Sau khi nhận nhiều chỉ trích, Facebook phải nhượng bộ và đồng ý cho bức ảnh 'Em bé Napalm' xuất hiện trở lại trên mạng xã hội.
Sau những ồn ào liên quan đến cáo buộc cho rằng Facebook đã lạm dụng quyền lực trong việc kiểm duyệt thông tin, mới đây, Facebook đã đồng ý cho bức ảnh “Em bé napalm” được đăng tải trở lại.
Trong một thông báo đưa ra, Facebook cho biết họ đã nhận ra “tầm quan trọng toàn cầu” của bức ảnh, đồng thời thừa nhận: "Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và giá trị lịch sử của bức hình khi đã ghi lại một khoảnh khắc của thời đại. Vì thế, chúng tôi đã quyết định sẽ giữ lại bức ảnh trên những bài đăng từng bị gỡ.
Chúng tôi sẽ luôn cải thiện những chính sách của mình để đảm bảo rằng vừa có thể bảo vệ cộng đồng vừa ủng hộ được việc tự do bày tỏ quan điểm cá nhân".
Facebook khôi phục bức ảnh 'Em bé Napalm' sau khi bị chỉ trích
Vụ việc này bùng nổ khi ông Espen Egil Hansen - Tổng biên tập và CEO của tờ Aftenposten (tờ báo lớn nhất của Na Uy) gửi bức thư ngỏ cáo buộc ông Mark Zuckerberg "lạm dụng quyền lực và hạn chế tự do ngôn luận". Facebook xóa bức hình đạt giải Pulitzer này của phóng viên AP Nick Ut từ trang cá nhân của một nhà báo Na Uy, đồng thời cho rằng bức ảnh vi phạm quy tắc ảnh khỏa thân.
Đây là bức ảnh được chụp vào tháng 6/1972 ghi lại khoảnh khắc cô bé Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm và bỏ chạy trong tình trạng trên người không còn mảnh vải che thân. Bức ảnh đã được truyền thông trên toàn thế giới đăng tải, và khiến công chúng phải bàng hoàng về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Bức ảnh này nằm trong loạt “7 hình ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh” được nhà báo Na Uy Tom Egeland đăng tải lên Facebook.
Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Facebook đã gửi tin nhắn yêu cầu xóa ảnh hoặc làm mờ. Theo lý giải của Facebook, tấm ảnh có chứa hình ảnh khỏa thân nên người dùng không được phép đăng tải lên mạng xã hội này. "Bất kỳ bức ảnh nào phô bày hết bộ phận sinh dục, hay mông, hay ngực của phụ nữ, sẽ bị gỡ bỏ”, thông tin từ Facebook gửi lại cho Tom Egeland.
Nhà báo Tom Egeland cho biết khi ông chưa kịp phản ứng thì Facebook đã xóa bài viết và hình ảnh trên trang cá nhân. Anh bị cấm truy cập Facebook trong vòng 24h vì vi phạm "các nguyên tắc cộng đồng" của mạng xã hội này.
Trước thông tin bức ảnh “Em bé Napalm” bị Facebook gỡ bỏ, Thủ tướng Na Uy Norweigan Erna Solberg đưa ra nhận xét: “Tôi đánh giá cao công việc của Facebook và các phương tiện truyền thông khác để ngăn chặn hình ảnh và nội dung thể hiện vấn đề lạm dụng tình dục và bạo lực. Nhưng Facebook đã sai khi kiểm duyệt hình ảnh như thế này. Nó góp phần làm hạn chế quyền tự do ngôn luận”.