Gia đình ông Trạch còn “chịu chi” đến mức bỏ rất nhiều tiền để làm cỗ mời người đến viếng suốt 7 ngày 7 đêm. Khách đến viếng sẽ được gia nhân dọn cỗ bàn đàng hoàng...
Nhắc đến công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, người ta thường nghĩ đến giai thoại về thói chơi ngông của cậu như đốt tiền nấu trứng, đốt tờ tiền 100 đồng để tìm chiếc bông tai cho cô Phùng Há… Nhưng ít ai biết rằng, để có cuộc sống trác táng như vậy, cha của cậu là ông Trần Trinh Trạch (1872-1942) đã phải trải qua tháng ngày tằn tiện, cực nhọc.
Từ cậu bé ở đợ đến công chức nhà nước
Ông Trạch có tổ tiên theo tướng nhà Trần vào cù lao phố (Biên Hòa, Đồng Nai) lập nghiệp. Sau đó, cha của ông chạy về ấp Cái Dầy (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) tìm đất khai hoang rồi sinh ông tại đó.
Công cuộc khẩn hoang của gia đình ông Trạch không mấy thuận lợi. Hơn nữa khi ấy dịch bệnh xuất hiện khắp nơi khiến cha mẹ ông đành đem số ruộng khai hoang được cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho con. Lúc này, ông mới 10 tuổi đi làm mướn cho một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp. Hàng ngày ông làm việc quần quật để được trả công bằng bát cơm thừa.
Năm 1881, ông Trạch được điền chủ bắt đi học tiếng Pháp thay thế cho con trai ông ta. Ông vừa khóc vừa van xin nhưng thất bại. Điển chủ dọa ông nếu không đi học sẽ bị đuổi việc. Vì thế, ông miễn cưỡng đến trường và đó cũng chính là bước ngoặt cuộc đời của ông.
Chân dung ông Trần Trinh Trạch.
Ông Trạch đi học suốt nhiều năm, tiếp thu được khá nhiều kiến thức, đọc và nói thành thạo tiếng Pháp. Ông tốt nghiệp tiểu học rồi trở thành thư ký điền địa của tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu. Sau đó ông kết hôn với bà Muối – con gái của “Vua lúa gạo” Phan Hộ Biết, người có nhiều ruộng đất trong vùng.
Thời gian làm công chức cùng với hiểu biết pháp luật cộng vốn liếng của bà Muối, ông Trạch lần lượt thu gom ruộng đất của những địa chủ trong vùng bị phá sản do cờ bạc. Ông quyết định xin nghỉ việc để ở nhà làm địa chủ, tiếp tục mua thêm nhiều ruộng đất và lấn sân sang kinh doanh muối.
Sở hữu khối tài sản đồ sộ khiến bao người ngưỡng mộ
Nắm trong tay số lượng ruộng đất lớn, ông Trạch đã đăng ký đấu thầu quản lý sở cầm đồ và trúng thầu. Ông nghiễm nhiên trở thành người độc quyền cầm đồ ở Bạc Liêu. Ông còn đấu thầu và trúng quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu lại địa phương.
Gia đình công tử Bạc Liêu.
Chưa dừng ở đó, ông Trạch tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực địa ốc và ngân hàng. Ông sở hữu một dãy phố lầu ở Sài Gòn và hai dãy ở Bạc Liêu. Năm 1927, ông cùng các doanh nhân khác góp vốn sáng lập Ngân hàng Việt Nam, trở thành chánh hội trưởng. Thời gian này, ông cũng là thành viên của Hội đồng Tư mật Nam kỳ nên thường được gọi là ông hội đồng Trạch.
Trong kinh doanh, ông Trạch luôn tuân thử theo nguyên tắc sòng phẳng. Vì thế đất đai của ông ngày càng mở rộng. Ông sở hữu 200.000 hecta đất mặn – ngọt, trở thành người giàu có nhất vùng Bạc Liêu. Lúc bấy giờ ông thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhập vật liệu từ Pháp, đồ dùng từ Ý về để xây dựng căn nhà đẹp nhất Nam Kỳ.
Sở hữu khối tài sản đồ sộ nhưng vợ chồng ông Trạch – bà Muối lại có cuộc sống cần kiệm như thuở mới cưới. Bữa ăn của hai người chỉ toàn những món dân dã, giản dị.
Năm 1942, sau khi mừng thọ tuổi 70, vợ chồng ông Trạch được con trai Trinh Huy đưa đi ngắm biển Long Hải (Vũng Tàu). Tại đây ông tắm biển quá lâu nên bị cảm lạnh. Ông được đưa về Sài Gòn chữa trị nhưng tuổi cao sức lại yếu, vì thế đã qua đời.
Bàn thờ của ông Trạch và bà Muối.
Lễ tang của ông Trạch do con trai Trinh Huy làm trưởng ban. Ba Huy thuê hẳn nhiếp ảnh gia có tiếng chịu trách nhiệm chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc đám tang của cha mình. Áo quan của ông Trạch được làm bằng loại gỗ hảo hạng. Ngoài ra, đám tang có dàn nhạc Ta, Tiêu... khiến không khí không còn trầm uất, tang thương.
Gia đình ông Trạch còn “chịu chi” đến mức bỏ rất nhiều tiền để làm cỗ mời người đến viếng suốt 7 ngày đêm. Khách đến viếng sẽ được gia nhân dọn cỗ thịnh soạn... Bởi vậy có mấy nghìn người đã đến đưa tiễn ông về thế giới bên kia.