Đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng?

Ngày 10/02/2014 11:15 AM (GMT+7)

Đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đại đa số người Việt. Tuy nhiên, nhiều người đi chùa nhưng không biết lễ Phật thế nào, dâng lễ ra sao.

Cúng sao giải hạn không phải của đạo Phật

Người Việt có dịp lễ quan trọng trong năm là Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy. Tháng Giêng đối với người Việt là thiêng liêng nhất nên ông bà nhắc nhở phải đi chùa. Trước đây, người dân thường đi chùa từ ngày 1 - 6 Tết âm lịch, nhưng hiện nay việc đi lễ chùa ngày Tết có khi kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Sau Rằm tháng Giêng thì hành hương bình thường.

Hiện nay có phong trào cúng sao giải hạn vào ngày mồng 8 tháng Giêng tại các chùa. Sư thầy Thích Chân Quang, Trụ trì chùa Phật Quang (Vũng Tàu) cho rằng, việc cúng sao giải hạn vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch ở các chùa hiện nay là do tự phát chứ trong kinh điển Phật giáo không có. Quan niệm “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là quan niệm riêng thuộc về văn hóa truyền thống của người Việt chứ không phải của đạo Phật.

Tập tục cúng sao giải hạn vào tháng Giêng có nguồn gốc từ Lão giáo Trung Hoa. Tập tục này đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Do người dân thường đến chùa cúng giải hạn ngày càng nhiều lên khiến cho một số chùa đã mở dịch vụ đáp ứng nhu cầu này. Hiện nay, cứ đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch, nhiều chùa mở cúng sao giải hạn rất to, người dân tham gia đông như lễ hội.

Tuy nhiên, theo nhà tâm linh Phan Oanh, việc cúng cho số lượng người đông như vậy, nhiều thầy cúng cũng không thể nhớ hết ai tuổi gì, sao gì. “Khi đã không biết, không hiểu thì cái lễ cúng đó là vô nghĩa”, nhà tâm linh Phan Oanh nói.

Đi lễ chùa đầu năm thế nào cho đúng? - 1

Lễ hội Chùa Hương.  Ảnh: K.A

Tự đi chùa cầu an “linh” hơn nhờ thầy?

“Đi lễ chỉ để xin là tâm chưa được giác ngộ. Ngã là thói hư tật xấu, là cái tham, sân, si chứa chất trong con người, chúng ta đang gánh đến chùa mà không biết. Khi chúng ta không đạt đến sự giác ngộ đạo thì cửa Phật có thanh cao bao nhiêu, năng lượng của các vị thần vị thánh, của các liệt tổ liệt tông có mạnh đến nhường nào thì cái lễ đó sẽ không diệu ứng, hoàn toàn vô nghĩa. Đi lễ mà không hiểu được đạo lý này thì người ta gọi là "mê”, có đức tin nhưng là mê tín”, nhà tâm linh Phan Oanh nói.

Nhà tâm linh Phan Oanh cho rằng, nếu có tâm thành chí nguyện thì Phật tử có thể tự đi chùa, tự cầu an cho mình. Nếu cái tâm của Phật tử trong sáng, tôn kính với chư thiên, chư Phật thì việc tự đi chùa cầu an cho mình sẽ linh ứng hơn là việc nhờ thầy cúng.

Nhà sư Thích Chân Quang cũng cho rằng, ý nghĩa và kết quả của việc cầu nguyện phụ thuộc rất nhiều đến tư tưởng của Phật tử. Lời cầu nguyện linh ứng với trời đất là lời cầu nguyện lớn. Nếu đi chùa mà chỉ xin cho mình, xem mình là quan trọng thì sẽ bị tổn phước vì lời cầu nguyện đó chứa đầy cái ngã tham, sân, si. Một lời cầu nguyện có nghĩa vào đầu năm đó là lời cầu an không chỉ cho riêng mình mà là cho gia đình, cho cộng đồng làng xóm, cho đất nước, cho gia tộc.

Theo phong tục cổ truyền, trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Phật giáo, Tết Nguyên đán hoặc những ngày gia đình có việc hệ trọng, người Việt thường đến chùa lễ Phật, thành tâm cầu khấn hồng ân chư Phật, chư đại Bồ tát, hiền thánh tăng gia hộ cho bản thân và gia đình mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hòa thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc…

Cần tuân thủ những quy định của nhà chùa

Việc sửa soạn đi lễ chùa hoặc sắm lễ vật để đi lễ chùa, người đi lễ cần phải biết những quy định căn bản của nhà chùa mà người hành lễ phải tuân thủ như:

Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả…

Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính điện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.

Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Năm bước hành lễ khi đi chùa

1. Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.

2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.

3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.

4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).

5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

(Sư thầy Thích Chân Quang)

Theo Khê An
Nguồn: [Tên nguồn]