Dấu hiệu cảnh báo nhiễm cúm chết người

Ngày 11/04/2013 11:44 AM (GMT+7)

Bộ Y tế khuyến cáo khi có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, người dân nên nghĩ đến cúm A/H7N9 và đến bệnh viện sớm nhất.

Bộ Y tế cảnh báo, khi có các biểu hiện: sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh, người dân nên nghĩ đến cúm A/H7N9 và đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời.

Mặc dù, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus cúm A/H7N9 nhưng Bộ Y tế lo ngại nguy cơ lớn xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Ngày 10.4,  Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người.

Theo đó, bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 sẽ được điều trị thuốc kháng virus với 3 thuốc chính là Oseltamivir, Zanamivir dạng hít và Zanamivir dạng truyền tĩnh mạch. Các trường hợp nhiễm bệnh, tùy thuộc vào mức độ suy hô hấp nhẹ, vừa, nặng mà có các biện pháp điều trị liều phù hợp. Với bệnh nhân có kèm thêm điều trị suy đa tạng  cân bằng dịch, duy trì huyết áp, lợi tiệu và lọc máu chỉ định. Đồng thời điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân hạt sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, trường hợp bội nhiễm phế quản phổi nên dùng kháng sinh có hiêu lực với vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bộ Y tế quy định, người bệnh chỉ được xuất viện là hết sốt 3-5 ngày, toàn trạng tốt. Tuy nhiên, sau đó khi về nhà, người bệnh phải tự theo dõi thân nhiệt 12 giờ mỗi lần sau khi xuất viện, nếu thấy nhiệt độ cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đi khám lại.

Để tránh lây lan ra cộng đồng khi có ca bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện cách ly các ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 như đối với bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác, thường xuyên khử khuẩn buồng bệnh theo quy định. Theo đó, ca bệnh nghi ngờ là người có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống ở vùng có ca mắc, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín...), tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán bị cúm A/H7N9. Hoặc người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp gồm: sốt, ho, khó thở, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh; bệnh nhân không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do căn nguyên khác gây viêm phổi.

Ca bệnh xác định là những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như trên và được khẳng định bằng  kết quả xét nghiệm PCR/giải trình tự gen/phân lập virus cúm A/H7N9.

Bộ Y tế cũng lưu ý, bệnh cảnh lâm sàng do virus cúm H7N9 gây ra chủ yếu là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển với tỷ lệ tử vong cao, vì vậy cần phân biệt với các trường hợp cúm nặng khác (H1N1, H5N1...), viêm phổi do virus khác, bệnh tay chân miệng có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng do vi khuẩn.

Được biết, dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang lan với tốc độ khá mặng. Hiện tại, Trung Quốc đã ghi nhận 28 trường hợp mắc, 9 trường hợp tử vong. Riêng thành phố Thượng Hải – nơi đầu tiên phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 con số mắc là 11, 5 trường hợp tử vong.

Mai Hương
Nguồn: Khampha.vn

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm