Dùng môn Văn tuyển ngành y sẽ tạo ra... bác sĩ robot

Ngày 14/10/2014 08:14 AM (GMT+7)

“Ngoài những bài diễn văn giải thích mẫu chúng ta sẽ có chẩn đoán mẫu, điều trị mẫu, toa thuốc mẫu, mổ mẫu… và cuối cùng là chia buồn kiểu mẫu và mai táng kiểu mẫu”.

Theo Tuổi trẻ, tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường ĐH y đề xuất sử dụng môn văn xét tuyển vào trường y.

Phương án này nhận được ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Có người cho rằng, đòi hỏi bác sĩ viết đúng chính tả, ngữ pháp là quá cầu toàn, không cần thiết. Người khác lại cho rằng văn học là nhân học, bác sĩ không chỉ hiểu được thể xác mà cần thấu về tâm hồn.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện làm việc tại phòng khám quốc tế tại TP.HCM đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm về ngành y và giáo dục. Theo ông, đưa môn văn vào chương trình thi vào đầu ngành y là ý tưởng đúng đắn nhưng nên chờ 10,12 năm (hoặc lâu hơn) khi cải cách giáo dục. Hiện tại, với cách dạy văn, học văn theo mẫu thường thấy hiện nay sẽ tạo nên những bác sĩ robot. Trong khi đó, ngành y đòi hỏi sự sáng tạo.

Xin đăng tải toàn bộ bài viết của bác sĩ Võ Xuân Sơn.

Dùng môn Văn tuyển ngành y sẽ tạo ra... bác sĩ robot - 1

Bác sĩ Võ Xuân Sơn.

“Ý kiến về việc bổ sung môn văn xét tuyển vào trường y gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Người bảo đúng, kẻ bảo sai. Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM phát biểu: “Hiện nay nước ta không thiếu gì những bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng vô cảm, nhẫn tâm và hám lợi. Sự lệch lạc về đạo đức ấy có thể giết chết người bệnh”. Trưởng khoa cho rằng môn văn của ông có thể giải quyết được vấn nạn trên (Theo Vietnamnet).

Kiến thức về văn học là rất cần thiết, không riêng gì cho ngành y mà cho tất cả mọi ngành. Tôi hết sức thông cảm với Bộ trưởng Bộ Y tế khi cho rằng có nhiều chuyên viên Bộ viết sai chính tả. Bản thân tôi vẫn thường xuyên phải đọc các luận văn được viết khá lủng củng, mặc dù đề tài thật sự rất hay, rất hấp dẫn. Ngoài ra, khá nhiều bác sĩ không biết làm sao giải thích ngắn gọn, dễ hiểu cho người bệnh, dẫn đến việc người bệnh không thể hiểu được vấn đề của mình.

Tôi được biết tại một số nước châu Âu, ký thi tuyển sinh đầu vào trường Y có một vòng vấn đáp, tại đó, có những thí sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyên môn nhưng khả năng ngôn ngữ không đủ và bị loại. Sau đó những thí sinh này thi vào một trường khác và được xác nhận có thể học được do việc đòi hỏi kiến thức về ngôn ngữ của trường đó không cao bằng trường y.

Dùng môn Văn tuyển ngành y sẽ tạo ra... bác sĩ robot - 2

Thí sinh gục trước giờ làm bài trong kỳ thi đại học 2014. Ảnh: Tuấn Mark.

Khác với nhiều ngành nghề khác, y khoa là ngành khoa học sáng tạo. Lí thuyết là như thế, triệu chứng học là như thế, nhưng với mỗi người bệnh, biểu hiện lại khác nhau. Từ một mớ các triệu chứng lộn xộn, người thầy thuốc phải “bốc ra” các triệu chứng chủ chốt, tìm các dấu hiệu khác để đưa ra chẩn đoán phù hợp. Có chẩn đoán rồi thì việc điều trị cũng là một bước sáng tạo vì không cá thể nào giống cá thể nào cả, không thể rập y nguyên một mẫu cho mọi bệnh nhân.

Nếu ngay bây giờ chúng ta dùng môn văn xét tuyển vào trường y, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hiện nay, cách học văn của học sinh chúng ta chủ yếu là làm văn theo mẫu, mọi sự sáng tạo đều không được phép. Nếu chúng ta tuyển những người giỏi làm văn theo mẫu vào trường y, chúng ta có đào tạo ra những bác sĩ robot không? Lúc đó ngoài những bài diễn văn giải thích mẫu chúng ta sẽ có chẩn đoán mẫu, điều trị mẫu, toa thuốc mẫu, mổ mẫu… và cuối cùng là chia buồn kiểu mẫu và mai táng kiểu mẫu.

Đưa môn văn xét tuyển vào ngành y là ý tưởng đúng đắn, cần thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên chờ khoảng 10, 12 năm nữa (hoặc có thể lâu hơn), khi các cải cách giáo dục trong dạy và học môn văn thực sự có hiệu quả. Với tình hình dạy và học văn như hiện nay, việc đưa môn văn vào kì thi tuyển đầu vào ngành y sẽ dẫn đến một thảm họa. Nên chăng, trong thời gian chờ đợi, các trường y tổ chức dạy môn ngữ văn cho sinh viên, nhưng nhớ đừng mời các thầy “mẫu” đến dạy.

Nhân đây, tôi xin nhắn tới PGS. TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, rằng đại đa số những bác sĩ “vô cảm, nhẫn tâm và hám lợi” đều không thể giỏi, hoặc có giỏi là giỏi theo cách đánh giá “mẫu” mà thôi. Sự lệch lạc về đạo đức của một số bác sĩ chính là sản phẩm của một xã hội suy đồi về đạo đức, chai sạn với sáng tạo, vô cảm với bất công, đầy rẫy lừa dối và cướp, giết, hiếp...

Ngoài ra, y học là một môn khoa học dựa trên chứng cứ, nên khi nói về y học, trưởng khoa hãy dựa trên những chứng cứ chính xác, nhất là khi muốn dạy cho những người trong ngành y tế về cách tuyển sinh y khoa ở Mỹ".

Theo Quyên Quyên (Zing)
Nguồn:

Tin liên quan