Một cậu bé 5 tháng tuổi giấu danh tính hiện đang là em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ tinh trùng của một người bố và trứng của hai người mẹ.
Tam mẫu (3-parent) là một công nghệ khiến cho em bé sinh ra có được DNA lấy từ 3 người bố mẹ. Điều này sẽ giúp chúng có thể tránh được những khiếm khuyết di truyền chết người được truyền từ người mẹ gốc của mình.
“Đây thật sự là một điều rất tuyệt vời và là một cuộc cách mạng”, theo lời nhà nghiên cứu Dusko Ilic đến từ Đại học King London (Anh) cho biết. Kỹ thuật này đã được hợp pháp hóa ở Anh vào năm 2015, giúp cho phép những cặp vợ chồng có các đột biến di truyền có thể có những đứa con khỏe mạnh bằng cách thay thế DNA ty thể bị lỗi của người mẹ với một người phụ nữ khác trong quá trình thụ tinh ống nghiệm.
Em bé sinh ra từ phương pháp tam mẫu sẽ có nguồn gốc từ tinh trùng của một người bố và trứng của hai người mẹ. Nguồn ảnh: mamamia.
Vì DNA ty thể chỉ có thể được truyền cho thế hệ sau bởi phái nữ, nên đối với hầu hết phụ nữ mắc bệnh ty thể, phương pháp “tam mẫu” là cách duy nhất giúp họ có được một đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn đang bị cấm thực hiện tại Mỹ vì những tranh cãi xung quanh tính đạo đức và an toàn của nó.
Trong câu chuyện này, kỹ thuật tam mẫu đã được áp dụng cho một cặp vợ chồng người Jordan. Mẹ của cậu bé mắc hội chứng Leigh, một dạng rối loạn hệ thần kinh có thể gây tử vong được di truyền qua DNA ty thể. Không giống như những DNA thông thường nằm trong nhân của tế bào, DNA ty thể sống trong ty thể của chúng ta. Nơi đây chính là nhà máy sinh học và năng lượng của tế bào và chỉ được truyền cho đời sau bởi phái nữ.
Quay trở lại câu chuyện, sức khỏe của người vợ khi áp dụng phương pháp tam mẫu hoàn toàn ổn định. Nhưng có khoảng ¼ ty thể của cô mang gen bị lỗi gây hội chứng Leigh. Vì thế, sau gần 20 năm cố gắng sinh nở, cô đã có 2 đứa con chết vì căn bệnh này.
Bác sĩ Zhang bế đứa trẻ có 3 bố mẹ đầu tiên trên thế giới.
Kỹ thuật tam mẫu còn có một tên gọi khác là “chuyển giao nhân non” (pronuclear transfer) và cần 3 loại nguyên liệu, bao gồm trứng của người mẹ, tinh trùng của cha và trứng của một người phụ nữ hỗ trợ. Các nhà khoa học sẽ thụ tinh hai trứng này với tinh trùng của người cha. Khi chúng bắt đầu phân chia phát triển thành phôi thai, các nhà nghiên cứu sẽ lấy phần nhân non trong trứng của người mẹ bị mắc bệnh và sau đó cấy vào trứng của người phụ nữ hỗ trợ. Điều này giúp cho tế bào trứng mới sẽ có được cả phần nhân lẫn phần ty thể khỏe mạnh mà vẫn mang gen của cặp vợ chồng.
Nhưng cha mẹ của em bé 5 tháng tuổi này là người Hồi giáo, vì thế họ có những trở ngại rất lớn trong vấn đề tôn giáo khi ra quyết định phá hủy một tế bào đã được thụ tinh. Vì thế các nhà khoa học phải sử dụng một biến thể khác của phương pháp tam mẫu được gọi là chuyển nhân trục chính. Phương pháp này cũng tương tự như trên nhưng quá trình chuyển giao nhân non được thực hiện trước khi trứng được thụ tinh.
Kỹ thuật này tạo ra năm phôi, nhưng chỉ có một phôi phát triển tốt. Và sau đó phôi này đã được cấy ngược lại vào bụng người mẹ. Cậu bé từ khi được sinh ra đến nay đã 5 tháng và vẫn phát triển bình thường, không hề xuất hiện dấu hiệu của hội chứng Leigh. Phôi được chọn có giới tính nam nhằm chắc chắn không làm di truyền DNA ty thể bị lỗi.