Theo tài liệu vừa được Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố, hiện số lượng trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang báo động, bởi cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng.
Theo PGS.TS Lê Doanh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, số liệu năm 2015 cho thấy tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%.
Vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đang còn tồn tại. Theo đó, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Có 43% trẻ em dưới 2 tuổi (tức là trong 1000 ngày vàng đầu đời) bị thiếu máu do đói nghèo. Cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị thiếu máu, chủ yếu tập trung ở miền núi do thiếu sắt.
Theo ông Tuyên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị. Nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ,... dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng...
Ngoài ra, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai - Viện Phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, hiện nay bữa cơm của người Việt đã thay đổi, tuy nhiên lại thay đổi theo hướng năng lượng, thiếu vi chất cần thiết, đặc biệt như canxi, sắt, kẽm, iot.
PGS TS Lê Bạch Mai thông tin về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, mà diễn ra âm thầm và không có các dấu hiệu để nhận biết. Với trẻ nhỏ, thiếu vi chất thì cơ thể trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng nên các phụ huynh dễ bỏ qua.
Trong khi đó, nguồn dự trữ các vi chất dinh dưỡng này trong cơ thể đang bị sử dụng dần, cho đến khi xảy ra tình trạng bệnh lý đặc hiệu thì thường đã là giai đoạn muộn.
Để nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt, PGS Mai cho biết, rất cần sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành. Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp nhằm nuôi trồng, bảo quản và chế biến sản phẩm nông-ngư nghiệp, tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn.