Học sinh học không đúng tuổi, quần áo chỉ mặc một bộ suốt... cả tháng, cô giáo lặn lội đi bộ bằng đôi ủng trên đường bẩn suốt 3km đến trường, nhưng cả lớp chỉ có 4 em.
Những học trò lam lũ
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân, trường tiểu học Ea Sol, xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk nhận làm chủ nhiệm lớp 3B mới gần 4 tháng nay, nhưng tất cả tình yêu thương cô đều dành cho 21 học sinh của mình. Các em đáng thương, gia đình nghèo khổ, vất vả nên hôm nào đến trường đầy đủ cũng là món quà quý dành tặng cô.
Lớp của cô Xuân có 21 học sinh, trong đó có 20 em người dân tộc Ê-đê và 1 em dân tộc Gia Rai. Học lực của các em chủ yếu là trung bình khá. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 30% học sinh học đúng tuổi, số còn lại là lớn hơn 2, hoặc 3 tuổi.
Học sinh lớp 3B, trường tiểu học Ea Sol, xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk.
Một trong những chiếc ghế học sinh ở đây ngồi.
Sĩ số lớp là vậy nhưng các em lại nghỉ thường xuyên để đi chăn bò, thậm chí là đi chơi. Cô Xuân cho biết, cha mẹ các em làm nghề nương rẫy, trồng cà phê nên không quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Khi cô giáo gọi điện đến hỏi sao con không đi học thì phụ huynh bảo: "Mình đi rẫy, không biết". Có trường hợp cô Xuân thấy rõ ràng học sinh đang chơi đùa ngoài đường, cô gọi cho cha mẹ thì nhận được lý do: "Nó đau bụng đang ở nhà".
Giận học sinh là vậy nhưng thực lòng cô Xuân rất thương các em. Nhất là chuyện các em không có nhiều quần áo để mặc. "Ở lớp tôi, nhiều em đi học cả tháng chỉ có mỗi một bộ quần áo. Không như ở nơi khác các em có nhiều trang phục để thay đổi, học sinh ở đây dù trong lớp học, ở nhà hay đi chăn bò đều vẫn duy nhất mặc bộ quần áo đó. Quần áo thì chỉ mặc mỏng manh trong cái rét căm căm", cô giáo Xuân xót xa.
Cách đây mấy năm khi trường chưa xây, phải học ở nhà Rông của buôn, hai lớp học ngăn đôi bằng tấm bạt, cô giáo đang dạy bài khí thế thì tự nhiên học sinh nhao nhao bằng tiếng địa phương rồi chạy hết ra ngoài đứng nhìn. Cô giáo bực mình, nhưng cũng ra nhìn xem vì sao thì thấy chiếc ô tô 4 chỗ đi ở ngoài đường. Hóa ra các em chưa bao giờ được thấy ô tô.
Rồi một lần rủ các em về nhà dạy múa chào mừng ngày20/11, cô Xuân nấu thịt kho, cá chiên và canh thịt rau cải cho học sinh. Tới lúc ngồi vào mâm, các em tuyệt nhiên không ăn canh. Hỏi ra mới biết các em đã chán ăn, trong số 10 em thì chỉ có 1 em nói là có thêm thịt, cá, còn lại toàn ăn cơm với canh, mà canh ở đây là lá trong rừng mẹ đi rẫy hái.
Cô giáo đi bộ 3 km tới trường
Trường tiểu học Ea Sol cách trung tâm huyện Ea H'leo 20 km và cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100 km. Trường có 2 cơ sở và nơi cô Xuân dạy nằm trong buôn mới với 3 phòng học. Lịch học chia nhau theo từng khối: lớp 1, 2, 5 học buổi sáng, còn lớp 3, 4 học buổi chiều.
Không chỉ học sinh mà ngay cả cô giáo cũng khá vất vả trong việc đến trường. Cô giáo này cho biết muốn đến lớp dạy, nhiều hôm cô phải đi bộ 3 km. Điều đáng nói đường ở đây đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì ngập bùn nước, mùa khô thì ổ gà lởm chởm. Chính vì vậy, đôi ủng luôn là bạn đồng hành không thể thiếu của nữ giáo viên vùng cao.
Thế nhưng, công sức, tâm huyết của nghề giáo đôi khi "tan thành mây khói" vì có hôm cô vất vả đi đường lầy lội, đôi chân phồng rộp để đến trường thì lớp có đúng 4 em đi học.
Trong suốt 7 năm dạy ở trường, cô Xuân cũng gặp không ít... sự cố. Hãi hùng nhất là trò "phá hoại" xe máy. Có hôm dạy xong ra về, cô đi được một đoạn thì xe chết máy phải dắt bộ đường đèo. Hóa ra hôm đó xe máy cô Xuân bị khóa xăng. Một lần khác thì xe bị xì hơi, cô cũng phải dắt bộ 3km về nhà khi cân nặng của mình chỉ có 40kg. Một đồng nghiệp của cô Xuân cũng khóc dở mếu dở vì bị rút bugi.
"Học sinh mình ngoan, không dám chọc cô đâu, chỉ có các em tầm 13-15 tuổi bỏ học chạy vào trường nghịch dại. Nhiều hôm mình nhắc nhở ra ngoài cho các em học còn bị chửi lại bằng tiếng dân tộc. Nhiều lúc nản mà không biết phải làm gì", cô Xuân bày tỏ.
Học sinh đốt lửa sưởi ấm.
Rồi cô Xuân rưng rưng kể lại: "Ngày đầu đến trường dạy tôi 'choáng' nặng vì không như tưởng tượng, mặc dù hồi sinh viên đã đọc báo biết tình hình. Và điều còn đọng mãi trong tôi ở ngôi trường này đó là mùi... hôi đặc trưng của các em lâu ngày không thay quần áo. Cái mùi ấy giờ tôi đã quen và không còn phân biệt được mỗi khi bước vào lớp. Dù vậy, các em đáng yêu và đáng thương lắm. Hôm qua thôi, cô đi họp, lúc quay về trường thấy các em đang đốt lửa sưởi ấm. Tôi chỉ biết thốt lên câu 'Tội quá, học sinh của tôi".