Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng là đối tượng chịu tác động trực tiếp của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Công việc sẽ thay đổi ra sao, họ có đáp ứng được với chương trình mới và liệu ngành giáo dục có giảm biên chế hay không khi một số môn sẽ được tích hợp lại...?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển về những thay đổi khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
- Thưa Thứ trưởng, việc thay đổi chương trình hiện nay liệu có gây xáo trộn nhiều tới đội ngũ giáo viên hay không và liệu có nhiều giáo viên bị mất việc khi áp dụng chương trình mới, đặc biệt là những giáo viên trong môn dạy tích hợp?
Đối với tiểu học, chương trình cơ bản đã là tích hợp, đội ngũ giáo viên không thay đổi nhiều. Còn THCS quan tâm đến những môn dạy tích hợp. Các môn dạy tích hợp là mình áp dụng tích hợp ở mức độ vừa phải, phù hợp với đội ngũ giáo viên của mình hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.
Mỗi một môn học tích hợp ví dụ như Khoa học Tự nhiên xây dựng trên cơ sở môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Như vậy kiến thức sẽ có mạch kiến thức của 3 môn này. Giáo viên mà dạy giỏi ở phân môn nào, giáo viên dạy giỏi chuyên đề nào thì nhà trường sẽ phân công trên cơ sở đội ngũ giáo viên đó.
Hiện nay chúng tôi thấy đã có những giáo viên dạy được cả quyển sách chứ không phải là 3 giáo viên dạy 1 quyển sách. Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng, quá trình đào tạo mới của trường sư phạm thì một giáo viên sẽ dạy được cả bộ môn đó chứ không phải 3, 4 giáo viên.
Như vậy, giáo viên hiện nay sẽ không có ai bị mất việc nhưng mà phải cố gắng bồi dưỡng, phấn đấu hơn.
- Liệu một giáo viên lâu nay dạy Vật lý thì làm thế nào họ chuyển sang dạy Hóa học được thưa Thứ trưởng?
Một giáo viên có thể dạy tất cả các phân môn hiện nay. Lý do là tất cả những kiến thức phổ thông từ trước đến nay dạy cơ bản vẫn như vậy, là kiến thức phổ thông nền tảng. Giáo viên phổ thông của mình đã được học những kiến thức đó và khi học lên đại học lại được học thêm. Giáo viên môn Sinh cũng được học Hóa học, Vật lý, giáo viên môn Lý cũng được học thêm môn Hóa, môn Sinh.
Cho nên về mặt nội dung kiến thức chúng ta không nên lo lắng.
Giáo viên hiện nay sẽ không có ai bị mất việc nhưng mà phải cố gắng bồi dưỡng, phấn đấu hơn. (Ảnh minh họa)
- Chúng ta có thể có những giáo viên đáp ứng yêu cầu nhưng chưa chắc đã có giáo viên dạy tốt đúng không thưa ông?
Thứ nhất, giáo viên luôn có thời gian để tổ chức học tập thường xuyên. Chỉ có điều trước đây mình học tập theo hướng khác, bây giờ có chương trình mới ra mình lại học tập tập trung vào chương trình mới chứ không phải là không có thời gian cho giáo viên học thường xuyên. Điều này đã có trong chế độ công tác của giáo viên.
Thứ hai về việc tốt ngay thì chắc chắn sẽ có những giáo viên tốt ngay nhưng đa số giáo viên vẫn đáp ứng được yêu cầu và người ta sẽ tốt lên trong quá trình thực hiện chương trình, học tập trên chính công việc của mình và học tập bạn bè nhiều hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương một mặt bồi dưỡng cán bộ từ giảng viên bồi dưỡng cho giáo viên. Nhưng phương châm chính quan trọng hơn là giáo viên học tập lẫn nhau. Xây dựng tập thể giáo viên thành tập thể thường xuyên, biết học tập, học hỏi lẫn nhau. Bộ cũng đã có những chỉ đạo bước đầu, thí điểm thành công trong việc tập thể giáo viên giúp nhau tiến bộ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Xem clip tại đây:
Bản quyền video thuộc về VTV.