Bên cạnh kết quả ca mổ còn một chi tiết khác cũng khiến nhiều người chú ý và tò mò khi theo dõi cuộc đại phẫu thuật tách rời hai bé sơ sinh bị dính liền.
Ngày 15/7, cuộc đại phẫu thuật tách rời hai bé song sinh dính liền Trúc Nhi và Diệu Nhi đã nhận được đông đảo sự quan tâm của dư luận cả nước.
Ngoài diễn biến ca mổ, một chi tiết gây chú ý với nhiều người theo dõi cuộc đại phẫu của Trúc Nhi và Diệu Nhi là dấu chấm tròn màu xanh, đỏ được dán trên trán của hai bé khi bước vào phòng mổ.
Trúc Nhi dán dấu chấm màu đỏ. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP
Diệu Nhi dán dấu chấm màu xanh. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP
Một số người cho rằng đây là cách các bác sĩ đánh dấu để phân biệt 2 bé vì Trúc Nhi và Diệu Nhi rất giống nhau. Tuy nhiên thực tế đây là cách để các bác sĩ, y tá phân chia công việc trong quá trình diễn ra ca mổ.
Theo đó, êkip mổ có hơn 90 người, ngoài 30 chuyên gia thì hơn 60 y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên bệnh viện Nhi đồng TP sẽ được chia thành 2 tốp, 1 dán sticker màu xanh và 1 dán sticker màu đỏ. 2 top sẽ làm việc chung trong ca mổ tách dính.
Sau khi hai bé được tách rời thành công sẽ lập tức phân chia ra thành 2 êkip khác nhau theo đúng màu trên áo. Những y bác sĩ dán sticker màu đỏ sẽ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cho bé Trúc Nhi, còn những ai dán sticker màu xanh sẽ giúp tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cho bé Diệu Nhi.
Trên áo của các bác sĩ tham gia ca đại phẫu thuật cũng được dán những dấu chấm màu xanh, đỏ nhằm phân chia công việc. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP
GS.BS Trần Đông A, 1 trong 9 cố vấn của ca mổ đã có những chia sẻ với báo chí sau khi rời phòng mổ, trên áo của ông có gắn cả sticker màu xanh và màu đỏ. Nghĩ là GS.BS Trần Đông A liên tục có mặt ở hai phòng mổ của Trúc Nhi và Diệu Nhi để theo dõi ca mổ.
Diễn biến mới nhất, ca phẫu thuật tách rời của Trúc Nhi và Diệu Nhi đã thành công tốt đẹp. Lúc 18h40 Trúc Nhi đã được ra phòng hồi sức trước.
Trong khi đó, bé Diệu Nhi tiếp tục được các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng và khâu vết mổ, bó bột.
Hiện tại thì hai chị em đều đã được ra khỏi phòng mổ. Trúc Nhi và Diệu Nhi được chuyển khoa Hồi Sức Ngoại an toàn và tiếp tục được theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe sau mổ.
Trao đổi về ca phẫu thuật, Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, người trực tiếp cố vấn, tham gia ca mổ cho biết, ca mổ đã diễn ra đúng dự tính.
Được biết, 32 năm trước, bác sĩ Đông A là trưởng kíp mổ, phẫu thuật viên chính trong việc mổ tách ca song sinh dính nhau Việt - Đức. Ông rất hạnh phúc vì những thành công mà mình thực hiện được cho bệnh nhân.
Các bác sĩ hoàn thành công đoạn tách hai bé. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp luật
Bác sĩ Đông A chia sẻ: “Tôi từng trải qua 1 ca mổ khó tách 2 bé song sinh tương tự, tại thời điểm khó khăn nhất của đất nước, chỉ khâu không có, kháng sinh thuốc sát trùng da không có. Thế mà chỉ với sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, chúng ta thành công một ca cực kỳ khó, so với cả thế giới. Ca mổ đã được ghi vào từ điển Guinness thế giới.
Đó là ca mổ đầu tiên trên thế giới, cháu bé đã bị bại não, mà bại não lâu như Việt - Đức là lịch sử chưa ai làm. Khi ta làm xong người Mỹ mới làm theo. Đến nay với ca tách song sinh 2 bé gái, so với ca Việt - Đức có thuận lợi hơn”.
Bày tỏ niềm vui khi được tham gia ca mổ, bác sĩ Đông A cho biết: "Trước đây, tôi là trưởng kip mổ, bây giờ học trò của tôi là trưởng kíp mổ. Tôi vẫn đủ sức khỏe cố vấn từ sáng đến giờ cho ca mổ này. Tôi rất hào hứng khi tham gia ca mổ, để mang lại cuộc sống bình thường cho các cháu. Và chúng tôi hạnh phúc vì ca mổ đến giờ này có thể nói là thành công".
Hơn 1 năm trước, vào sáng 7/6/2019, hai bé gái “song thai dính vùng bụng chậu” được các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương mổ sanh an toàn. Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục, hiện 2 bé nay đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, đủ điều kiện sức khỏe cần thiết để được tách dính.
Ngành Y tế TP. đã huy động 93 nhân viên, bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên bệnh viện Nhi đồng TP hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn thành phố như: bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện Nhi đồng 2; bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, bệnh viện Mắt, bệnh viện Xuyên Á và bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết.