Tin "Bão số 13 vào Khánh Hòa, vớt được một lúc 27 xác người" ...được lan truyền chóng mặt, khiến người dân hoang mang cực độ hóa ra chỉ là tin đồn. Người ta đòi phải trừng phạt kẻ tung tin đồn ác ý nhưng thiết nghĩ, trước hết mỗi người hãy cho mình "quyền được thông minh" từ.. chiếc điện thoại.
Anh bạn nối khố của tôi, một người “có điều kiện”, xe hơi nhà lầu đủ cả nhưng bao năm nay vẫn trung thành với loại điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi, nhắn tin. Dù có được người ta tặng những điện thoại hiện đại thời thượng nhưng anh vẫn kiên quyết không dùng.
Thỉnh thoảng còn mỉa mai trêu bọn tôi “Tao thông minh sẵn rồi nên dùng “phôn ngu” là đủ, chỉ chúng mày mới phải dùng “phôn khôn” để hỗ trợ”.
Thời bao cấp, phần lớn nhu cầu vật chất của mọi người đều được nhà nước cung cấp theo định mức qua tem phiếu. Cái gì cũng có nhưng chả bao giờ có đủ.
Nhiều khi chỉ cần các cửa hàng mậu dịch quốc doanh có hàng cung cấp về, nhoằng một cái là đã hết sạch, ai chậm chân là khỏi mua và nếu muốn mua ở thị trường tự do thì phải gấp bốn năm lần. Tiền đâu ra!
Vì vậy nhu cầu nắm bắt thông tin, lúc nào, hàng gì, về cửa hàng nào là cực kỳ quan trọng. Biết vậy nên bọn trẻ con chúng tôi hay lợi dụng tung tin để lỡm người lớn làm trò vui.
Cả lũ thống nhất với nhau một nội dung, sau đó cùng chạy ùa về các nhà với thái độ cuống quít rồi đứng trước cửa nhà gọi rối rít: “Bố mẹ ơi đưa con phiếu thực phẩm. Cửa hàng X có thịt/cá… vừa về. Nhanh nhanh kẻo lại hết”.
Hàng xóm nghe thấy thế thì cũng vội vã xách làn xách phiếu lao đi luôn, người nào cẩn thận hơn thì ra nghe ngóng lại, nhưng thấy cả mấy đứa liền cùng thái độ như nhau, lại thấy cả những người lớn khác đang tất bật xách rổ chạy đi thì tin quá nên cũng vội bổ theo. Lũ trẻ con ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Bây giờ, khi hệ thống thông tin liên lạc thuận tiện, gần như ai cũng có điện thoại, “phôn khôn” lướt mạng nhoay nhoáy, thông tin các loại ngập tràn, ấy vậy mà tình trạng “tái mù thông tin” lại trở lại.
Bây giờ, khi hệ thống thông tin liên lạc thuận tiện, gần như ai cũng có điện thoại, “phôn khôn” lướt mạng nhoay nhoáy, thông tin các loại ngập tràn. (Ảnh minh họa)
Rõ ràng chỉ cần ngồi một chỗ, mở cái điện thoại lên là người ta dễ dàng biết được từ giá thịt giá gạo ngoài chợ, chiến tranh đang nổ ra ở đâu, thậm chí một cô minh tinh màn bạc nào đó đã kịp chia tay anh bồ thứ mấy chục…
Ấy vậy mà mọi thứ cứ mơ hồ như vừa ăn xôi vừa đọc tin trên… giấy gói. Chả thiếu người chỉ cần đọc một cái tít, cẩn thận hơn thì thêm mấy dòng phi lộ là coi như đã đọc cả bài báo, rồi hăng hái lên mạng xã hội “chém gió”.
Nhiều người khác thấy vậy thì chắc mẩm “Ờ chắc thằng này đọc rồi”, vậy là chỉ cần nhấp ngón tay mấy cái, thông tin tiếp tục được nhân rộng, thậm chí với một thái độ hân hoan như đang mang trọng trách đem thông tin đến cộng đồng…
Điển hình như vụ tin đồn “Bão số 13 vào Khánh Hòa”, vớt được một lúc 27 xác người, vỡ hồ Đá Bàn.. đang khiến người dân hoang mang cực độ. Người ta nhanh nhảu chia sẻ một cái link báo bão với những status đầy lòng trắc ẩn, thương xót cho bà con phải chịu “bão chồng bão”… mà thậm chí chẳng buồn click vào link để biết cái tin đó từ năm 2013. Cứ vậy người nọ truyền người kia đến khi nháo nhào hết cả…
Người ta đang kêu gọi truy tìm kẻ tung tin đồn để trừng phạt, nhưng tôi nghĩ giống như nhiều vụ việc khác, có thể xuất phát đầu tiên chỉ là một trò đùa vô ý thức của ai đó. Nhưng rồi cái sự đọc vô ý thức và chia sẻ thông tin vô ý thức của những người khác đã mang đến hậu quả này.
Chắc chắn đây cũng chưa phải vụ việc cuối cùng nếu người ta vẫn tự nguyện “mù thông tin” trong thời đại thông tin.
Hãy giành lại quyền được thông minh từ cái điện thoại.