Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 81 triệu, trong khi đó Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo dữ liệu thời gian thực trên trang worldometers, tính đến 9h ngày 28/12 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 81.133.819 ca nhiễm và 1.771.467 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19, tăng lần lượt 410.102 và 7.041 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 19.573.847 ca nhiễm và 341.138 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 127.740 và 1.215 trong vòng 24 giờ qua. Theo thống kê của đại học John Hopkins, cứ 1.000 người Mỹ lại có 1 người chết vì COVID-19.
Báo cáo của South China Morninng Post cho thấy, chỉ riêng tháng 12, Mỹ đã có hơn 63.000 ca tử vong do COVID-19, con số cao nhất trong một tháng tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cảnh báo sắp tới nước này sẽ đối mặt với nhiều ngày thảm khốc hơn nữa khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành trong khoảng thời gian người dân Mỹ nghỉ lễ.
Số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ trong tháng 12 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh minh họa
Ngày 27/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm có đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho tất cả mọi người.
Cùng ngày, các quốc gia EU đã triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng loại vaccine do công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức phát triển.
Chiến dịch được khởi động một ngày sau khi tất cả các quốc gia thành viên nhận được lô hàng vaccine đầu tiên kể từ khi được Ủy ban cho phép.
Anh những ngày qua đang là tâm điểm thu hút sự chú ý khi công bố phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với bản gốc. Đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do biến thể mới và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.
Hiện đã có hơn 50 quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của chủng biến thể này.
Cho đến nay, Anh đang là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 6 thế giới với 2.288.345 ca, trong đó có 70.752 trường hợp tử vong.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 8.822 ca nhiễm và 173 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.559.686 và 62.746.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuyên bố nước này không loại trừ bất cứ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ người dân nước này kể cả việc áp đặt lệnh phong tỏa lần 3 trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại quốc gia châu Âu này đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 sau lễ Giáng sinh. Ông cho biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 54.693 người chết, tăng 119, trong tổng số 1.200.465 ca nhiễm, tăng 5.502.
Người đứng đầu Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran Karim Hemmati ngày 27/12 cho biết nước này sẽ mua 1 triệu liều vaccine COVID-19 từ Trung Quốc và khoảng 150.000-200.000 liều vaccine từ tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Karim nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều trở ngại đối với các thủ tục mua vaccine COVID-19 đối với Iran khi nước này đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt.
Ngày 27/12, Israel bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong năm nay để phòng dịch COVID-19. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đang trong “thời điểm hệ trọng,” vì vậy người dân cần “tuân thủ đợt phong tỏa ngắn hạn và chặt chẽ” này.
Israel ngày hôm qua ghi nhận thêm 2.806 ca nhiễm và 18 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 401.470 và 3.226 ca.
Hàn Quốc ghi nhận 2.970 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 56.872, trong đó 808 ca tử vong, tăng 15 ca so với hôm trước.
Hàn Quốc hôm 27/12 tuyên bố sẽ mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế COVID-19 lây lan trong 6 ngày nữa, tới 3/1, trong bối cảnh liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục mỗi ngày.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc Noh Young-min ngày 27/12 cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế và người cao tuổi từ tháng 2 tới.
Nhật Bản, đặc biệt là tại thành phố Tokyo, những ngày gần đây cũng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, trong bối cảnh Nhật Bản sắp bước vào kỳ nghỉ năm mới. Nước này hiện ghi nhận 217.312 ca nhiễm, tăng 3.765 ca.
Trung Quốc về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh nhưng các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang xuất hiện trở lại tại một số thành phố những ngày qua. Ủy ban Y tế Trung Quốc ngày 27/12 thông báo nước này có 12 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó 7 ca tại tỉnh Liêu Ninh và 5 ca tại Thủ đô Bắc Kinh.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phải siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 do lo ngại hoạt động đi lại ồ ạt của người dân nước này trong dịp lễ có nguy cơ khiến số ca mắc bệnh tại thủ đô tăng vọt.
Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 86.955 ca nhiễm nhưng hiện chỉ còn 334 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan nguy cơ đối mặt với làn sóng bùng phát mới khi số ca nhiễm tăng vọt trong tuần qua. Ngày 27/12, Thái Lan thông báo có thêm 103 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.123, trong đó có 60 ca tử vong.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 713.365 ca nhiễm, tăng 6.528, trong đó 21.237 người chết, tăng 243. Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Philippines báo cáo 469.886 ca nhiễm và 9.109 ca tử vong, tăng lần lượt 881 và 42 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 26/12 tuyên bố gia hạn lệnh cấm tất cả chuyến bay từ Anh thêm hai tuần nữa tới giữa tháng 1/2021. Ông cũng yêu cầu cách ly 14 ngày với các hành khách đến hoặc quá cảnh tại Anh hay các nước phát hiện biến chủng mới từ nước này.