Đây là chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLB trung ương với Ban chỉ huy PCLB các tỉnh ĐBSCL để đối phó với mưa lũ bất thường trong những ngày tới.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (PCLB TƯ) vừa có công điện số 238/PCLBTW gửi Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long về việc đối phó với diễn biến mưa lũ bất thường trong những ngày tới.
Hiện nay, mực nước lũ trên hệ thống sông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lên và ở mức cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm, xấp xỉ mức báo động 1 và 2.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục lên và đạt mức báo động 2 vào ngày cuối tháng 8.Mặt khác, trong những năm gần đây, khu vực ĐBSCL hầu như không có lũ, hệ thống đê bao, bờ bao đã xuống cấp nhiều và chưa được thử thách khi có lũ.
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB TƯ đề nghị Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu, báo cáo Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và phòng tránh. Rà soát các hộ dân cư hiện còn đang sinh sống trong vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ bị ngập lũ để phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Công tác đảm bảo an toàn cho học sinh đi học và trẻ em trong mùa lũ cần phải đặc biệt chú trọng.
Các tỉnh, thành phố cũng cần chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện và lực lượng tại chỗ, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn ở những nơi xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết, đảm bảo ứng cứu cho người và tài sản.
Đường đi của ATNĐ lúc 13g chiều nay (27/11). Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương
Về diễn biến mới nhất của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 13g ngày hôm nay (27/11), vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,0 độ vĩ Bắc; 121,3 độ kinh Đông, trên khu vực phía Bắc biển Xu lu (Philippin).
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24g tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Như vậy, khoảng đêm nay (27/11) ATNĐ sẽ đi vào vùng biển phía Đông Nam biển Đông. Đến 13 giờ ngày 28/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Song Tử Tây khoảng 150km về phía Đông.
Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía Đông Nam biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) từ tối nay có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.