Những ngày này để tìm được một quán cơm lót dạ sau những ngày đầy ụ bánh chưng, khoanh giò, e rằng cũng khó …như hái sao trên trời.
So sánh vậy thì có phần hơi quá nhưng để thấy việc tìm được một quán cơm bình dân trong những ngày Tết khó như thế nào.
Quán bánh cuốn, quán cơm, quán cháo lươn xứ Nghệ hẻm 201 Nguyễn Xí (Bình Thạnh) đồng loạt nghỉ Tết_Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tất nhiên, để tìm được những quán phở, bánh mì, bún, hủ tiếu…thì không khó dù khá nhiều quán đã đóng cửa nghỉ tết. Những ngày này, thịt giò ê chề. Người Sài Gòn có thói quen ăn bún phở, nên họ có thể ăn những món ăn này cả tuần liền. Nhưng với người miền Bắc, đặc biệt là người miền Trung có thói quen ăn cơm ba bữa mỗi ngày thì chỉ cần thiếu vài bữa cơm đã thấy nhớ, thấy thiếu thiếu.
Đường Nguyễn Xí (Phường 26, Quận Bình Thạnh) ngày bình thường la liệt quán ăn lớn nhỏ: từ quán sang chảnh cho những người lắm tiền cho đến những quán ăn bình dân, vỉa hè…Không nói đâu xa xôi, chỉ cần tạt qua vài chiếc xe đẩy dọc đường cũng có bát cơm nóng hổi ngon lành. Ngày thường chỉ cần đi bộ thôi cũng có thể tìm thấy. Vậy mà những ngày này các quán ăn đều treo biển nghỉ Tết.
Quán cơm 923 (Quận 3) cũng đóng cửa im lìm_Ảnh: NGUYỄN TRÀ
May mắn tìm được một quán ăn nhỏ biển hiệu “Cơm-Bún-Phở Hà Nội” còn sáng đèn mở cửa, không ít người nhanh chân bước vào. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là cái lắc đầu và nụ cười của bà chủ bán hàng: “Trời, mấy hôm nay ai ăn cơm đâu bán. Thôi mấy bữa nữa cô chú quay lại nghe! Chúc ăn Tết vui vẻ!”
Anh Đặng Văn Trung (Quảng Ngãi) làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình chia sẻ năm nay anh ở lại đây ăn Tết. Chi phí đi về đắt đỏ nên anh dự định cố gắng làm việc Tết năm sau về thăm ông bà luôn. “Tôi sống trong này cũng lâu rồi nhưng thói quen ăn cơm thì không bỏ được. Ngày nào ít cũng phải một bữa cơm. Vài hôm không ăn cơm là thấy người oải oải rồi, mà tìm hoài không thấy quán cơm nào”.
Để tìm được một quán cơm lót dạ những ngày này rất khó_Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Dạo quanh nhiều tuyến đường khác trong thành phố như Hoàng Sa, Nam Kì Khởi Nghĩa (Quận 3), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận)…chúng tôi cũng được trả lời bằng những cái lắc đầu tương tự. May mắn lúc trở về trong con hẻm nhỏ đường Chu Văn An (Bình Thạnh), quán cơm tấm vệ đường còn mở cửa. Quán ăn nhỏ nhưng sạch. Ngày thường suất cơm tấm có giá 20.000, hôm nay đắt hơn chút xíu: 25.000 đồng. Chú Tư, chủ quán cơm bảo năm nay chú vẫn bán hàng như bình thường. “Mồng 1 thì nghỉ chứ mồng 2, quán ăn lại bắt đầu làm việc trở lại. Đến đây đông nhất vẫn là người miền Trung, chứ người Sài Gòn phải mồng 8,9 mới bắt đầu ăn cơm”, chú Tư chia sẻ.
Ăn vội bát cơm mà sao thấy ngon đến thế. Có lẽ chủ động chuẩn bị bữa cơm trưa cho mình cũng là việc dân công sở nên lưu ý trong những ngày đi làm đầu năm!