Khoảng đêm 22 - 24/02, miền Bắc khả năng có mưa, mưa rào rải rác, từ khoảng đêm 22-23/02 khả năng trời chuyển rét, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực giảm.
Không khí lạnh gây mưa cho miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 20 ngày 21/2 sương mù nhẹ tiếp tục bao phủ khu vực Bắc Bộ. Dự báo khoảng ngày 23-24/2, một đợt không khí lạnh có cường độ từ trung bình đến mạnh có thể tràn xuống nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên miền Bắc có khả năng xuất hiện mưa rào rải rác, từ ngày 24/2, trời chuyển rét, nhiệt độ giảm từ 6-8 độ so với những ngày trước.
Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội ngày 22/2 trời chuyển rét, có mưa rải rác, nhiệt độ có thể xuống 19-22 độ. Ngày 23/2, trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác, nhiệt độ xuống 15-20 độ C.
Miền Bắc sắp giảm nhiệt do đón không khí lạnh tăng cường.
Ngoài ra, không khí lạnh có thể gây ra băng giá ở một số nơi vùng núi cao phía Bắc ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sương mù và mưa phùn cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tăng nguy cơ va chạm trong các hoạt động lưu thông.
Nhận định thời tiết khoảng đêm 22-24/02, miền Bắc khả năng có mưa, mưa rào rải rác; từ khoảng đêm 22-23/02 khả năng trời chuyển rét. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng; riêng khu vực phía Tây của Bắc Trung Bộ từ ngày 19-22/02 có nơi nắng nóng. Từ khoảng ngày 23/02 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Các khu vực khác đêm có mưa rào vài nơi; ngày nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, miền Bắc sẽ còn khoảng 1-2 đợt không khí lạnh trong đó có một đợt không khí lạnh vào cuối tháng 2. Sang tháng 3 có thể có thêm một đợt không khí lạnh nhẹ nữa vào giữa tháng. Miền Trung có thể có một đợt không khí lạnh nhẹ vào cuối tháng 2. Miền Nam duy trì nắng nóng.
Chuyên gia dự báo, sang tháng 4 nền nhiệt tăng đột ngột và duy trì đến hết tháng 7. Nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng của Việt Nam sẽ có mức cao hơn từ 0,75 đến 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm trước. Riêng các tháng 5 và 6 sẽ có mức nhiệt cao nhất và không loại trừ khả năng nhiệt độ bằng hoặc vượt kỷ lục từng ghi nhận ở Việt Nam vào năm 2023.
Mặc dù nền nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm song không khí lạnh vẫn tiếp tục tác động đến thời tiết ở trong nước. Tuy nhiên không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Với xu thế thời tiết trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.
Nắng nóng năm nay đến sớm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, năm 2024, hiện tượng El Nino còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024, khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Nếu kịch bản này xảy ra, nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, nắng nóng diện rộng tại miền Đông Nam Bộ sẽ xuất hiện từ nửa cuối tháng 2 và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5. Tại Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 3-5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.
Từ tháng 6-8/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7, bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc nước ta.
Cũng thời kỳ này, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Đồng thời, mùa mưa tại Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Tháng 6-8, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản như lũ quét do vỡ đập tại Libya làm trên 11.300 người chết và mất tích; lũ lụt trên diện rộng tại Bắc Kinh và một số địa phương của Trung Quốc làm 115 người chết, mất tích; bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm tại 20 bang miền Tây, miền Trung nước Mỹ hay tuyết rơi kỷ lục trong vòng 100 năm tại Moskva, khu vực miền Trung nước Nga và mạnh nhất trong 70 năm tại Trung Quốc.
Ngoài ra, nắng nóng gay gắt cực đoan và kéo dài bất thường đã xảy ra ở miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và một số nước châu Á.