Giàu bất thường có thể bị xử lý hình sự

Ngày 12/06/2014 10:40 AM (GMT+7)

"Không chứng minh được nguồn gốc tài sản, kê khai tài sản rắc rối có thế bị truy tố", Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói.

Sáng 12/6, trước câu hỏi và gợi ý của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay: "Cảm ơn đại biểu. Mỗi khi xử các vụ đại án tham nhũng không khí người dân phấn khởi nhưng anh em thì hành án rất lo".

Vị Bộ trưởng chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký tài sản thống nhất, minh bạch. Việc mua bán qua thẻ tín dụng chưa thực hiện nghiêm.

Bên cạnh đó, có sự cắt khúc nghiêm trọng trong các khâu tố tụng hình sự, điều tra, truy tố…; việc thi hành tách ra khỏi cơ quan thi hành án.

"Có lý do thi hành án theo quy định của luật phải theo đơn yêu cầu, ví dụ trong vụ Vinashin, khi bồi thường cho doanh nghiệp con cháu của Vinashin thì phải có yêu cầu của con, cháu. Nhưng con cháu không buộc ông trả số tiền đó, dù không phải ít", Bộ trưởng Cường dẫn chứng.

Giàu bất thường có thể bị xử lý hình sự - 1

Huỳnh Thị Huyền Như liên quan đến một vụ đại án mới được đưa ra xét xử.

Về hướng xử lý các bất cập, ông Cường dẫn việc nghiên cứu, đề xuất cùng Hiến pháp mới để hoàn thiện thể chế, tiếp nối, liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự  ngay khi bắt đầu khâu điều tra, truy tố như kê biên, phong tỏa tài sản; kết nối hoạt động tòa án với thi hành án dân sự.

Về chính sách hình sự, cần đổi mới thế nào với tội tham nhũng?

Trước câu hỏi này của đại biểu Đương, theo Bộ trưởng Cường, định hướng lớn trong việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự đã được ban soạn thảo đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã cho ý kiến. Đồng thời Ban Nội chính trung ương cũng đã làm việc với Bộ Tư pháp theo hướng bổ sung thêm các tội danh tham nhũng, nội luật hóa quy định quốc tế.

"Ví dụ, thêm tội làm giàu bất hợp pháp như không chứng minh được từ nguồn nào mà có tài sản, kê khai tài sản rắc rối; hay thêm tội tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân", ông Cường thông tin

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng tình việc sẽ truy tố pháp nhân, cụ thể doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong việc rửa tiền.

Trước đó, vào cuối buổi chất vấn chiều 11/6, đại biểu Đỗ Văn Đương cho hay, vừa qua cử tri rất hoan nghênh đã đưa ra truy tố xét xử rất nhiều đại án về kinh tế tham nhũng, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước và cho nhân dân. Riêng vụ Huyền Như đã tới 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Đương, cử tri cũng rất buồn vì thu hồi tài sản trong các vụ án này tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm phần nhỏ.

“Theo tổng kết chúng tôi theo dõi chỉ khoảng dưới 10%, còn phần lớn kia đi đâu? Có phải chăng cứ đi tù rồi xong. Vậy xin hỏi Bộ trưởng dưới góc độ là thi hành án dân sự trong vụ án hình sự này thì Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa công tác điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân?", đại biểu chất vấn.

Ở góc độ Trưởng ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Đương muốn biết quan điểm của Bộ trưởng Cường về chính sách hình sự đối với loại tội này như thế nào cho nghiêm minh. "Chẳng hạn như bổ sung vào hình phạt tù suốt đời để sống mà còn phải trả tiền, chứ không phải chỉ tử hình là xong hoặc đi tù là xong và phạt tiền phạt nặng” – ông Đương gợi ý.

29 luật, pháp lệnh còn nội dung hạn chế quyền con người, công dân

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhắc tới điều 159 Bộ Luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép và chất vấn về tính hợp hiến so với Hiến pháp mới ban hành. Đây là một trong các tội danh dẫn đến mức án 30 năm tù của bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong phiên xử hồi đầu tuần.

"Theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp mới, điều 159 Bộ Luật Hình sự về Tội kinh doanh trái phép có trái? Có nên bãi bỏ hay sửa đổi?" - đại biểu Phúc chất vấn.

Cũng liên quan tới nội dung quyền con người, quyền công dân, Phó chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ muốn biết quyền con người, quyền công dân còn bị hạn chế bởi bao nhiêu văn bản dưới luật và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, qua rà soát, hiện có 29 luật, pháp lệnh cần sửa đổi bổ sung để bảo đảo quyền con người, công dân.

Trong số đó, có 7 văn bản chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2015. Sắp tới, Bộ sẽ chính thức có ý kiến đề nghị bổ sung thêm, trong đó có vấn đề tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, Bộ trưởng Cường cho hay, kết quả kiểm tra văn bản trong báo cáo của Chính phủ tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội 13 hết hết 30/4/2014 phát hiện 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 5 phần nghìn tổng số văn bản ban hành), trong đó có 54 văn bản sai về nội dung. Trong đó, riêng từ tháng 10/2013 đến 30/4/2014 phát hiện 21 văn bản sai về nội dung.

Toàn bộ các văn bản này đều không vi hiến mà chỉ chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng. Trong số 54 văn bản sai nội dung thì 19 văn bản được sửa ngay.

Tuy nhiên, trên cương vị người đứng đầu ngành Tư pháp, ông Cường cho rằng, khi đã có Hiến pháp mới, nếu tiếp tục sai thì không thể chấp nhận được. Sắp tới, Bộ sẽ có báo cáo hàng tháng tại phiên họp của Chính phủ. 

Chốt lại phần chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, một khi đã có luật mẹ - Hiến pháp mới – thì phải tổ chức thi hành. Ông đề nghị căn cứ vào kế hoạch, Ủy ban Tư pháp giúp Quốc hội, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao thực hiện nghị quyết tổ chức thi hành Hiến pháp.

Trước con số 29 văn bản có vấn đề về quyền cơ bản về quyền con người, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu định kỳ báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. “Có kế hoạch, chương trình rồi nhưng nếu không tổ chức thực hiện rốt ráo thì hiệu quả thấp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Nguyễn Hưng (Zing.vn)
Nguồn:

Tin liên quan