Sáng nay (26/10), giá vàng trong nước vẫn duy trì đỉnh cao sau 1 tuần tăng liên tục. Giá USD cũng "nổi sóng" theo giá vàng. Vì sao nhịp tăng của vàng và USD lại đồng điệu?
Vàng tăng vì mất cân đối cung cầu
Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,9 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết 88 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn 87 - 88,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Vàng miếng SJC tăng mạnh trong vòng 4 tháng qua.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.747 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng mạnh trong 2 tuần qua theo giá thế giới và nhu cầu vàng vào cuối năm.
Những ngày này, tại nhiều cửa hàng, người dân khó mua được vàng nhẫn vì các đơn vị bán vàng luôn trong tình trạng hết vàng. Trong khi đó, việc đặt mua vàng miếng SJC trực tuyến cũng khó khăn diễn ra nhiều tháng nay.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, bản chất giá vàng cao là do cung - cầu. Theo đó, việc cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng góp phần làm cho cung - cầu cân bằng, giá sẽ giảm xuống.
Giá USD tự do tăng cao, ngân hàng lên kịch trần
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.255 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm trước.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá ở mức 25.197 - 25.467 đồng/USD mua vào - bán ra.
Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường chợ đen mua vào USD 25.700 đồng/USD, bán ra 25.800 đồng/USD.
Thực tế, tỷ giá đã bắt đầu rục rịch chu kỳ tăng kể từ cuối tháng 9. Song, mãi đến giữa tháng 10, tỷ giá mới thực sự bắt đầu “nhảy vọt”.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng hơn 800 đồng. Còn so với đầu năm, mỗi USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 1.000 đồng.
Tỷ giá USD nổi sóng trở lại.
Tỷ giá VNĐ/USD đang chịu tác động kép từ thế giới lẫn trong nước. Chỉ số DXY (đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) tăng 2,4% từ đầu tháng 10, lên 104 điểm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc của AFA Capital - nhận định, tỷ giá đã trở thành mối quan tâm trong 2 tuần trở lại đây và chỉ số DXY đang ở một mức rất căng thẳng đối với tỷ giá của Việt Nam.
“Trước đó, nhiều nhận định cho rằng lần hạ lãi suất đầu tiên trong năm 2024 của Mỹ đồng nghĩa với điều lo lắng nhất đã qua, tỷ giá sẽ dần ổn định và lãi suất trong nước có thể sẽ giảm thêm để hỗ trợ cho nền kinh tế. Thế nhưng, rõ ràng là còn nhiều điều để bàn và chúng ta phải quan sát tỷ giá trong một ‘bức tranh’ lớn hơn”, ông Tuấn nói.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất trong tháng 9 vừa qua song các quốc gia khác cũng đang hạ lãi suất với tốc độ nhanh hơn và nhiều lần hơn. Đơn cử như khi Fed giảm lãi suất 50 điểm thì từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất tới 3 lần với tổng cộng 110 điểm, đưa lãi suất về mức 3,4%/năm. Nhờ đó, giá trị của đồng bạc xanh, dù đã giảm, vẫn cao hơn so với đồng euro. Điều này tương tự với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong khi đó, dù chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là tăng lãi suất nhưng tốc độ tăng lãi suất của ngân hàng này không hề nhanh. Giá trị của yên Nhật so với đồng USD cũng không tăng cao như kỳ vọng trước đó.
“Nói như vậy để thấy rằng, dù Mỹ hạ lãi suất nhưng sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền trong rổ DXY và các đồng tiền khác không hề giảm. Áp lực tỷ giá USD/VNĐ theo đó cũng vẫn sẽ là vấn đề”, ông Tuấn nói.
Nhận định về tỷ giá trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng áp lực tỷ giá USD/VNĐ sẽ là vấn đề mà Việt Nam phải đối diện trong dài hạn. Thêm vào đó, khi tỷ giá còn đang chịu nhiều áp lực thì lãi suất cũng sẽ khó có thể giảm thêm.