Giải mã hành vi tàn độc của bà đầu độc cháu nội ở Thái Bình: Kịch bản tội ác

Ngày 08/08/2020 20:45 PM (GMT+7)

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao việc việc bà nội đầu độc cháu nội bị bại não ở Thái Bình bằng cách pha thuốc độc vào sữa. PV đã trao đổi cùng các chuyên gia để giải mã hành vi này dưới góc nhìn của các nhà tâm lý học, các nhà văn hoá, chuyên gia pháp lý.

Giải thoát cho ai?

Như đã đăng tải, ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã ra Lệnh tạm giữ đối với bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969) ở thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP. Thái Bình để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Theo đó, bà Mỹ Lệ đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh mới một tuổi. Chử Thị Mỹ Lệ bước đầu khai nhận, bà ta pha thuốc chuột vào sữa cho cháu nội uống vì muốn 'giải thoát' cháu khỏi cảnh đau ốm liên miên do các chứng tật bẩm sinh hành hạ mỗi ngày. Được biết, bà Lệ đã 2 lần cho cháu uống thuốc diệt chuột và hành vi đấy khiến cháu nội nguy kịch phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. May mắn với cháu bé là đến chiều ngày 5/8, sức khỏe đã được ổn định và được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện Nhi Thái Bình khi Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu ổn định.

Giải mã hành vi tàn độc của bà đầu độc cháu nội ở Thái Bình: Kịch bản tội ác - 1

Công an thành phố Thái Bình đã ra lệnh tạm giữ với bà Chử Thị Mỹ Lệ .

Khi được hỏi, dưới góc độ tâm lý tội phạm, có thể lý giải người bà vì sao lại hành động điên rồ và tàn độc đến như vậy? Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên, Khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm: “Dù đứng trên phương diện pháp luật hay xã hội,hành vi này cũng cần được xử lý nghiêm minh, dù gì chúng ta cũng phải làm theo chuẩn mực của xã hội. Đứng trên phương diện nhân văn, hành vi của một người trưởng thành, một người bình thường, mà lại là bác sĩ lại đầu độc một đứa trẻ có số phận đáng thương, thiệt thòi và là máu mủ của mình, thì khó nhận được sự cảm thông của mọi người. Tuy nhiên, tôi cũng muốn mọi người nhìn nhận khía cạnh tâm lý, trên một góc độ nữa, đó là phải đặt mình vào hoàn cảnh đó mới thấy được là những người có người thân bị những thiệt thòi do bẩm sinh thì có nhiều áp lực, khó khăn, tuy nhiên đó chỉ là một phần, bản chất vẫn là sự độc ác và ích kỷ của người bà độc ác.”

Giải mã hành vi tàn độc của bà đầu độc cháu nội ở Thái Bình: Kịch bản tội ác - 2

Bà Lệ từng là Phó khoa sản của một bệnh viện huyện thuộc Thái Bình.

Tiến sĩ Đỗ Tất Thiên chia sẻ thêm: “Giá như trong những trường hợp bị áp lực, căng thẳng, có diễn biến tâm lý không có lối thoát mà những người như vậy có sự hỗ trợ, chia sẻ về tâm lý một cách chuyên nghiệp, hay hoạt động về tâm lý mang tính chất phòng ngừa từ trước sẽ không có chuyện đau lòng như vừa qua. Tôi rất tiếc là trong thời điểm căng thẳng như vậy,bà ta không có người đồng hành, hỗ trợ. Có người cho rằng người bà ích kỷ, có người cho rằng bà ta sĩ diện với xã hội… đó chỉ là những phỏng đoán, dù có nói đúng thì sự việc đã xảy ra rồi. Tôi cho rằng, ở góc độ nào đó người phụ nữ này cũng là một dạng không chịu được áp lực xã hội, gia đình, cũng như những căng thẳng về tâm lý… Song dù thế nào, thì hành động của người bà này cũng không thể tha thứ được và phải bị trừng trị…”.

Không thể ngụy biện cho tội ác

Nói về hành vi của người bà thản nhiên ra tay đầu độc cháu đến 2 lần, nhà văn trẻ Mèo Xù (Thắm Nguyễn) nhìn nhận dưới góc độ xã hội đương đại: “Chúng ta không thể ngụy biện rằng hành động của bà ta là đáng trách nhưng cũng đáng thương. Vì đó là hành vi nhẫn tâm và độc ác. Theo như tôi hiểu một số ý kiến trên mạng cho rằng bà ấy đang muốn giải thoát cho đứa cháu mình, và giải thoát cho chính bà ấy, cho chính gia đình bà ta. Nếu nói là vì sĩ diện, chắc là không phải, nhưng mà chắc chắn là muốn chối bỏ gánh nặng và sự vất vả. Tôi chắc chắn hành vi này là vì bà ấy muốn bỏ bớt đi gánh nặng bản thân phải chăm sóc một người bệnh tật. Do đó hành vi tàn độc này là là vì cá nhân bà ấy vì sự ích kỷ, độc ác của bà ấy nhiều hơn.

Giải mã hành vi tàn độc của bà đầu độc cháu nội ở Thái Bình: Kịch bản tội ác - 3

Tác giả Thắm Nguyễn - Mèo Xù.

“Bản chất chúng ta sinh ra ai cũng muốn chúng ta khỏe mạnh, bố mẹ sinh con ra càng muốn hơn. Nhưng không thể vì mình khỏe mạnh, bình thường mà cho phép mình có quyền được tước đoạt đi mạng sống của người yếu thế hơn. Xã hội không chỉ vận hành theo cách mọi thứ phải đúng. Tôi luôn nghĩ một trong những nghĩa vụ và trách nhiệm của những người khỏe mạnh hơn, đó là phải bảo vệ những người yếu thế hơn mình. Đừng oán trách và đừng đổ lỗi cho người mẹ là tại sao lại sinh một đứa bé như thế ra đời. Đáng sợ nhất chính là việc nhiều người cho rằng hành động của bà nội đó là có thể hiểu được và thương cảm được. Xã hội càng hiện đại con người càng phải tìm ra cách để chăm sóc giải quyết những vấn đề cho người kém may mắn khi không may sinh ra bị khuyết tật, họ có cơ hội được sống như người bình thường” – Tác giả Thắm Nguyễn bình luận.

Giải mã hành vi tàn độc của bà đầu độc cháu nội ở Thái Bình: Kịch bản tội ác - 4

Chuyên gia tâm lý – giáo dục Đào Ngọc Cường.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia tâm lý – giáo dục Đào Ngọc Cường bày tỏ: “Cũng giống như mọi người, tôi hoàn toàn lên án hành động tàn nhẫn đó của người bà trong vụ án này. Tuy nhiên, dưới góc độ là một chuyên gia tâm lí, trước mỗi sự việc xảy ra, tôi thường có sự đánh giá, phân tích đa chiều, nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ và khách quan nhất. Xét về mặt đạo đức có thể thấy, đây là hành động của một người máu lạnh và vô cảm, thú tính. Người phụ nữ hành động có chủ ý khi chuẩn bị cả một kế hoạch để giết chết cháu bé một cách từ từ và rất bài bản. Đây là hành động không thể chấp nhận được giữa con người với con người chứ chưa nói đến giữa họ có quan hệ máu mủ. Về mặt pháp luật, đây là hành động cố ý hãm hại người khác đẩy họ đến sự nguy hiểm về tính mạng, điều này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Có thể nói, xét về mọi phương diện đây là một hành động đáng lên án và phải bị trừng trị thích đáng.

Tuy nhiên, hầu hết dư luận mới chỉ nhìn vụ việc ở góc độ hành vi mà người phụ nữ ấy làm với cháu mình. Rất ít người quan tâm đến những áp lực tâm lí mà người phụ nữ đó thường xuyên phải chịu về mặt thời gian, sức khỏe và đặc biệt là tâm trạng khi phải chăm một cháu bé đa dị tật bẩm sinh. Bản thân cha mẹ cháu còn quá trẻ đã không thể chịu nổi áp lực buộc phải gửi cháu về quê cho bà chăm sóc. Điều cuối cùng tôi muốn nói là mọi đứa trẻ dù có thể nào vẫn xứng đáng được đón nhận tình yêu thương. Với những cháu bé thiệt thòi không may mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh bại não càng đáng được nhận yêu thương hơn nữa. Trong bất kỳ tình huống nào các con đều có quyền sống và cần được chăm sóc chữa trị tận tình. Một bác sĩ lương tâm và lương y đều không được phép đầu độc giải thoát như vậy. Chỉ được phép cứu người và làm hết khả năng của mình”.

Đủ yếu tố cấu thành tội giết người với tình tiết tăng nặng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối phân tích: “Sự việc này là một bi kịch. Đây là một gia đình có nền tảng, nghi phạm cũng là người có giáo dục, là đảng viên, là bác sĩ có vị trí trong cơ quan công tác. Với địa vị như vậy, nghi phạm đáng lẽ phải hiểu rõ về luân thường đạo lý, hiểu rõ về ý đức của bác sĩ vậy mà bà lại nhẫn tâm đầu độc chính cháu nội, người được con trai bà tin tưởng để cho mẹ mình chăm sóc.

Về mặt chủ quan: Bà Lệ cố ý nhằm sát hại cháu bé, thể hiện rõ qua việc dù bà thừa khả năng biết sự nguy hiểm của thuốc chuột nhưng cố ý đầu độc trẻ nhỏ còn non nớt, cố ý kết liễu mạng sống đứa trẻ đến 2 lần. Về mặt khách quan: Cháu bé là trẻ nhỏ 1 tuổi, có khuyết tật bẩm sinh, hoàn toàn dựa vào người chăm sóc, không thể tự bảo vệ mình. Nghi phạm lại là người trực tiếp chăm sóc nhưng lại dùng thủ đoạn tinh vi để đầu độc sát hại cháu bé, không những thế bà còn cố ý đạt được mục đích của mình bằng việc đầu độc lần thứ hai khi cháu bé đã được đưa đến bệnh viện. Đây đều là những tình tiết có thể tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Về chủ thể thực hiện tội phạm: Bà Lệ là bác sĩ, là đảng viên lâu năm, phải hoàn toàn hiểu rõ về quy tắc pháp luật và đạo đức nhưng lại có hành vi phạm tội nghiêm trọng trên”.

“Như vậy, hoàn toàn có căn cứ để xác định hành vi của bà Lệ là hành vi giết người với mức độ nguy hiểm cao do có nhiều tình tiết tăng nặng. Đối với tội Giết người, hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm, trong trường hợp này, cháu bé may mắn vẫn sống nên bà Lệ sẽ đối mặt với tội Giết người nhưng chưa đạt. Người phạm tội giết người chưa đạt có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù. Từ lời khai ban đầu, của bà Lệ cho rằng vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình, giải thoát cuộc đời khổ cực sau này, suy nghĩ này quả thực là vô cùng ích kỷ. Đứng trên cương vị là một bác sĩ trách nhiệm là cứu người thế nhưng bà Lệ lại có thể đưa ra quyết định giết cháu của mình. Đây là hành động cực kỳ đáng lên án” – Luật sư Hùng chia sẻ.

Đại gia tặng nghìn tỷ cho tình cũ trước khi đến với tình mới là ai?
Vị đại gia này từng có cuộc chuyển giao tài sản giúp người vợ hiện tại trở nên giàu "khủng".
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h