Hơn 8 năm làm hiệp sĩ săn bắt cướp, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (ngụ quận Bình Tân) đã không còn xa lạ với những người dân các quận trên địa bàn TP. HCM. Ít ai biết được rằng, để theo đuổi công việc không công vì xã hội, gia đình đã là điểm tựa để anh Nghĩa vững bước mỗi ngày.
Cái duyên làm hiệp sĩ đường phố
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa năm nay 33 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang. Anh lên TP. HCM sinh sống đã được hơn 10 năm, trong đó có hơn 8 năm gắn bó làm hiệp sĩ săn bắt cướp.
Anh Nghĩa kể: “Một lần đi trên đường, tôi tình cờ chứng kiến cảnh một tên cướp giật túi xách của một người phụ nữ đang mang thai khiến chị ngã xuống đường đầy đau đớn. Lúc đó, tôi đã đuổi theo nhưng không kịp để cho tên cướp chạy mất, tôi cảm thấy tức và dằn vặt vì ngay trước mắt mình mà để cho nó chạy mất.
Sau lần đó, cứ mỗi khi ngồi uống cà phê hay đi trên đường mà nghe truy hô có cướp là tôi lập tức xác định đối tượng và quyết bắt cho bằng được. Đó là cơ duyên đưa tôi đến với công việc nguy hiểm này!”.
Anh Nghĩa làm hiệp sĩ đường phố đã hơn 8 năm bắt được gần 1000 tên cướp giật - Ảnh Huế An
Hơn 8 năm qua, anh Nghĩa cho biết mình đã bắt gần 1000 tên cướp giật trên địa bàn TP. HCM. Ngoài làm thuê để có thu nhập nuôi gia đình nhỏ của mình thì hầu hết thời gian của anh Nghĩa là rong ruổi khắp các nẻo đường trên địa bàn TP. HCM để săn bắt cướp, giúp đỡ người dân hoạn nạn.
“Cứ mỗi lần nghe người dân nói dạo này có cướp giật xuất hiện nhiều ở đâu là tôi chạy vòng vòng khu vực đó cho đến khi bắt được chúng thì thôi. Thế nhưng hôm nay bắt được tụi này thì ngày mai lại xuất hiện tụi khác, không làm sao mà bắt hết được”, anh Nghĩa nói.
Đối với anh Nghĩa, công việc săn bắt cướp được chính là người dân yêu quý, làm công việc gì đó vì xã hội thì mừng. Và nó cũng rèn cho anh bản lĩnh, có được cặp mắt linh hoạt, nhạy bén, quan sát tốt để nhận diện tội phạm.
“Việc bắt cướp của tôi giống như làm từ thiện vậy, những người có điều kiện về tài chính thì người ta phát quà, tặng nhà, hỗ trợ tiền... Còn tôi không có điều kiện về tài chính thì đóng góp sức lực của mình, xã hội trật tự thì dân mới an tâm làm ăn được”, anh Nghĩa chia sẻ.
Tâm niệm về công việc làm hiệp sĩ, anh Nghĩa nói bắt cướp là phải có tâm chứ có lòng tham thì không làm được. Mình đuổi theo tên cướp để lấy đồ lại cho dân mà mình lại có lòng tham chiếm luôn thì mình không khác gì tên cướp đấy, có khi còn tệ hơn.
Ngoài chuyện đó ra, trong lúc đuổi theo tên cướp bắt được nó rồi thì có khi nó đề nghị ăn chia, nếu thả nó ra nó gọi điện thoại sẽ có người đến đưa tiền, nếu không tỉnh táo thì rất dễ bị cám dỗ.
Khi được hỏi về những hiểm nguy công việc săn bắt cướp, anh Nghĩa kể: “Tôi gặp chấn thương hai lần trong lúc đuổi theo những tên cướp trong hơn 8 năm qua. Như có một lần mình đang chạy, bỗng nó dừng lại, tôi tưởng tụi nó chuẩn bị đánh tôi, không ngờ lại gần tụi nó phóng ga chạy. Sau đó tôi lật đật phóng ga theo nhưng không làm chủ được tốc độ thế là tung phải dãy phân cách làm chiếc xe gãy đôi, tôi văng ra, tưởng chết rồi ấy. Rất may lần đó tôi chỉ bị xây xát nhẹ…”
Ngoài lần suýt mất mạng thì những lần đối đầu với những tên cướp, những lần ngã xe khiến anh Nghĩa bị thương nhiều vô số kể. Lật tay áo, ống quần lên anh Nghĩa chỉ cho chúng tôi thấy nhiều vết sẹo để lại trên người khi đuổi theo cướp. Ngoài ra, anh còn nhiều lần bị những tên cướp dọa đem xăng tới đốt nhà, dọa sẽ đánh, chém anh...
Gia đình là chỗ dựa để làm hiệp sĩ
Khi nhắc đến gia đình nhỏ của mình, mắt anh Nghĩa bừng sáng: “Tôi cưới vợ được 3 năm và chúng tôi có một bé gái. Lúc đầu tôi không được gia đình vợ đồng ý vì công việc này nhưng về sau thì mọi người hiểu nên cho tôi cưới cô ấy”.
Anh chia sẻ thêm, lúc mới yêu nhau thì vợ cũng biết công việc của anh. Vợ có khuyên nên bỏ nghề vì nó rất nguy hiểm nhưng dần dần vợ cũng hiểu và chấp nhận. Có lẽ vì công việc có ích cho mọi người và vì tính cách con người của anh.
Hiện tại, vợ và con gái anh Nghĩa đang sống ở quê, vì công việc nên anh ít có thời gian bên vợ con. Những lúc nhớ vợ nhớ con thì chạy về quê thăm rồi lại vội vã chạy lên thành phố tiếp tục công việc.
Anh Nghĩa cho biết, mỗi lần ở quê chuẩn bị lên thành phố vợ anh luôn nhắc nhở làm gì làm cũng phải cẩn thận và nhớ giữ gìn sức khỏe. Công việc của anh chị biết là giúp người nhưng luôn làm chị cảm thấy lo lắng.
Theo anh Nghĩa, những lời động viên của vợ đã giúp anh cho thêm động lực vượt qua những khó khăn, nguy hiểm làm công việc vì xã hội. Thương vợ con nên anh cũng tự khuyên răn mình cẩn thận mỗi khi làm.
Anh Nghĩa nói: “Bây giờ tôi đã là người chồng, người cha nên tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình với xã hội. Vì gia đình tôi luôn thận trọng trong mọi việc, sống thật tốt để vợ con, gia đình yên tâm và vui vẻ”.