Sốt xuất huyết vào chu kỳ nguy hiểm, nhiều người vẫn chủ quan

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/10/2022 14:25 PM (GMT+7)

Nam thanh niên dù không có tiền sử mắc bệnh gì và rất khỏe mạnh, nhưng sau cơn sốt, đau đầu vào viện, máu mũi bất ngờ chảy dữ dội, nguyên nhân đến từ căn bệnh nhiều người chủ quan.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E Trung ương cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tăng gấp 2 lần so với năm trước. Mùa dịch năm nay cũng là chu kỳ sốt xuất huyết quay lại đỉnh dịch (5 năm 1 lần) vì thế, người dân tuyệt đối không chủ quan trong phòng bệnh.

Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội ngày càng gia tăng, tại Hà Nội đã có 5 trường hợp tử vong. (Ảnh minh họa)

Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội ngày càng gia tăng, tại Hà Nội đã có 5 trường hợp tử vong. (Ảnh minh họa) 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - khoa Bệnh nhiệt đới cũng cho biết, hiện số bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt xuất huyến đang chiếm chủ yếu so với tổng số bệnh nhân trong khoa. Đáng nói, có trường hợp rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng khi nhập viện vì có tình trạng chảy máu ồ ạt không cầm được bằng biện pháp thông thường.

Đó là trường hợp bệnh nhân Hoàng A Lềnh (gần 40 tuổi) quê Hà Giang, đang học tập tại Hà Nội. Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt 3 ngày, đã uống thuốc và đỡ sốt. Theo chia sẻ của bệnh nhân, khi cắt được sốt thì đầu anh đau dữ dội, không thể nào chịu được nên mới phải vào viện khám.

Tại bệnh viện, nam thanh niên được xét nghiệm, kết quả dương tính với sốt xuất huyết. Bệnh nhân cho biết, bản thân rất bất ngờ khi biết mình mắc bệnh, vì 3 người cùng phòng không bị. Đây cũng là lần đầu tiên nam thanh niên này bị sốt xuất huyết.

Nam thanh niên hiện đã ổn định, máu mũi được cầm và dự kiến đầu tuần sau sẽ được xuất viện. Ảnh Lê Phương.

Nam thanh niên hiện đã ổn định, máu mũi được cầm và dự kiến đầu tuần sau sẽ được xuất viện. Ảnh Lê Phương.

Bác sĩ Thanh cho biết, sau khi có triệu chứng 3-4 ngày, bệnh nhân vào viện khi đó dù sốt giảm nhưng tiểu cầu tụt xuống còn 13. Bệnh nhân được truyền 01 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm.

“Cùng với tình trạng giảm tiểu cầu, bệnh nhân bất ngờ bị chảy máu mũi ồ ạt, không thể cầm máu được. Chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tai mũi họng, tiến hành nhét meche mũi (giống như miếng gạc nhét mũi) cho bệnh nhân. Sau khi nhép meche sau thì tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm, sau đó 2 ngày phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu thì bệnh nhân mới ổn định về chỉ số máu”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Theo thông tin từ bác sĩ Thanh, hiện bệnh nhân vẫn chảy máu nhưng số lượng giảm hơn và có thể rút meche trong một hai ngày tới, không có gì thay đổi bệnh nhân có thể xuất viện vào đầu tuần tới.

Bác sĩ Vũ Mạnh Cường cho biết, đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch (năm 2022) đến nay. Rất may khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, nếu không nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bác sĩ Cường cho biết, nếu chủ quan, sốt xuất huyết sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Ảnh Lê Phương.

Bác sĩ Cường cho biết, nếu chủ quan, sốt xuất huyết sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Ảnh Lê Phương.

Theo bác sĩ Cường, sốt xuất huyết thường xuất hiện triệu chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, chân răng hoặc ra máu âm đạo ở phụ nữ từ ngày thứ 3 sau bệnh, vì thế rất nhiều trường hợp chủ quan. Vì lý do đó, bác sĩ Cường khuyến cáo khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt thì cần đi viện kiểm tra loại trừ sốt xuất huyết, không tự sử dụng thuốc.

“Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có tiểu cầu thấp, như trường hợp trên tiểu cầu xuống đến 13G/L, kèm chảy máu mũi khó cầu là rất nguy hiểm. Thông thường nếu tiểu cầu xuống đến dưới 50 G/L, kèm theo dấu hiệu xuất huyết niêm mạc thì đã có chỉ định truyền tiểu cầu. Trường hợp bệnh nhân có tiểu cầu giảm xuống đếm dưới 5 G/L, mặc dù chưa có dấu hiệu xuất huyết thì cũng có chỉ định truyền tiểu cầu để dự phòng nguy cơ chảy máu”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia cảnh báo việc dọn dẹp vệ sinh, lật úp dụng cụ chứa nước, diệt loăng quoăng, bọ gậy và ngủ mắc màn là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải phun thuốc diệt muỗi theo khuyến cáo của ngành y tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến ngày 22/9/2022, Hà Nội ghi nhận 3.913 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và 5 trường hợp tử vong liên quan, so với cùng kỳ năm 2021 thì số mắc tăng 4,2 lần (982 trường hợp).

Trong tuần qua, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ghi nhận số mắc cao tại một số địa phương như: Thanh Oai 105, Đan Phượng 69, Thanh Trì 69, Thạch Thất 55, Hà Đông 52, Thường Tín 51, Hoàng Mai 50.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Muốn nhanh hồi phục sức khỏe, người mắc bệnh sốt xuất huyết nên ăn 7 loại thực phẩm này
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giúp người bệnh...

Sốt xuất huyết

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh dịch