được mang ra đấu giá để “mua” với giá 3.000 NDT. Anh chuộc chị về làm vợ. Dẫu trải qua bao khó khăn thử thách nhưng hơn 20 năm qua ở bên anh, chị vẫn hạnh phúc như thủa ban đầu.

Nghe tin người phụ nữ Việt bị lừa, anh đến “mua” vợ

Căn nhà Cao Văn Quân sống với bố dượng và mẹ nằm ngay rìa rừng. Nơi ấy hẻo lánh, heo hút và cách xa trung tâm thành phố. Bọn buôn người lợi dụng địa thế này để hoạt động việc kinh doanh phụ nữ. Những năm tháng sống dưới ngôi làng đó, anh Quân được chứng kiến nhiều cảnh phụ nữ Việt Nam bị hành hạ, đánh đập tàn bạo.

Vào một buổi sáng tháng 5/1993, anh được nghe người làng kể chuyện về một cô gái 4 lần đập đầu vào tường định chết chứ nhất quyết không chịu về làm vợ ông lão 80 tuổi. Không hiểu sao giây phút ấy anh  bật khóc. Anh nghĩ đến mẹ anh của hơn 5 năm trước. Anh nghĩ đến những vết bầm dập tím tái trên cơ thể bà khi mang ý định chạy trốn về quê hương. Anh tìm đến căn lán chị đang sống, gom góp những đồng tiền từ công việc làm thuê suốt 2 năm trời để “chuộc” chị ra với giá 3000 NDT (nhân dân tệ).

Người con gái anh mua về làm vợ là Nguyễn Thị Tuyền, chị quê ở Bắc Giang. Chị bảo, ngày ấy ở quê chị, người ta kháo nhau sang Trung Quốc gánh hàng thuê nhiều. Làm dăm ba năm thế nào cũng kiếm được ít vốn về mở hiệu may, cửa hàng. Nghe lời đường mật lại choáng ngợp trước những “chiếc bánh vẽ” về số tiền họ kể, chi đi theo một bà hàng xóm nhen nhóm ước muốn được đổi đời. 

Chuyến đi hôm ấy có chị với hai người phụ nữ cùng làng. Đặt chân sang Trung Quốc, bà hàng xóm giao các chị cho một người đàn ông lạ mặt. Thế rồi bà ta mất hút. Chị với hai phụ nữ cùng làng bị bắt nhốt vào một căn nhà bằng đất ở rìa rừng Kiến Trì (Quảng Đông, Trung Quốc). Chị biết mình bị lừa bán.

Cuộc gặp định mệnh của chàng trai tìm mẹ và cô gái bị lừa bán - 1

Vợ chồng anh Cao Văn Quân và chị Nguyễn Thị Tuyến

Chị thở dài, kể cho chúng tôi nghe trong chất giọng vẫn đậm đặc nỗi sợ hãi: “Chúng tôi bị nhốt vào một căn buồng nhỏ, 4 bức tường trát đất. Một ngày bị mang ra đấu giá đến năm, bẩy lần cho các gã đàn ông đứng tuổi trong làng. Trước đó, cũng tại căn buồng ấy có một người phụ nữ đã điên mà chết. Chị ấy là người Việt Nam. Người ta lừa bán chị sang Trung Quốc khi chị đang mang thai đứa con 7 tháng tuổi.

Khi sinh con được 4 tháng, họ tách đứa trẻ mang đi bán, còn chị ở lại để phục vụ cho những mục đích kinh doanh tiếp. Nỗi nhớ con, sự nhục nhã thân xác trong những cuộc mua bán nhơ nhớp cho những gã đàn ông trong làng đã khiến chị cùng quẫn mà tìm đến cái chết. Chị chết trong cơn điên dại. Những đêm đầu tiên đến đây, chúng tôi thường nghĩ về cái chết”.

Hai người cùng phòng với chị do sợ hãi quá mà chịu về làm vợ cho mấy người đàn ông góa vợ trong làng. Một người phụ nữ khác cũng bị chủ dùng dao đâm tóe máu đùi, rồi cũng cắn răng mà chấp nhận bị bán. Nguyễn Thị Tuyền bị ép bán cho một ông lão đã ngoài 80 tuổi. Chị không chấp nhận. Trong một lần mở “phiên chợ ngã giá”, chị đã gặp anh Cao Văn Quân.

Chị bảo, dù chẳng vui vẻ gì với việc mình trở thành một món hàng để mặc cả như mớ rau ngoài chợ, nhưng khi thấy anh Cao Văn Quân ngỏ ý mua chị với giá 3.000 tệ, trong bụng chị đã mừng thầm. Dẫu theo anh có vất vả, đói nghèo nhưng sự nhục nhã, ê chề vì làm lẽ, làm nô lệ chắc chắn sẽ không còn hiện hữu trong cuộc đời của chị. Anh hiền lành, phúc hậu lại là người Việt Nam. Chị bám lấy anh như bám một cái cọc trước lúc bị chết chìm. Giữa đất khách quê người, trong hoàn cảnh không thể tồi tệ hơn, chị biết mình là người may mắn. Chị càng cảm động khi biết được số tiền anh bỏ ra mua chị với anh là cả một  gia tài bấy lâu nay anh dành dụm.

Hành trình của đôi vợ chồng trở về Việt Nam

Anh chị về sống với nhau, không đám cưới, không cỗ bàn và không cả đăng ký kết hôn. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh sống chung nhà với bố dượng và mẹ ở ngôi làng thuộc Kiến Trì, Quảng Đông, Trung Quốc. 1 năm sau, cô con gái đầu lòng Cao Thị Dung (SN 1994) ra đời. Đầu năm 1995, chị tiếp tục có bầu đứa thứ hai nhưng vì hủ tục nơi này, anh chị ngậm ngùi gửi con gái lớn nhờ ông bà nuôi giúp. Vợ chồng anh bồng bế cô con gái thứ hai Cao Thị Hạnh (SN 1995) trở về Việt Nam.

Ngày anh đưa chị về Hà Bắc (nay là thành phố Bắc Giang), bố mẹ chị sững sờ, hạnh phúc. Trong mơ, ông bà cũng không tưởng tượng nổi có một ngày con gái được trở về nhà vẹn nguyên, lành lặn. Dạo chị mới bị bắt, mẹ chị cứ đi lang thang khắp làng trên xóm dưới, vừa đi vừa khóc, vừa đi vừa gọi tên con như điên dại.

Đã nghe rất nhiều về những bi kịch của các cô gái bị bán đi xứ người, chẳng bao giờ ông bà dám mơ đến ngày con gái mình trở về khỏe mạnh, hạnh phúc và mang theo một người chồng Việt Nam hiền lành, phúc hậu như anh. Bố mẹ chị biết ơn anh, khóc lặng. Ngay giây phút đầu tiên chị đưa anh về nhà, ông bà đã coi anh là con rể, là ruột thịt trong nhà. Không ít lần anh đưa vợ về chơi sau này, bố vợ anh cứ nghĩ đến chuyện cũ lại ôm con rể khóc vì cảm động.

Về Việt Nam hơn 2 tháng, anh chị tổ chức đám cưới. Đám cưới giản dị ấy chẳng mâm cao cỗ đầy, chỉ vẹn vẹn mâm cơm báo cáo trên bàn thờ gia tổ. Anh chị quyết định ở lại Bắc Giang, quê vợ. Bố anh đã mất, các em anh được gửi bên họ hàng nội ngoại, anh cũng yên tâm hơn để quyết định sống những ngày tiếp theo ở nơi đây.

Thế nhưng, cuộc sống không bằng phẳng như anh chị vẫn tưởng. Cán bộ xã biết anh là người nơi khác đến đã gây khó dễ, phiền hà. Năm ba ngày lại gọi anh lên xã để xuất trình giấy tờ tùy thân, hoạnh họe đủ chuyện. Không chịu đựng nổi, anh chị lại rời Bắc Giang dắt díu nhau về quê anh – thôn Bắc Mễ 2, huyện Đông Triều, Quảng Ninh mong được sống những ngày yên ả.

Cuộc gặp định mệnh của chàng trai tìm mẹ và cô gái bị lừa bán - 2

Bức ảnh vợ chồng chị chụp cùng cô con gái Cao Thị Dung ở bên Trung Quốc

Trở lại quê hương sau bao nhiêu năm lưu lạc, căn nhà ngày xưa bố anh để lại, giờ khóa trái, trống huếch, chẳng có tài sản gì giá trị. Anh trai cả của anh cũng lấy vợ, có gia đình riêng. Hai em anh cũng yên bề gia thất. Vợ chồng anh bắt đầu những tháng ngày gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Mảnh ruộng người họ hàng cho, vợ chồng anh trồng lúa, gieo ngô. Chị hàng ngày đi nhặt sắt vụn, lượm ve chai ở khắp các xã. Tối muộn hai vợ chồng lại ra ngoài khu ruộng của mình cùng nhau cuốc đất, cày bừa. Có những đêm chị trải một cái bao tải cho đứa con gái nhỏ ngồi còn mình lăn lê bò toài bên bờ ruộng. Anh thì cứ mải miết cày cày cuốc cuốc tới tận đêm khuya.

Cuộc sống ngặt nghèo nhưng tình yêu với dưới mái ấm gia đình chị lúc nào cũng đầy ắp. Chị bảo, cả đời này, chị phải biết ơn đến anh Quân. Chị yêu anh không đơn thuần là tình yêu giữa những đôi trai gái mà bằng cả lòng biết ơn sâu sắc chân thành. Vợ chồng anh chị đã sống với nhau được 20 năm tròn.

Từ mấy năm nay, số phận không còn thử thách anh chị nữa. Vợ chồng anh đã có bát ăn, bát để, đã không còn phải mò mẫm ngày đêm làm thuê cho người ta. Buổi tối, anh chị đã có thể ngồi thanh thản xem một bộ phim trên tivi mà không còn lo lắng về cơm áo gạo tiền. Ngoài cô con gái đang sống ở bên Trung Quốc với bà nội, anh chị cũng vừa lên chức ông bà khi con gái thứ hai vừa lấy chồng, sinh con. Cậu con trai thứ ba đang tuổi đi học, rất ngoan ngoãn, hiền lành và biết giúp đỡ bố mẹ. Chị khoe với tôi: “Năm 2012, lần đầu tiên chị được đi du lịch, lên thăm đỉnh Yên Tử rồi ra bờ biển Quảng Ninh chơi, thích lắm”.

Chiều Quảng Ninh một ngày đầu tháng 9, trời vẫn mưa tầm tã. Trong căn nhà nhỏ cuối thôn Bắc Mã 2 ấy, vợ chồng anh Quân, chị Tuyền cười hạnh phúc bên mâm cơm cùng đại gia đình. Nụ cười ấy như xua tan phiền muộn, bù đắp cho vợ chồng anh những nhọc nhằn, khốn khó của bao nhiêu năm lang bạt nơi xứ người… 

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan