Bước chân vào chốn lao lý đã là sự trả giá của những thân phận lầm đường, lạc lối. Nhưng nếu được trở về, liệu họ có phải chịu sự xa lánh, kỳ thị của mọi người? Đó là tâm sự của những phạm nhân nữ đang nuôi con nhỏ tại trại giam Hoàng Tiến.
Ước mơ trở về của mẹ con phạm nhân Lữ Thị T càng trở nên khó khăn khi không biết nương tựa vào ai. Ảnh: Đ.Tùy
Sa chân vào ma túy
Chương trình “Ước mơ ngày trở về” được tổ chức tại Trại giam Hoàng Tiến (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) ở thị xã Chí Linh (Hải Dương) vừa qua là dịp để các phạm nhân nữ nói lên ước nguyện sau khi hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường. Hơn 600 phạm nhân nữ đang cải tạo ở đây, có rất nhiều những số phận, hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, khi vào trại, ai cũng mong muốn cải tạo tốt mong sớm được về nhà với người thân. Trong số đó, câu chuyện về hai nữ phạm nhân đang nuôi con nhỏ trong trại giam để lại cho chúng tôi nhiều suy ngẫm.
Phạm nhân Lê Thị N (SN 1989, quê ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) không ngại mở lòng về câu chuyện buồn đã đưa chị vướng vào vòng lao lý. Đến giờ khi đã cải tạo được hơn 3 năm ở trại giam này, nhưng chị vẫn không quên được ngày bị cơ quan công an bắt giữ. “Hôm đó, vào tháng 10/2013, khi tôi đang đi chuyển ma túy cho người yêu thì bị bắt và sau đó kết án 7 năm tù. Bản thân tôi không bị nghiện, nhưng chỉ vì thương người yêu nghiện ma túy nên tôi đã đi vào con đường này. Bây giờ nghĩ lại thấy mình dại quá”, chị N tâm sự.
Tốt nghiệp THPT chưa đầy năm, được sự mai mối của người thân, chị N đã nhanh chóng kết hôn với một người cùng quê hơn chị 9 tuổi. Do sự chênh lệch tuổi tác, suy nghĩ… quá lớn nên cuộc hôn nhân chóng vánh này kết thúc bằng việc chia tay khi con gái đầu lòng chưa đầy tuổi. Ly hôn xong, chị N về nhà mẹ đẻ ở nhờ và nuôi con nhỏ. Cũng chính từ đây, cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác.
Trong lần đi bán hàng cùng mẹ tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), chị đã gặp một người thanh niên. Cảm thông với số phận long đong, hai người đem lòng yêu thương nhau và mong muốn xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, lúc đó chị N không biết bạn trai đang bị nghiện ma túy. Yêu nhau được thời gian và mang trong mình giọt máu của người thanh niên đó thì chị mới phát hiện ra sự thật. Sau nhiều lần động viên bạn trai cai nghiện không thành, cuối cùng chị N trở thành người đưa hàng bất đắc dĩ để giúp người yêu có thuốc hút và bị bắt.
Còn đối với phạm nhân Lữ Thị T (SN 1988, ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An) lại là một câu chuyện dài về số phận bất hạnh khi chị bị bắt về tội buôn bán phụ nữ qua biên giới với 11 năm tù giam. Năm 2006, chị xây dựng gia đình với người chồng hơn mình 2 tuổi. Tuy nhiên cuộc sống khó khăn đã nhanh chóng khiến cho vợ chồng chị đường ai nấy đi.
Chị T cho biết: “Lúc ly hôn, con trai tôi mới hơn 1 tuổi, nhà chỉ có vài sào ruộng nên không biết làm gì những lúc nông nhàn. Thấy cuộc sống vất vả và đang nuôi con nhỏ, 2 người chị dâu nói đang cần một số phụ nữ đưa sang Trung Quốc làm thuê và được trả công cao. Nghe vậy, tôi đã tìm được 5 người ở cùng quê và khi đưa họ đến Quảng Ninh thì bị bắt giữ. Lúc cơ quan công an nói tôi nằm trong đường dây buôn bán phụ nữ sang nước ngoài thì tôi mới biết mình phạm tội”.
Ngày vào Trại giam Hoàng Tiến, chị T luôn tự dằn vặt mình khi không biết gìn giữ hôn nhân của mình để đổ vỡ. Lúc này, chị mới hiểu được thế nào là hạnh phúc gia đình. “Nếu như không ly hôn thì có lẽ tôi không phải vào tù”, chị T tâm sự.
Dang dở những ước mơ
Ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị N càng thấm thía hơn nỗi tủi nhục khi bước vào con đường lầm lỡ. Lúc này, chị mong mình cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình. Chị N tâm sự, lúc bị bắt, chị bị nhiều người thân xa lánh, ghét bỏ… trong khi chị đang mang đứa con thứ hai được 6 tháng. Suốt quãng thời gian đó, chị tưởng không thể vượt qua được lỗi lầm mình gây ra. “Lúc đầu vào trại, đêm nào tôi cũng khóc và nghĩ rằng cuộc đời, tương lai thế là hết. Nhưng khóc lắm thì làm được gì khi còn đứa con trong bụng và phía sau là bố mẹ gia đình. Chính vì điều đó, tôi đã gạt mọi suy nghĩ để sống và cải tạo tốt mong được về nhà”, chị N tâm sự.
Trong những lần đến thăm, mẹ chị đã động viên, căn dặn… rất nhiều. Những lúc như vậy, chị chỉ biết khóc và oán trách người đã đưa mình vào con đường lầm lỗi. Nhưng càng trách người đó bao nhiêu, chị càng thương con gái bấy nhiêu. Khi nào cháu bé được đủ 36 tháng, chị sẽ gửi cháu về nhà yên tâm cải tạo để mong sớm trở lại hoàn lương làm lại từ đầu. Được sự động viên của giám thị, người nhà và chính sách khoan hồng của Nhà nước, đầu năm 2016, chị N được giảm 5 tháng án tù.
Vốn có người mẹ làm nghề buôn bán, nên khi ra tù, chị N sẽ cùng mẹ tập trung buôn bán hoa quả để có kinh tế nuôi các con. Chị không mong sẽ đi bước nữa, bởi lẽ không có người đàn ông nào lại tìm đến một người tù tội như mình để xây dựng hạnh phúc. Nhà chỉ có 2 chị em và chị sẽ ở nhà để phụng dưỡng bố mẹ.
Nếu như con đường trở về sau ngày hoàn lương của chị N càng rộng mở bao nhiêu thì đối với chị T càng cùng cực bấy nhiêu vì chị không biết lấy gì để sống và nuôi con nhỏ. Chị là con thứ tư trong gia đình có 8 chị em, mà anh em nhà chị ai cũng có hoàn cảnh khốn khó. Ngày chị đi trại, con trai lớn phải nhờ mọi người cưu mang ở nhà, còn cháu thứ hai được hơn 1 tuổi thì theo mẹ vào đây. Năm 2013, mẹ chị qua đời chưa được bao lâu thì bố lại đi bước nữa. Chị T nghẹn ngào: “Ai cũng mong muốn cải tạo tốt được trở về nhà và người thân. Nhưng tôi thì chưa biết sau ngày hoàn lương sẽ làm gì và về đâu khi không còn chỗ nương tựa…”.
Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết: “Hơn 600 nữ phạm nhân đang cải tạo ở đây, mỗi người đều có hoàn cảnh và con đường dẫn đến phạm tội khác nhau. Nhưng các phạm nhân đều khát khao, mong muốn sớm trở về con đường hoàn lương để được làm người tốt, người có ích cho xã hội. Điều đó là đáng mừng”.