Đôi dép lốp cao su do nghệ nhân Phạm Quang Xuân làm ra đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Những ngày tháng 8 lịch sử, trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Biểu (Ba Đình, Hà Nội), ông Phạm Quang Xuân lại miệt mài làm dép lốp theo đơn đặt hàng của khách. Đôi dép lốp có từ thời chống Pháp nay lại xuất hiện giữa Thủ đô do một nghệ nhân sản xuất ra theo cách thủ công nhất.
Ông Xuân tâm sự, bản thân đã theo nghề hơn 50 năm. Mặc dù đây là công việc khá vất vả, mất nhiều công sức, nhưng vì đam mê, muốn giữ gìn truyền thống của gia đình và văn hóa của dân tộc nên hàng ngày ông vẫn miệt mài làm việc. Với gần 100 dụng cụ tự chế để phá lốp, cắt gọt, đóng quai... những đôi dép do ông Xuân làm ra được rất nhiều người thích thú và ưa chuộng.
Tâm sự về nghề, ông Xuân cho biết, bản thân là cựu công nhân của Xí nghiệp Trường Sơn thuộc Công ty bách hóa Hà Nội chuyên sản xuất dép cao su từ trước 1975. "Sau khi về hưu, nhớ nghề tôi tự làm dép lốp để đi. Không ngờ những sản phẩm tôi làm được nhiều người ưa chuộng. Người nọ truyền tai người kia, tôi không cần quảng cáo nhưng có rất đông khách tìm đến hỏi mua. Không chỉ khách trong nước, nhiều người nước ngoài cũng đến tận nhà ông mua", ông Xuân chia sẻ.
"Dép vốn là một nét đặc trưng trong văn hóa người Việt. Nhìn vào đôi dép, toát lên được nét tài hoa của người thợ. Một đôi dép lốp tốt phải là lốp máy bay hoặc xe tải hạng nặng nên tôi phải cất công về tận các làng nghề tái chế để mua. Bởi chỉ có nguyên liệu làm từ "phế thải" của hai loại nói trên, dép mới bền được", ông Xuân cho biết thêm. Bản thân ông Xuân cũng là người được chọn làm đôi dép cao su Bác Hồ. Đôi dép này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong suốt mấy chục năm qua.
Hàng ngày, nghệ nhân Phạm Quang Xuân (Nguyễn Biểu, Hà Nội) vẫn miệt mài làm dép lốp.
Công việc này khá nặng nhọc so với tuổi ngoài 70 nhưng chưa khi nào ông Xuân có ý định bỏ nghề.
Vật liệu làm dép cao su Bác Hồ là lốp xe - những thứ tưởng chừng đã là phế liệu.
Các dụng cụ làm dép đã gắn bó với ông Xuân trong suốt thời gian dài.
Đế dép thường được ông Xuân vẽ trước, theo đúng kích thước chân của khách hàng.
Một đôi dép cỡ chân 40 đang trong giai đoạn hoàn thiện.
"Để cắt đế dép chính xác, người làm phải căn chỉnh mũi dao thật chính xác. Chỉ cần một sai sót nhỏ, chân tay rất dễ bị thương", ông Xuân chia sẻ.
Biểu tượng bản đồ Việt Nam được khắc dưới đế dép là một cách bảo vệ chủ quyền tổ quốc của ông Xuân.
Từng đường nét được làm khá kĩ càng.
Đục đế dép để người sử dụng tránh trơn trượt khi đi dưới trời mưa.
Tiếp đến là công đoạn cắt cao su làm quai dép.
Quai dép phải được mài gọt nhẵn để tránh bị xước da trong quá trinh sử dụng.
Từng chiếc quai dép được đưa vào đế một cách khéo léo.
Mỗi đôi dép cao su như thế này có giá khoảng 300.000 đồng và giá cả tùy thuộc vào kích thước từng sản phẩm.
Những vết sẹo hằn sâu trên tay ông Xuân là kỉ niệm những ngày đầu vào nghề.
Hàng ngày, ông Xuân nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của khách.