Dịch tả lợn châu Phi: Chị em nội trợ e dè mua thịt lợn, tiểu thương khóc ròng

Ngày 12/03/2019 06:25 AM (GMT+7)

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại TP.HCM vẫn chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên tâm lý người dân vẫn e dè, không lựa chọn mua thịt lợn để chế biến.

Nguy cơ thịt lợn bị tẩy chay

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Uyên P. (35 tuổi, ngụ quận 8) cho biết mặc dù TP.HCM hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào có lợn bị dịch tả nhưng cả gia đình chị đã quyết định không thịt lợn, đổi sang sử dụng thịt bò và gia cầm. “2 đứa con tôi rất thích ăn cơm tấm và cháo lòng ở cửa hàng dưới chung cư, tuy nhiên từ khi nghe phong thanh thông tin về dịch tả lợn, tôi không cho các cháu ăn sáng bằng món ăn này nữa”, chị P cương quyết.

Tương tự, chồng chị Mai Ngọc N. (ngụ quận 7) cũng dứt khoát yêu cầu cầu vợ không được mua thịt lợn về nấu mặc dù chị đã giải thích dịch này không lây sang người. “Các con thì cứ la ó vì mãi ăn thịt bò, thịt gà nên ngán. Nhưng chồng tôi thì cấm mua thịt lợn về chế biến, tôi đành chịu”, chị N. nói.

Dịch tả lợn châu Phi: Chị em nội trợ e dè mua thịt lợn, tiểu thương khóc ròng - 1

Thịt heo đã được kiểm dịch an toàn tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Theo ghi nhận, hiện tại ở nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố cũng hạn chế sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ. Anh Nguyễn D., phụ huynh có con đang học tại một trường mầm non trên địa bàn quận 12 cho biết khoảng 1 tuần nay, khẩu phần ăn của con anh tại trường rất ít khi có món thịt lợn. “Khi tôi thắc mắc thì cô giáo của cháu bảo dù dịch tả lợn không lây sang người nhưng vì an toàn cho trẻ nên nhà trường cũng hạn chế dùng nguyên liệu này chế biến thức ăn”, anh D. cho biết.

Vì e ngại, không ít bà nội trợ tẩy chay thịt lợn ở chợ truyền thống, thay vào đó, họ lựa chọn mua ở những cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. Chị Nguyễn Bảo M., nhân viên kế toán tại quận 1 cho biết chị có chút băn khoăn, không dám mua thịt lợn ở chợ vì lo ngại thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vì thế chọn mua thịt được kiểm dịch ở hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị.

Tiểu thương bán thịt ở chợ truyền thống khóc ròng

Từ khi thông tin dịch tả lợn bùng phát đến nay, mỗi sáng tiểu thương Trần Ngọc M (bán thịt tại chợ Bùi Văn Ba - Quận 7) đều chỉ dám lấy 35 kg thịt về bán, so với trước đây là 55kg. Chị M cho biết vì lo ngại dịch bệnh nên sức mua của khách hàng giảm sút, khi mua, khách cũng xem xét miếng thịt kỹ càng hơn. “Hiện nay giá thịt lợn dao động khoảng 45.000-47.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.000 đồng/kg so với 2 tuần trước. Người dân đa phần lựa chọn mua thịt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nên tiểu thương ở chợ truyền thống như chúng tôi nhiều khi còn ế hàng”, chị M ngậm ngùi cho biết.

Đối với những tiểu thương bán thịt tại chợ truyền thống, thông tin dịch tả lợn đã khiến nhiều người điêu đứng thì những hộ dân chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai như ngồi trên đống lửa. Trao đổi với PV, anh Đinh Văn H. (ngụ xã Hưng Lộc) cho biết gia đình anh nuôi gần 200 con lợn. Từ khi nghe tin có dịch bệnh, ngày nào anh cũng lên mạng để cập nhật tình hình về dịch tả lợn châu Phi. “Chăn nuôi heo là nghề mang lại thu nhập chính cho cả gia đình, nếu không may dính dịch thì chỉ có nước bán nhà trả nợ ngân hàng cũng không đủ”, anh H nói.

Trước tình hình dịch tả lợn đang “hoành hành” ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, TPHCM và các tỉnh phía Nam may mắn chưa phát hiện có dịch. Tuy nhiên, hiện nay giao thông thuận tiện, thông thương dễ và theo tình hình thị trường, giá lợn ở miền Bắc đang giảm do dịch bệnh xảy ra, trong khi đó, giá lợn ở miền Nam đang cao hơn nên có xu hướng dịch chuyển. Lợn miền Bắc sẽ có xu hướng xuôi vào Nam. Như vậy sẽ dễ gây lây lan dịch bệnh.

Dịch tả lợn châu Phi: Chị em nội trợ e dè mua thịt lợn, tiểu thương khóc ròng - 2

Nhiều tiểu thương lo ngại trước nguy cơ thịt lợn bị tẩy chay.

“Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ xem có lệnh cấm lợn chuyển từ Bắc vào Nam hay không, chứ còn như bây giờ thì chưa có lệnh cấm gì cả. Sợ nhất là thương lái có sự lừa đảo, chuyển lợn từ phía Bắc vào một địa phương nào đó ở miền Nam rồi nói là lợn miền Nam để nhập vào TPHCM tiêu thụ”, bà Lan nói.

Cách nào ngăn dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam?
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có vaccine và thuốc đặc trị.
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh dịch