Nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh ở Hà Nội không dám nhập nhiều hàng, bán rải rác cầm cự, thậm chí phải "đóng sạp" vì giá thịt lợn đảo chiều tăng mạnh, lượng khách giảm đáng kể.
Tiểu thương giảm nhập hàng, bán lỗ vốn để giữ khách nhưng vẫn ế
Khảo sát tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, mấy hôm nay giá thịt lợn bất ngờ tăng giá trở lại. Mức giá trung bình dao động trong khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg, cao ngang giá thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, tại chợ cóc trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi kg thịt lợn được đẩy giá lên cao, mỗi cân thịt tăng khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ có giá 170.000đ-180.000 đồng/kg, thịt nạc thăn có giá 160.000đ-170.000 đồng/kg, thịt mông có giá 150.000-160.000 đồng/kg.
Thịt tăng giá, lượng khách giảm đáng kể khiến các tiểu thương "điêu đứng"
Tại chợ Ngã Tư Sở, giá thịt lợn cũng tăng mạnh, dao động trong khoảng 150.000 - 170.000 đồng/lượng. 9h sáng ngày 4/3, ghi nhận tại chợ Ngã Tư Sở, nhiều quầy thịt vẫn còn ê hề. Nhìn thấy PV, chị Minh Trang (một tiểu thương ở chợ này) mời chào: "Vào mở hàng cho chị đi em ơi, từ sáng đến giờ chị vẫn chưa bán được hàng".
Chị Trang cho biết mấy hôm nay lợn hơi đột ngột tăng lên cả chục giá, đây là mức tăng kỷ lục từ đầu năm đến nay. Hiện lợn xuất chuồng giá 85.000 đồng-88.000 đồng/kg, thịt lợn móc hàm giá đã 110.000-115.000 đồng/kg tuỳ loại. Do đó, giá thịt lợn các loại tại chợ cũng tăng phi mã.
"Sau Tết, dù giá thịt lợn giảm đáng kể nhưng lượng khách mua vẫn không tăng lên do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bây giờ giá thịt lại tăng lên, chị em tiểu thương chúng tôi rơi vào khủng hoảng. Không giảm nhập nhiều thịt trong ngày, thậm chí còn phải giữ giá để giữ khách quen nhưng vẫn ế ẩm".
Bán bên cạnh chị Trang, chị Oanh (cũng là tiểu thương chợ này) cho biết trước đợt tăng giá kỷ lục vào cuối năm ngoái, mỗi ngày chị bán hết 1 con lợn móc hàm, có những hôm 1 con vẫn không đủ để bán. Sau khi lợn tăng giá, chị giảm lượng hàng xuống nửa con nhưng có hôm vẫn ế.
"Từ ra Tết đến giờ mỗi ngày tôi chỉ dám lấy 20kg thịt, bán cầm cự giữ khách quen chứ không dám nhập nhiều, cũng không mong vào lời lãi", chị Oanh nói thêm.
Tiểu thương chỉ nhập ít hàng bán cho khách quen, không mong lời lãi
Hiện ở các chợ, các sạp thịt lợn để trống khá nhiều, các tiểu thương buộc phải đóng sạp vì sức tiêu thụ kém, chờ khi nào giá ổn định và dịch COVID-19 qua đi thì mở hàng trở lại. Bên cạnh đó, một số người bán kèm các loại rau củ quả, thực phẩm khác để tăng thu nhập.
Chị Hòa - một tiểu thương bán thịt trên đường 800A, Cầu Giấy - cho biết mấy hôm lợn lên giá, chị bán thêm dưa muối, kim chi, cà muối để tăng thêm thu nhập.
Tham khảo giá thịt lợn tại một chợ dân sinh ở Ba Vì, Hà Nội ngày 3/3
Trong khi tại các chợ dân sinh giá thịt lợn tăng "phi mã", thì ở các hệ thống siêu thị lợn tại Hà Nội giá thịt lợn vẫn bình ổn.
Tham khảo giá tại một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội
Liệu giá thịt lợn có tiếp tục lên đỉnh kỉ lục?
Trước sự tăng giá bất ngờ của thịt lợn trong vài ngày gần đây, người tiêu dùng lo ngại liệu vài hôm nữa giá thịt lợn có bị đẩy lên mức kỷ lục như những tháng cuối của năm 2019.
Lý giải nguyên nhân lợn tăng giá trong vài ngày gần đây, các tiểu thương đều cho rằng sau Tết Nguyên Đán do khan hiếm nguồn cung sau Tết Nguyên Đán, cũng có khả năng thương lái găm hàng, tạo khan hiếm ảo để đẩy lên cao. Tiểu thương lo ngại nếu tình trạng khan hiếm còn kéo dài, giá lợn hơi có thể sẽ lập đỉnh mới.
Về vấn đề này, trao đổi trên Báo Giao Thông, ông Tường, Chủ tịch HTX Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội) nhận định: Thịt lợn tăng giá một phần do thiếu nguồn cung, vì người dân không tái đàn nhiều, các trang trại lớn cũng chỉ mới tái đàn cầm chừng. Hơn nữa, đàn lợn tái đàn cũng chưa đủ lớn để xuất chuồng bởi thông thường sau Tết lứa lợn mới xuất chuồng vào tháng 3-4 khi đó nguồn cung sẽ bớt căng thẳng hơn.