Kỳ thi quốc gia: Phân biệt cụm thi gây khó thí sinh

Ngày 12/09/2014 16:05 PM (GMT+7)

Chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT phân biệt giữa cụm thi ở địa phương và cụm thi ở trường đại học thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong học sinh.

Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015. Theo đó, Bộ tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Ngoài bốn môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.

Kỳ thi quốc gia: Phân biệt cụm thi gây khó thí sinh - 1

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT  Đinh Tiên Hoàng

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, Bộ GD-ĐT có quy định, thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, hoặc không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của kì thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương. Các cụm thi này do các Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường đại học thực hiện.

Còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh đại học, cao đẳng thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường đại (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường đại học chủ trì, phối hợp với các sở GD-ĐT.

“Theo tôi Bộ GD-ĐT không nên chia học sinh thành hai loại như vậy. Bởi phân chia cụm thi sẽ thành ra phân biệt học sinh thi ở cụm địa phương và học sinh thi ở cụm các trường đại học, cao đẳng dù việc làm như vậy nhằm đáp ứng yêu cầu học của học sinh. Tôi giả sử, học sinh sinh thi ở cụm địa phương có điểm cao muốn thi đại học thì bộ làm thế nào… Nếu bộ cản trở thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong học sinh”, tiến sĩ Lâm nói.

Tiến sĩ Lâm cho biết thêm, kỳ thi chung, bộ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực và dự kiến có khoảng 20 cụm thi quốc gia ở kỳ thi này.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tiến sĩ Lâm, bộ nên tập trung thi theo tỉnh, mỗi tỉnh một hội đồng thi. Bởi ở một tỉnh, cũng có huyện cách trung tâm thành phố mấy trăm cây số. Nếu thí sinh thi theo cụm thì các em ở tỉnh lân cận lại phải “rồng rắn” nhau sang tỉnh khác. Như vậy, tốn kém cho học sinh, phụ huynh.

Tiến sĩ Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho hay, phương án Bộ GD-ĐT đưa ra hợp lý, không gây xáo trộn cho học sinh. Bộ GD miễn thi môn Ngoại ngữ cho học sinh có chứng chỉ cũng tạo nhiều thuận lợi cho các em.

“Theo tôi, để kỳ thi chung quốc gia thật sự tin cậy, đủ làm cơ sở dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh thì phải có sự tham gia của các trường đại học trong việc coi thi, chấm thi... Giáo viên dạy trung học phổ thông cũng phải tham gia nhưng việc chủ trì sẽ giao cho các trường đại học”, Tiến sĩ Lập nói.

Thầy Tuấn Nam, giáo viên trường THPT Đoàn Kết Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, về cơ bản phương án thi kỳ thi chung quốc gia ổn định. Kỳ thi được tổ chức sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT tổ chức các cụm thi, do trường đại học chủ trì thì sẽ phải “gồng mình” lên tổ chức cho tốt. Việc này, đòi hỏi các trưởng phải nỗ lực, làm nghiêm túc thì mới thành công.

Theo thầy Nam, yêu cầu kỳ thi là học sinh phải thi 3 môn bắt buộc, môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Như vậy học sinh thi khối D rất dễ học lệch các môn Sử, Địa lý bởi vì các môn thi bắt buộc trùng với khối thi.

“Phương án kỳ thi chung quốc gia sẽ có lợi cho học sinh thi khối D (Toán, Văn, Anh) bởi vì khối thi này trùng với 3 môn bắt buộc. Tuy nhiên, tôi lo ngại học sinh thi khối D dễ bị học lệch vì các em chỉ chuyên tâm vào mấy môn này mà không học môn Sử, Địa lý”, thầy Nam chia sẻ.

Theo Nguyễn Đức (Khám phá)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot