Cựu Giám đốc BV Bưu điện "nhân bản" bệnh nhân?

Ngày 27/12/2013 06:55 AM (GMT+7)

Trước khi ông Nguyễn Văn Oai bị bắt, trong nội bộ Bệnh viện Bưu điện đã diễn ra sự “đấu đá” dai dẳng, nhiều đơn thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan chức năng.

Còn nhớ, một ngày tháng 3/2008, giữa vòng vây của cánh báo chí trong thời khắc được vinh danh là Thầy thuốc Nhân dân, ông Nguyễn Văn Oai, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Bưu điện khiêm nhường chia sẻ: “Xin đừng viết nhiều về tôi. Tôi cũng chỉ là thầy thuốc như những thầy thuốc khác thôi. Hãy viết về những người xứng đáng hơn tôi. Sự thành công của bệnh viện hôm nay là công lao của tất cả anh, chị, em nhân viên trong bệnh viện chứ đâu phải riêng tôi”.

Ấy vậy mà, chỉ vài năm sau, người Thầy thuốc Nhân dân ấy đã phải vướng vào vòng lao lý, để lại nỗi xót xa, tủi hổ cho cả gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Vì đâu nên nỗi...?

“Nhân bản” bệnh nhân và giường bệnh?

Đối với những nhân viên “thường thường bậc trung” ở Bệnh viện Bưu điện, thì tin cựu giám đốc Nguyễn Văn Oai bị bắt thực sự bất ngờ và sửng sốt. Thế nhưng, với những đồng nghiệp thân cận từng gắn bó lâu năm, họ không quá ngạc nhiên. Bởi, từ trước đó rất lâu, trong nội bộ bệnh viện đã diễn ra sự “đấu đá” dai dẳng, nhiều đơn thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan chức năng. Ông Oai cũng rơi vào “tầm ngắm” của cơ quan điều tra từ trước đó nhiều tháng trời.

Việc ông Oai bị bắt khiến chúng tôi liên tưởng tới vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Dường như hai sự việc cùng diễn tiến theo một kịch bản. Bệnh viện Hoài Đức nhân bản kết quả xét nghiệm còn cựu Giám đốc Bệnh viện Bưu điện “nhân bản” bệnh nhân và giường bệnh(!?). Điều này là hoàn toàn có lý khi kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan công an cũng thể hiện điều đó.

Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra bộ Công an, bản chất của vấn đề là lợi ích nhóm của bệnh viện. Khoản tiền chiếm hưởng chia cho chính cán bộ của bệnh viện chứ không chi cho bệnh nhân là cán bộ của tập đoàn VNPT. Rõ ràng là có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để lập khống chứng từ hàng nghìn bệnh nhân với hàng nghìn ngày điều trị.

“Có giường bệnh của các khoa điều trị thậm chí kín cả 360 ngày/năm, không ngày nào nghỉ. Có khoa chỉ có 20 giường bệnh trong khi hồ sơ bệnh viện Bưu điện lập đến 60 giường bệnh. Nếu theo hồ sơ bệnh viện lập để hưởng tiền hỗ trợ của tập đoàn VNPT là phải có 60 người bệnh nằm, nhưng thực chất cả khoa chỉ có 20 giường. Chính vì lập khống nên “độ vênh” mới “lộ rõ” như vậy”, một điều tra viên cho biết.

Cựu Giám đốc BV Bưu điện quot;nhân bảnquot; bệnh nhân? - 1

Căn biệt thự hàng trăm m2 sàn với hai mặt tiền tại phố Trần Điền của gia đình ông Oai.

Theo nguồn tin riêng mà PV báo Nguoiduatin.vn thu thập được, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đề ra chế độ ưu đãi cho cán bộ công nhân viên chức trong ngành được hưởng các chế độ khám chữa bệnh. Chính vì thế, Tập đoàn đã hỗ trợ kinh phí cho Bệnh viện Bưu điện để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thực chất nhiều bệnh nhân là cán bộ trong ngành lại không được hưởng ưu đãi đó. Phía Bệnh viện đã lợi dụng vào điều đó để lập khống các chứng từ điều trị nội trú, lấy những khoản tiền hỗ trợ từ tập đoàn.

Theo chế độ của VNPT, hỗ trợ cho một giường bệnh điều trị trong vòng 1 năm là 72 triệu đồng. Chính vì vậy, Bệnh viện đã lập khống những chứng từ như thế để hưởng lợi bất chính khoản tiền hơn 66 tỷ đồng. Số tiền này phần lớn được chia cho các cán bộ của bệnh viện.

“Cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ tiếp tục làm rõ những người liên quan tham gia lập hồ sơ bệnh án khống, những bộ phận phê duyệt các hồ sơ này ở bệnh viện cũng như các cơ quan của tập đoàn VNPT”, nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết.

Kết cục của một Thầy thuốc Nhân dân

Để có thêm những thông tin liên quan đến sự việc, PV báo Nguoiduatin.vn đã tìm đến địa chỉ lô 7 khu phố Trần Điền, phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội), nơi gia đình bác sỹ Nguyễn Văn Oai đang sinh sống. Phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được chính xác số nhà của gia đình bác sỹ Oai và tìm gặp ông tổ trưởng dân phố.

Tiếp chúng tôi, ông Ngô Thư, tổ trưởng tổ dân phố 36 (phường Định Công) cho biết, bác sỹ Oai mới nghỉ công tác được hơn một năm nên cũng chưa tham gia sinh hoạt gì ở khu dân cư. Cách đây không lâu, dư luận xung quanh đã nghe phong thanh về chuyện bác sỹ Oai dính dáng đến một số vấn đề khuất tất, sai phạm xảy ra ở Bệnh viện Bưu điện. Chính vì thế, sau khi nghỉ công tác ở bệnh viện và chờ lấy sổ hưu, bác sỹ Oai và gia đình sống rất kín kẽ với hàng xóm.

“Ông ấy cũng rất ít khi giao lưu, tiếp xúc với những người dân xung quanh. Mỗi khi tổ dân phố có vấn đề gì cần phổ biến hoặc thu quỹ, vận động gì đó... thì thường là vợ bác sỹ Oai ra tiếp, còn chồng gần như không. Đặc biệt, kể từ khi bác sỹ Oai nghỉ công tác ở Bệnh viện Bưu điện, lại xảy ra chuyện dư luận đồn đoán bác sỹ này dính líu đến những sai phạm khi còn đương chức thì gia đình họ càng sống khép kín hơn”, vị tổ trưởng dân phố khẳng định với PV.

Được biết, vợ ông Oai cũng là bác sỹ, trước đây công tác tại một đơn vị khác thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu. Vợ chồng thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Oai có 2 người con, cả hai đều học hành thành đạt và là cử nhân kinh tế. Theo lời ông tổ trưởng dân phố, nơi gia đình bác sỹ Oai đang sinh sống vốn là khu tập thể của các cán bộ thuộc Bệnh viện Bưu điện. Một số cán bộ thuộc tập đoàn VNPT được cấp đất, làm nhà tại đây nên dù ít hay nhiều, khu tập thể đó cũng có phần tách biệt với khu dân cư xung quanh. Những thông tin về cá nhân của các gia đình trong khu tập thể đó thì tôi không nắm được nhiều”, ông Thư nói.

Theo lời ông Thư, khi cơ quan công an thực hiện lệnh bắt bác sỹ Oai tại nhà riêng, có mời ông đến chứng kiến. “Lúc đó khoảng hơn 10h sáng, tôi đang ở nhà thì thấy cơ quan công an thông báo đến để chứng kiến lệnh bắt và khám xét nhà bác sỹ Oai. Khi tôi sang đến nơi, thấy cả vợ con ông ấy đang ở nhà. Trong buồng còn có cả bà mẹ của bác sỹ Oai đang ốm, nằm nghỉ. Tôi thấy cơ quan điều tra của Bộ Công an đọc lệnh bắt ông Nguyễn Văn Oai về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, lập khống các chứng từ, hồ sơ về bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bưu điện, “rút ruột” của tập đoàn VNPT 66 tỷ đồng. Đến lúc này tôi mới biết những lời đồn từ trước đó là có căn cứ”.

Qua lời chỉ dẫn của vị tổ trưởng tổ dân phố, chúng tôi tìm đến địa chỉ nhà ông Nguyễn Văn Oai. Căn biệt thự 3 tầng hoành tráng phủ bóng cây xanh ở vào vị thế đắc địa khi nằm án ngữ hai mặt tiền của phố Trần Điền. Theo như lời của ông Thư, diện tích sàn của căn nhà lên đến hơn 100m2 với đầy đủ những tiện nghi sang trọng nhất. Bên ngoài, dãy tường rào thép kiên cố quây kín đến tận lan can tầng 3. “Từ ngày ông Oai bị bắt, căn nhà lúc nào cũng đóng cửa kín mít, gần như không thấy bóng người nào”, một người dân bán xổ số gần khu vực này cho biết.         

“Vì tập thể và do cả tập thể quyết!?”

Theo lời kể của ông Thư, khi cơ quan điều tra đọc lệnh, thái độ của bác sỹ Oai khá bình tĩnh. Một cán bộ công an hỏi bác sỹ Oai có ý kiến gì không, ông ấy bảo: “Tôi không có ý kiến gì. Tôi chấp hành”. Tuy nhiên, theo bác sỹ Oai giải thích thì điều đó không phải do cá nhân ông làm hết mà là vì tập thể và do cả tập thể quyết!? Có lẽ trước khi tiến hành bắt giữ thì cơ quan điều tra cũng đã nhiều lần làm việc với ông ta nên khi nghe đọc lệnh bắt, bác sỹ Oai mới bình tĩnh như thế. “Thực ra, những người ở tổ dân phố chúng tôi cũng không thấy quá bất ngờ vì dư luận đồn đoán những sai phạm của bác sỹ Oai đã có từ lâu. Nếu tôi nhớ không nhầm thì những đồn đoán đó đã xuất hiện cách đây khoảng hơn một năm trước”, ông Thư cho biết thêm. 

Theo Nguyễn Hường-Anh Đức (Nguoiduatin.vn)
Nguồn:

Tin liên quan