Tìm đến những bản vùng sâu, vùng cao phía tây Quảng Bình, gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi mới hiểu thế nào là giá trị của sự dấn thân, cống hiến.
Ở đó, có những thầy cô giáo không quản ngại vất vả, thiếu thốn về vật chất, vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, miệt mài bên trang giáo án và từng ngày gieo chữ trên những bản vùng cao.
Vượt 50km đường rừng núi để “cõng” chữ
Từ trung tâm huyện Bố Trạch, để vào bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, chúng tôi phải vượt qua hơn 50km đường rừng với biết bao vực sâu, dốc đứng. Bản Cà Roòng nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao, heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn.
Thầy Nguyễn Văn Vinh, giáo viên trường THCS nội trú Thượng Trạch, khi chuẩn bị vượt rừng chia sẻ: “Mỗi chuyến đi tôi phải chuẩn bị mọi thứ từ gạo, nước, xăng dầu, rau, cá nhu yếu phẩm.. dùng trong khoảng gần 2 tuần. Khi hết, khoảng hơn nửa tháng sau tôi lại quay ra lấy”.
Các em học sinh đồng bào Ma Coong vượt dốc đến trường.
Khi đang đẩy chiếc xe máy qua một vũng nhão nhoét đầy bùn, thầy Vinh nói với chúng tôi: “Thế này chưa thấm vào đâu các chú à, phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ, vượt mấy con dốc nữa mới vào được tận bản. Đứng trên dốc mà nhìn người dưới dốc thì chỉ như con kiến đang lò bò dưới kia thôi. Mùa này đường đi còn đỡ, vào mùa mưa thì bùn lên tận nửa bánh xe. Các thầy cô không ra được, bà con các bản lại giúp vài bát gạo, con cá khô hay mấy nắm rau rừng sống tạm qua ngày”.
Chiếc xe máy của chúng tôi leo qua những con dốc cuối khi hoàng hôn vùng cao đại ngàn Trường Sơn vừa buông xuống. Trời nhá nhem tối, dừng chân tại điểm trường, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản.
Gọi là điểm trường nhưng thực ra đó chỉ là những căn phòng được dựng lên bằng vài miếng ván và phên nứa, phòng học này nối thông với phòng học kia. Những lớp học xiêu vẹo không đủ sức chống lại những cơn mưa rừng và cái gió lạnh của vùng cao. Những ngày mưa to, gió lùa, giáo viên và học sinh vẫn kiên trì bám lớp, bám trường.
“Giáo viên ở đây người ít nhất cũng gần 5 năm cắm bản dạy học nhưng cũng có thầy cô đã gần 20 năm theo nghiệp đi “gieo chữ” ở miền sơn cước. Đa phần chúng tôi đều nhà ở dưới xuôi nhưng vì tâm huyết với nghề nên ở lại đây mang con chữ đến với con em bản làng”, thầy Vinh tâm sự thêm.
Miệt mài cắm bản dạy học
Thượng Trạch là một xã vùng cao phía tây Quảng Bình với 18 thôn bản. Đa phần người dân ở đây là đồng bào người Ma Coong với cuộc sống rất khó khăn.
Con cái họ lớn lên là đi nương, đi rẫy chứ không ai nghĩ đến chuyện cho con đi học. Bởi theo cách nghĩ đơn giản của người dân, đi làm nương thì có hạt ngô, hạt thóc mà ăn chứ đi học làm sao mà “no được cái bụng”.
“Để mang cái chữ đến cho học sinh vùng cao, những thầy cô giáo cắm bản đã trở thành những người con của bản làng. Cùng ăn, cùng ở và cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của bà con dân bản và nói cho bà con thấy lợi ích lâu dài để cho con em đến lớp sau mỗi mùa nương rẫy”, thầy Nguyễn Viết Phương, Phó hiệu trưởng trường THCS nội trú Thượng Trạch cho biết thêm.
Thầy Nguyễn Vinh đang chuẩn bị gạo, thức ăn, đồ dùng hằng ngày để lên bản dạy học.
Các thầy cô kể, khi đến các dịp Lễ hội (ví dụ như lễ hội Đập trống) hay đến mùa nương rẫy, các lớp học lại “chết lâm sàng” do học sinh không đến học. Lớp phải tạm nghỉ nên các thầy cô lại chia nhau lên các bản vận động, nói chuyện để các em tiếp tục đến trường.
“Khó khăn là vậy nhưng khi thấy mấy học sinh người Ma Coong dưới cái lạnh căm căm vượt hơn mấy km đường đồi núi để đến với lớp trong sương sớm là chúng tôi không nỡ bỏ dạy, bỏ cái nghiệp đi gieo chữ của mình”, thầy Nguyễn Vinh, giáo viên trường nội trú Thượng Trạch bùi ngùi tâm sự.
Trăn trở với việc học nơi vùng cao, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, những thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thiếu thốn, tình nguyện ở lại nơi bản nghèo heo hút để mang cái chữ đến cho học sinh. Dẫu rằng, con đường đi tìm cái chữ của học sinh vùng cao còn nhiều gian nan, nhưng vẫn còn đó, hình ảnh những thầy cô giáo cắm bản, ngày ngày bám lớp, bám trường giữa heo hút đại ngàn.