Đánh bạc, vãi tiền lẻ ở chùa Hương

Ngày 28/02/2013 06:01 AM (GMT+7)

Đánh bạc dọc dòng suối Yến, vung vãi tiền lẻ khắp nơi, công khai “quảng cáo” thịt thú rừng … là những cảnh vẫn thấy ở lễ hội chùa Hương năm nay.

Đánh bạc trên suối Yến

Dọc dòng suối Yến thơ mộng, trên chuyến hành trình dài gần một tiếng đồng hồ, nhiều du khách vẫn tụ tập đánh bạc. Nhóm thì tụ tập 4, nhóm thì 6, 7 người ngồi trên thuyền đánh bạc ăn tiền công khai.

Đánh bạc, vãi tiền lẻ ở chùa Hương - 1

Chị em phụ nữ chụm đầu đánh bạc trên suối Yến (Ảnh: Thu Hoài)

Chị T., người chở đò trên dòng suối Yến nhiều năm nay cho hay: “Chuyện này là thường xuyên, có những chuyện du khách đánh ăn tiền rất to”.

Điều lạ là lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác vẫn thường xuyên “tuần tra” dọc quãng suối chở du khách nhưng không thấy ai nhắc nhở.

Thú rừng bày bán la liệt

Ngay khi khai mạc lễ hội chùa Hương, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu ban tổ chức lễ hội chùa Hương nghiêm cấm các hàng quán treo thịt động vật gắn mác thịt thú rừng tại khu vực dưới bến Thiên Trù lên chùa Hương.

Tuy nhiên, hàng trăm quán dọc bến đò Thiên Trù chỉ “đối phó” bằng cách gỡ biển quảng cáo bán thịt thú rừng. Nhiều loại như nhím, cầy đá, hoẵng vẫn được “treo” cả con đã thui vàng để bày bán trước cửa quán. Du khách vừa tấp vào, các chủ quán đều nhanh nhẹn giới thiệu các loại thịt nhím, cầy đá, hoẵng và cam đoan là thịt “xịn”.

Đánh bạc, vãi tiền lẻ ở chùa Hương - 2

Thú rừng bày bán la liệt (Ảnh: Thu Hoài)

Vừa chỉ con cầy đá đã được thui vàng và treo trên móc, chủ một quán tại bến đò Thiên Trù vừa nói: “Chị cứ yên tâm, quán em đảm bảo đây là cầy đá thật, chứ không có chuyện giả như những hàng khác!”.

Tuy nhiên, chị Th., một người dân ở khu vực này cho hay: “Không có thịt thật đâu, nếu các chị muốn gọi thịt thật thì chỉ có nhím và bê là thật, những loại khác cũng chủ yếu từ hai loại thịt này chế biến, gia giảm mà ra nhưng giá tiền thì đắt hơn rất nhiều”.

Đánh bạc, vãi tiền lẻ ở chùa Hương - 3

Cơ quan chức năng và người dân cho hay, đây là loại thịt thú rừng rởm (Ảnh: Thu Hoài)

Ngoài ra, có điều nữa là theo thông tin từ ban quản lý lễ hội thì không thể xử phạt những chủ quán này vì thịt bày bán chủ yếu là không rõ nguồn gốc,  lực lượng kiểm lâm  cũng chưa phát hiện ra nhà hàng nào kinh doanh thịt thú rừng “xịn” nên chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở chung chung để các quán không “treo đầu dê bán thịt chó”.

Theo nghi nhận, năm nay, hầu hết các quán không còn treo móc lủng lẳng các con thú đã làm thịt ra ngoài trời như mọi năm mà đã treo vào trong “tủ bảo vệ thực phẩm”.

Vung vãi tiền lẻ vô tội vạ

Thói quen vung tiền khắp nơi của du khách cũng chưa mấy thay đổi. Đặc biệt, tại ga Giải Oan, dù ban tổ chức đã treo biển thông báo rất lớn với nội dung: “Đây là ga cáp treo, không phải chùa Giải oan. Yêu cầu quý khách không được ném tiền xuống ga kỹ thuật cáp treo”  nhưng tiền lẻ vẫn bị ném vung vãi trắng ga này.

Phía trong động Hương Tích, ở nơi hang phía bên phải động, rất nhiều tiền lẻ đủ các loại mệnh giá và gạo cũng bị người dân rải vung vãi.

Đánh bạc, vãi tiền lẻ ở chùa Hương - 4

Tiền lẻ và gạo vung vãi ở một góc hang bên trong động Hương Tích (Ảnh: Thu Hoài)

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Phó trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viên Báo chí và Tuyên truyền, nhiều người mang tiền rải nơi cửa Phật, tìm mọi cách để đồng tiền của mình tiến càng sát tượng Phật càng tốt, “nhét” vào tai, tay, mắt, miệng tượng Phật vì tin rằng làm vậy đồng tiền mới đi tới được đức Phật, mới được nhiều phúc, nhiều lộc to. Ý nghĩa của việc dâng tiền vào chùa hoàn toàn không phải vậy mà chỉ là đặt chút tiền lẻ rất nhỏ mang tính thành tâm để gửi nhà chùa “mua giọt dầu nén hương”.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan