Đi du lịch ngày Tết: Những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân?

Ngày 15/02/2018 11:29 AM (GMT+7)

Chuyến đi hưởng thụ ngày Tết có thể đồng nghĩa với việc mình vui nhưng đem sự cô đơn, thiếu vắng lên những người thân trong gia đình.

Vài năm gần đây, giới trẻ hoặc những người có điều kiện thường có “thói quen” đi du lịch Tết. Thậm chí, nhiều người còn lên kế hoạch trước vài tháng để có thể tận hưởng ngày Tết "trọn vẹn" ở điểm du lịch nổi tiếng. Điều này cho thấy đi du lịch trong những ngày Tết cổ truyền là một nhu cầu có thật của người Việt. Tuy nhiên chính vấn đề ấy khiến câu chuyện “Tết sum vầy bên gia đình hay đi du lịch” tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

“Đừng trốn Tết bằng cách đi du lịch…”

Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Tết nay khác Tết xưa rất nhiều. Ngày trước việc chuẩn bị Tết Nguyên đán diễn ra trong vài tháng, nhưng nay chỉ mấy ngày là xong.

“Xưa bà con nông dân mình tương đối nghèo khổ. Họ không được ăn uống đầy đủ nên trông chờ ngày Tết để được ăn những miếng ngon, diện quần áo đẹp…Ngày nay, chúng ta ăn ngon, mặc đẹp quanh năm. Vì vậy, Tết phần nào mất đi sức hút khiến không ít người thích đi du lịch hơn”, TS. Cảnh Linh nói.

Đi du lịch ngày Tết: Những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân? - 1

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam)

Anh cho biết thêm, những người làm việc bận rộn cả năm thì Tết có thể là dịp để họ nghỉ xả hơi, tạm quên những lo lắng công việc và nạp năng lượng sau một năm làm việc căng thẳng, vất vả. Vì vậy, nhiều người tinh tế chọn cách đưa gia đình cùng đi du lịch để có thể tận hưởng khoảnh khắc đón chào năm mới trọn vẹn bên người yêu thương. Hoặc họ dành thời gian đón Giao thừa và ngày mồng 1 cùng với gia đình, sau đó thực hiện chuyến đi chơi xa.

Còn những người đi du lịch để “trốn Tết” hay né tránh nghĩa vụ cần phải suy nghĩ lại. TS. Cảnh Linh gọi đó là những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân. Đặc biệt đối với những gia đình con cái đi làm xa, các cháu đi học,…cả năm chỉ mong ngóng dịp Tết để đoàn viên, sum vầy.

TS. Cảnh Linh kể, anh nhớ mãi câu chuyện mình từng gặp khi đến thăm nhà một người bạn, thấy hai ông bà già chuẩn bị Tết buồn hiu. “Tết năm kia, bạn tôi quyết định đưa vợ con đi du lịch Đài Loan để bố mẹ già ở quê đón Tết trong không khí cô quạnh.

Khi tôi vừa ngồi xuống ghế, bác gái đặt mâm cơm lên bàn rồi thở dài: “Chắc vợ thằng N. sợ làm cỗ, dọn dẹp, rửa bát ngày Tết nên không muốn về quê. Vợ chồng nó cũng cho con bé con đi theo luôn. Cả năm, chúng tôi gặp cháu nội được vài lần. Nghe xong, tôi bỗng thấy mắt cay cay và nghĩ đến cảnh các cụ sẽ đón Giao thừa trong nỗi buồn nhớ thương con cháu. ”, anh kể lại.

Đi du lịch ngày Tết: Những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân? - 2

Đối với những gia đình con cái đi làm xa, các cháu đi học,…cả năm chỉ mong ngóng dịp Tết để đoàn viên, sum vầy (Ảnh minh họa)

Những giá trị văn hóa trong Tết truyền thống

Điều khiến TS. Đặng Vũ Cảnh Linh băn khoăn, trăn trở nhất chính là nhiều bạn trẻ thấy Tết chán, muốn đi du lịch vì có lẽ họ không hiểu hết về giá trị văn hóa truyền thống trong ngày Tết.

“Với Việt Nam, Tết Nguyên đán đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, là bảo tàng lịch sử chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc nhất. Bên cạnh đó, Tết còn mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, lưu truyền tinh hoa bản sắc dân tộc”, vị Tiến sĩ nhấn mạnh về vai trò của Tết Việt.

Trước tiên, Tết là cơ hội để người Việt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” một cách cụ thể nhất. Đó vừa là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán.

“Người Việt tin rằng, vào dịp Tết, tổ tiên sẽ chứng kiến lòng thành của con cháu, từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng”, anh giải thích.

Đồng thời Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Ví dụ như ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường; Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào.

Đi du lịch ngày Tết: Những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân? - 3

Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ với những món ăn ngon, bổ dưỡng

Đặc biệt, ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Vì vậy, Tết người ta vui vẻ, dịu hiền và là cơ hội để hòa giải những bất đồng.  Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới.

Cuối cùng, Tết đến, người Việt thường nhắc nhiều đến “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Đó là cả một nền văn minh, một gam màu cần thiết cho tiết trời ấm áp mỗi độ xuân về.

“Cuộc sống mỗi người dân trên khắp đất nước Việt Nam đã ngày càng khấm khá, họ hài lòng với những gì đang thay đổi. Những tiếng cười nói hân hoan, những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc vào những ngày cuối năm – nước mắt của sự sum vầy, đoàn tụ đã chứng tỏ điều đó”, TS. Cảnh Linh nói.

Xã hội phát triển, quyền cá nhân luôn được coi trọng. Vì vậy mọi người có quyền lựa chọn cách đón Tết riêng cho mình và gia đình. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên coi đó là “phương tiện” để có thể làm Tết Nguyên đán hay hơn, đẹp hơn… Đừng thay đổi bản chất, giá trị nếu không sau này người Việt sẽ không còn Tết!

Người dân thức trắng đêm, đốt lửa ngồi co ro trông đào, quất ngày giáp Tết
Càng về khuya nhiệt độ Hà Nội càng xuống thấp, nhiều người phải đốt lửa chống rét, thức trắng đêm trông vườn đào Tết.
Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán