Nam giảng viên gây tranh cãi dữ dội khi đưa ra quan điểm về việc học sinh lớp 12 xin review về một khoa hay môn học nào đó trước khi vào đại học là câu hỏi ngu xuẩn.
Mới đây, giảng viên tên Ng.Tr - hiện công tác tại một trường đại học Top đầu TP.HCM bất ngờ có chia sẻ gây tranh cãi về việc học sinh lớp 12 xin review về một khoa hay môn học nào đó trước khi vào đại học. Cụ thể, nam giảng viên viết: "Câu hỏi ngu xuẩn nhất trước khi vào đại học là: Xin review về một khoa nào đó, hay một môn nào đó. Nguyên nhân: Sinh viên giỏi rất ít đi trả lời những câu hỏi đó. Sinh viên thích trả lời những câu hỏi đó thường là sinh viên dở. Nó không chỉ học dở mà còn hận đời, bất mãn và thích la làng. Hầu hết người học dở thường thích chê trường, chê lớn. Chê bai là một cách để trả thù đời.
Combo: Học dở - thích chê - chán đời. Quý vị để ý coi đúng không? À quên, điều thú vị là: Khi sinh viên năm nhất chưa biết gì và được review từ một sinh viên hạng bét thì nó sẽ mang tâm lý đó. Nó sẽ tiếp tục học dở và trở thành hậu duệ của reviewer năm xưa, để năm nay nó sẽ trở thành một reviewer bất mãn mới. Vòng đời cứ thế mà tiếp tục".
Nam giảng viên chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân. (Ảnh chụp màn hình)
Ngay lập tức, hàng loạt sinh viên trong ngôi trường thầy Ng.Tr đang giảng dạy đã lên tiếng phản đối quan điểm trên. Một sinh viên giấu mặt gay gắt: "Là một sinh viên của trường, mình rất bức xúc khi đọc được những dòng phía trên. Ý thầy là các bạn học sinh sắp thi vào trường không được phép đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về cái khoa mà mình sắp theo đuổi 3-4 năm? Làm như vậy là “xuẩn ngốc”? Ơ, thầy muốn vào làm một công ty nào đó thầy có muốn đọc review từ chính những người đi trước hay không? Tụi nhỏ nó đi học, có thể nó chưa xác định được hướng đi thì chúng ta càng nên giải đáp, tư vấn và định hướng cho nó chứ. Nói như thầy bộ phận tư vấn tuyển sinh của các trường đại học tạo ra làm gì ạ?
Tới ý thứ 2, thầy nói sinh viên giỏi chẳng ai đi trả lời những câu hỏi đó. Cái này chắc thầy đang định nghĩa giỏi là học giỏi, điểm số cao? Thế thì thầy đang quơ đũa cả nắm rồi. Làm gì có vụ sinh viên học giỏi thì không được phép đi giải đáp thắc mắc cho đàn em. Thầy phải biết là họ làm điều đó trước hết vì muốn chia sẻ trải nghiệm thực tế của bản thân. Thầy nghĩ chỉ sinh viên học dở mới hay bày tỏ ý kiến về khoa, về trường hả thầy? Trời ơi! tụi em cũng 19 20 tuổi đầu rồi, thấy cái gì khồng đúng thì tụi em ý kiến thôi chứ đâu có nói xạo đâu thầy! Đồng ý là cũng có những thành phần hay đi bình luận dạo chê trường, chửi khoa, làm tụi nhỏ chưa thi vô đã nhụt chí, nhưng thầy cũng không nên đánh đồng rằng ai cũng như vậy.
Một sinh viên giấu tên gay gắt. (Ảnh chụp màn hình)
Cái thứ 3, sinh viên dở hận đời, bất mãn, la làng, thích chê trường chê lớp - đây rõ ràng lại là một câu “suy bụng ta ra bụng người” từ thầy. Điều quan trọng nhất em muốn nói là thầy đang làm giảng viên, khi sinh viên có ý kiến thì ít ra thầy cũng nên lắng nghe. Họ học dở nhưng cũng có lòng tự trọng và nhận thức chứ thầy, thấy gì đúng, gì sai, chưa hợp lý thì mình phải phản ánh để vấn đề được giải quyết. Ở trường đại học, sinh viên và giảng viên hoàn toàn bình đẳng với nhau, đều nên góp ý, lắng nghe và sửa đổi cho nhau...".
Thành viên Nguyễn Hữu Minh Huy bày tỏ: "Thầy này là đại đại diện, là thủ lĩnh, là biểu trưng của những tầng lớp sân si vô căn cứ mà hay thích nói đạo lí của trường. Từ thầy, có hàng ngàn sinh viên học hỏi theo, không chỉ kiến thức thức mà còn là cái tư duy khác thường của thầy. Thật ra, thầy đang cố tỏ vẻ là độc nhất nhưng nó đi ngược lại với cái quy chuẩn của nền đạo đức xã hội. Thầy không sai, thầy có thể phát biểu lập luận cá nhân nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả một bộ mặt của khoa, của trường, của ngành giáo dục Việt Nam. Vì tư duy của thầy là tư duy của chủ nghĩa cá nhân, điều đó được xem là kiêu ngạo, tự kiêu ở Việt Nam.
Thật sự thầy rất giỏi, cả chuyên ngành, lập luận nhưng cái thầy thiếu là sự đa chiều trong góc nhìn nhận sự vật, cuộc đời. Thầy đang đứng chỉ ở khía cạnh của thầy để đại diện cho những người cùng quan điểm, tư duy giống thầy phát biểu một ý kiến phiến diện, một chiều. Nhưng thầy ơi, núi này cao còn có núi cao hơn, thầy giỏi còn có người giỏi hơn. Thầy đừng tưởng đã đứng được trên đỉnh vinh quang khi nhiều sinh viên thần tượng cách dạy của thầy, kiến thức của thầy. Người thành công bao giờ cũng cũng muốn nhìn lên chứ không hề nhìn xuống rồi tự thỏa mãn với những gì mình đạt được".
Cựu sinh viên Phạm Khả Khoa Nguyên cho rằng thầy Ng.Tr không nên có những phát ngôn hằn học và công kích như vậy. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến, và nếu đó là vấn đề mà họ bức xúc thì họ hoàn toàn có quyền phê phán, chỉ trích, miễn là không dựng chuyện, bịa đặt là được. "Xin hãy nhớ cho rằng khi có người nhờ họ đưa ra ý kiến đánh giá về trường, về khoa tức là người hỏi muốn nghe những quan điểm, những trải nghiệm tức góc nhìn chủ quan của người trả lời. Nếu như vậy thì tại sao người trả lời không được phép chê bai những khiếm khuyết của trường, của khoa nhỉ? Sao lại phải gọi họ là "cay cú", "trả thù đời"? Mình là cựu sinh viên khoa, tốt nghiệp với điểm 8.21, tức là điểm của sinh viên giỏi đấy chứ không phải sinh viên dở đâu. Khi có ai nhờ mình đánh giá về trường, về khoa, mình cũng thẳng thắn chia sẻ những bức xúc của mình, ví dụ như tình trạng bị cho "leo cây" mấy tiếng đồng hồ khi đăng kí môn học chẳng hạn", Khoa Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số người đứng ra "bênh vực" nam giảng viên và cho rằng thầy chỉ "cực đoan xíu". Bởi nhiều khi vẫn đề không nằm ở nghĩa đen của lời nói mà là mục đích ẩn phía sau nó. Thậm chí, có sinh viên tên Hoai Bao Nguyen đã phản biện lại quan điểm của sinh viên giấu mặt ở trên. "Mình xin trích dẫn một số câu trong bài của bạn nhen.
1. Ý thầy là các bạn học sinh sắp thi vào trường không được phép đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về cái khoa mà mình sắp theo đuổi 3-4 năm? Làm như vậy là “xuẩn ngốc”?
Ở câu này bạn đang tự suy diễn câu gốc của tác giả bài đăng sang một ý nghĩa mới mà bạn mong muốn. Rõ ràng tác giả ghi là: câu hỏi ngu xuẩn… câu này là nhận xét của tác giả về việc xin review chứ không có cho phép/cấm đoán ai đó về việc xin review nhưng bạn lại suy diễn thành không được phép. Đó là ngụy biện.
2. Tụi nhỏ đi học có thể không xác định được hướng đi thì chúng ta càng nên giải đáp, tư vấn và định hướng cho nó.
Câu này mình không đồng ý với bạn vì chúng ta là sinh viên, mình có thể chia sẻ các thông tin mà trải nghiệm với các bạn nhỏ nhưng xin đừng định hướng. Bạn không chịu trách nhiệm được với cuộc đời của người ta đâu nên đừng định hướng cuộc đời họ rồi sau này người chịu trách nhiệm là chính họ chứ không phải mình.
3. Nói như thầy bộ phận tư vấn tuyển sinh của các trường đại học tạo ra làm gì?
Cái này thì mình biết nè. Nhiệm vụ chính của tư vấn tuyển sinh là nhằm giúp giải đáp thắc mắc cho các bạn học sinh đối với trường cũng như thực hiện chiến lược tìm kiếm học viên cho trường mình. Nói trần ra là vẫn có nhiều trường vì sợ không đủ kpi nên vẫn cài người tung quả mù cho các bạn học sinh đấy bạn. Cái này mình thấy rồi đấy. Hồi trước lúc còn là học sinh lớp 12 mình cũng bị như vậy. May mà tỉnh táo nên giờ mới vào trường mình nè.
4. Tới ý thứ 2, thầy nói sinh viên giỏi chẳng ai đi trả lời những câu hỏi đó. Cái này chắc thầy đang định nghĩa giỏi là học giỏi, điểm số cao? Thế thì thầy đang quơ đũa cả nắm rồi.
Bạn đang tự suy diễn nữa đó. Sinh viên giỏi và sinh viên học giỏi, điểm số cao là hai khái niệm không đồng nhất với nhau nên khi chưa rõ ý đồ của tác giả là gì mà bạn vội kết luận. Như vậy là có phần vội vàng, dẫn đến những lập luận sai trái về sau.
5. Làm gì có vụ sinh viên học giỏi thì không được phép đi giải đáp thắc mắc cho đàn em.
Với mình, nếu muốn người khác tin lập luận của mình là đúng thì trước tiên mình phải tin mình trước. Khi viết câu này bạn có tin mình viết đúng không chứ mình thấy hơi kì kì. Câu gốc của tác giả trong bài là “sinh viên giỏi rất ít đi trả lời…” nhưng bạn lại suy ra là sinh viên giỏi không được đi giải đáp. ...".
Về phía thầy giáo Ng.Tr, sau khi sinh viên có những tranh cãi về quan điểm của thầy, thầy không có động thái nào mới. Thậm chí, thầy không gỡ bài đăng trên trang cá nhân.
Hiện quan điểm ấy vẫn thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng, nhất là sinh viên tại ngôi trường thầy Ng.Tr công tác.