Trước những thắc mắc của dư luận, lãnh đạo các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng đã lên tiếng lý giải việc quyết định áp dụng cách ly tập trung và thu tiền đối với người đến từ Hà Nội, TPHCM.
Nhiều người hiểu chưa đúng về quy định của Đà Nẵng
Sau khi có thông tin về quy định tất cả những người rời khỏi TP HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng (kể cả người Đà Nẵng sống, làm việc, học tập tại 2 địa phương này khi đến đây), từ ngày 5/4 sẽ phải cách ly 14 ngày và áp dụng thu phí khiến nhu cầu đi lại về hàng không giữa Đà Nẵng và các thành phố này sụt giảm. Nhiều hãng bay khác đã phải điều chỉnh giảm tần suất bay để phù hợp với tình hình khai thác thực tế. Còn về đường sắt, những ngày qua lượng khách giảm mạnh, chỉ tầm 1-2 chuyến/ngày. Đại diện ga Đà Nẵng cho biết, sau chỉ đạo của thành phố, rất nhiều hành khách đã gọi điện thoại đến nhà ga để hỏi về việc cách ly và thu phí như thế nào sau đó hủy vé…
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, việc cách ly không áp dụng với người đã hoàn thành cách ly tại địa phương khác trước đó, có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly; người có công tác đặc biệt như chuyên gia, tư vấn, người làm nhiệm vụ chỉ huy, điều hành dự án, công trình trọng điểm tại Đà Nẵng. Người thuộc diện này phải có giấy đề nghị của cơ quan quản lý và giấy xác nhận tình trạng sức khỏe, tiền sử dịch tễ.
Nói thêm về quy định này, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Công văn 66 của UBND TP Đà Nẵng chỉ nói chung chung dẫn đến một số người hiểu chưa đúng. "Thành phố có thể giải quyết cho công dân cách ly ở khách sạn nếu thu xếp được. Điều này có nghĩa công dân có quyền đề đạt nguyện vọng cách ly ở khách sạn, trả tiền ở cho khách sạn. Nhưng thực tế nhiều khách sạn tại Đà Nẵng đang tình nguyện cho thành phố mượn để tổ chức cách ly, người cách ly được miễn tiền phòng ở", ông Chinh cho biết.
Ông Chinh cho hay, Đà Nẵng vẫn đang tập trung cho công dân cách ly tại các khu quân đội và ký túc xá sinh viên. Đây đều là những nơi không thu tiền ở. "Đà Nẵng chỉ thu tiền ăn theo quy định thôi. Nhưng nhiều cá nhân, tổ chức đang ủng hộ thực phẩm cho các khu cách ly. Đà Nẵng vận động được bao nhiêu gạo hay thực phẩm khác đều chuyển lên khu cách ly để nấu ăn cho công dân", ông Chinh nói và cho biết thêm: "Việc có hỗ trợ chi phí cách ly tại các khách sạn hay không thì theo quy định phải thông qua HĐND thành phố. Tuy nhiên bây giờ HĐND thành phố chưa họp nên tạm thời TP Đà Nẵng ra công văn như vậy".
Quảng Nam khẳng định thu phí cách ly vì cái chung
Cán bộ y tế Quảng Nam tiến hành sát khuẩn đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch tại khu cách ly tập trung. ẢNH: PV
Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong công văn, ngoài nhiều biện pháp cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác định Hà Nội và TP HCM là 2 vùng dịch trọng điểm hiện nay. Do vậy, những người đến từ 2 địa phương này phải thực hiện cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí (kể cả người Quảng Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây).
Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Quảng Nam, vấn đề cách ly có thu phí đã được Ban Chỉ đạo họp bàn rất kỹ và đi đến thống nhất thực hiện. "Quan điểm là như thế, tiến hành ra sao sẽ tính sau. Hãy cứ tưởng tượng nếu không thu phí, bây giờ tỉnh phải nuôi ăn, xét nghiệm… thì tốn tiền rất nhiều", ông Hai nói.
Ông Hai cũng cho hay, TPHCM và Hà Nội là vùng trọng tâm dịch. Thủ tướng cũng đã công bố dịch trong cả nước. Vì vậy, phải thực hiện cách ly đối với những trường hợp từ TP HCM, Hà Nội về Quảng Nam. Đối với vấn đề thu phí cách ly người từ TP HCM, Hà Nội về Quảng Nam sau ngày 1/4, ông Hai cho biết, hiện tỉnh mới có chủ trương, chưa có quy định cụ thể. Nội dung gì, mức thu bao nhiêu, miễn cho trường hợp nào để đảm bảo tính hợp lý, đúng quy định… UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp HĐND sắp tới.
"Tinh thần là làm vì cái chung, dù còn rất nhiều người khó khăn, thậm chí đến tiền ăn thôi đã khó. Nhưng quy định phải làm, còn các trường hợp đặc biệt sẽ giải quyết sau. Tinh thần là không làm cho dân khổ. Tỉnh chỉ muốn dân biết là ở đâu thì ở yên chỗ đấy, không nên về quê lúc này", ông Hai bày tỏ.
Hải Phòng không hỗ trợ người vi phạm công tác phòng chống dịch
Các chốt chặn tại cửa ngõ để kiểm soát tất cả người và phương tiện ngoại tỉnh đến Hải Phòng.
Cùng là địa phương áp dụng cách ly y tế tập trung và có thu tiền đối với tất cả người dân về từ Hà Nội và TPHCM, TP Hải Phòng đưa ra quy định rất rõ ràng. Theo đó, người cách ly ở Hải Phòng tự trả phí gồm: Ăn uống, sinh hoạt, nơi nghỉ là 75.000 đồng/ngày/người.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định có đầy đủ các căn cứ pháp lý để thực hiện. Ông Chuyến nhấn mạnh, với những trường hợp đặc biệt đã được nêu cụ thể trong hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì vẫn có thể ra, vào TP Hải Phòng bình thường. Còn với những trường hợp không có lý do chính đáng mà đi từ vùng dịch đến Hải Phòng thì phải thực hiện cách ly y tế tập trung và họ cũng sẽ phải tự chi trả các chi phí cách ly.
Theo ông Chuyến, Khoản 2, Điều 38 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, khi dịch đã có nguy cơ lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác và cả trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng nêu rõ phải thực hiện cách ly xã hội, cách ly xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh. "Những người từ vùng dịch đến Hải Phòng mà không có lý do cấp thiết, không nằm trong các diện đã được Thủ tướng Chính phủ nêu, rõ ràng đã vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh, với những trường hợp vi phạm này thì thành phố cũng không có căn cứ gì để bỏ tiền hỗ trợ cho việc cách ly y tế tập trung", ông Chuyến cho hay.
"Khoảng thời gian này là "thời điểm vàng" để kiểem soát dịch bệnh, thành phố rất cần sự hợp tác, đồng thuận của các tổ chức cá nhân trong chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố, góp phần để Hải Phòng giữ vững kết quả phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn triệt để mọi nguy cơ lây nhiễm, giúp sớm kiểm soát dịch bệnh để đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường", Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh.
"Tỉnh không ghét bỏ gì bà con…"
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và một số người từ nơi có dịch đã về Quảng Nam khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khuyên người dân Quảng Nam đang sinh sống, làm ăn ở vùng có dịch, những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cố gắng ở yên tại chỗ, không nên về quê vào thời điểm này, nếu về sẽ bị cách ly ngay lập tức và có thu phí tiền ăn.
Theo ông Cường, người dân Quảng Nam làm ăn xa ở các thành phố lớn nếu gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh sẽ cùng Hội đồng hương Quảng Nam ở các thành phố lớn tập hợp danh sách. Sau đó tỉnh sẽ nghiên cứu, bằng nhiều biện pháp vận động hỗ trợ một phần, chung tay cùng bà con vượt qua khó khăn trong thời điểm này.
"Bà con có thể liên lạc với các hội này và ở lại cho đúng Chỉ thị 16, đừng đi đâu, cũng không nên về quê trong đợt dịch này. Tỉnh không ghét bỏ gì bà con, nhưng vì công cuộc chung phòng chống dịch, mong người dân cùng đồng hành", ông Cường nói.