Khi nào sự kì thị về việc không có con vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ, thì những người phụ nữ lớn tuổi sẽ còn liều mình bất chấp sức khỏe để làm mẹ.
Bà Rajo Devi Lohan sinh con vào năm 2008 khi đã 70 tuổi và là bà mẹ lớn tuổi nhất thế giới thời điểm đó. Sau ca sinh vào 8 năm trước, bà bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và trải qua 3 ca phẫu thuật nhằm cứu lấy tử cung, loại bỏ các khối u. Bà cũng hóa trị nhiều lần và mắc bệnh đau dạ dày.
Bà cho biết: “Bác sĩ chưa từng cho tôi biết bất cứ điều gì nguy hiểm đến tính mạng và tôi cũng không cảm nhận được điều đó”.
Những câu chuyện về các bà mẹ cao tuổi có con ở Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế trong những năm gần đây. Đáng chú ý là trường hợp cụ bà 72 tuổi đã lập kỉ lục thế giới khi sinh con vào tháng 4 vừa qua.
Bác sĩ phụ trách các ca sinh này khẳng định có con là quyền của mỗi phụ nữ bất chấp tuổi tác của họ. Tuy vậy, những vấn đề về đạo đức xoay quanh chủ đề này đang ngày càng được chú ý.
Các nhà phê bình chỉ trích những bác sĩ với mong muốn nổi tiếng đã đặt cuộc sống của các bà mẹ lớn tuổi, những phụ nữ trẻ hiến trứng cho đến trẻ em vào những mối nguy hiểm khôn lường. Ít nhất có hai phụ nữ trẻ đã tử vong sau khi hiến tặng trứng.
Rajo Devi Lohan cực kì ốm yếu sau khi sinh con ở độ tuổi 70
Em bé được sinh ra từ ống nghiệm lần đầu tiên 40 năm trước đây. Kể từ đó, ngành công nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ với hàng loạt phòng khám thụ tinh nhân tạo mở ra trên khắp quốc gia này. Các cặp vợ chồng đủ mọi lứa tuổi đã đổ xô đến các chuyên gia sinh sản với hy vọng có một em bé để tự tin rũ bỏ sự kì thị của xã hội khi không có con. Tại Ấn Độ, luật lệ hoặc hạn chế tuổi tác thụ tinh nhân tạo không hề tồn tại.
Al Jazeera đã đến thị trấn Hisar ở phía Bắc Ấn Độ và thăm Trung tâm Sơ sinh quốc gia, nơi đã giúp tạo ra những đứa trẻ cho các bà mẹ lớn tuổi nhất thế giới.
Con trai của Daljinder Kaur 72 tuổi, ra đời vào tháng 4 cũng được tạo ra tại trung tâm này. Bà Kaur lập gia đình cùng chồng đã 49 năm và giờ đây họ trở thành cha mẹ của bé Armaan, cái tên mang ý nghĩa “niềm hy vọng”. Bà nói: “Nhiều người đã khuyên tôi nên nhận con nuôi nhưng tôi chưa từng có ý nghĩ nhận nuôi con của bất kì ai khác. Thiên Chúa đã ban tặng món quà đầy vinh hạnh đó là đứa trẻ cho chúng tôi”.
Những vị bác sĩ coi mình là những vị thánh
Kaur xem con trai mình như một phép lạ từ Thiên Chúa và người giúp bà thực hiện điều này là Tiến sĩ Anurag Bishnoi. Nhà phôi thai học này tuyên bố đã giúp hơn 100 phụ nữ trên 50 tuổi mang thai. Ông khẳng định những phụ nữ lớn tuổi phải vượt qua kì kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bắt đầu làm thụ tinh nhân tạo.
Bishnoi cho biết: “Nếu đàn ông có thể có con khi đã 60 hoặc 70 tuổi, vậy tại sao phụ nữ lại không? Chúng tôi không thấy nguy cơ giữa phụ nữ trung niên và lớn tuổi có sự khác biệt lớn”.
Những người khác không đồng ý và cho rằng giới hạn độ tuổi là cực kì quan trọng để áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo bởi sức khỏe con người cần được xem xét thấu đáo.
Tiến sĩ Narendra Malhotra, chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Sinh sản Ấn Độ bày tỏ quan điểm “72 không phải là độ tuổi thích hợp để mang thai, có con tuổi này đồng nghĩa với việc đặt mạng sống mình vào nguy hiểm”.
Phòng khám thụ tinh nhân tạo của Tiến sĩ Bishnoi đang giúp những phụ nữ trên 50 tuổi mang thai
Bên cạnh những bà mẹ lớn tuổi, những người phụ nữ trẻ - người hiến tặng trứng đóng vai trò cực kì quan trọng trong ngành công nghiệp này. Không có họ, các ca sinh kỷ lục tại đây không thể diễn ra. Một đại diện phòng khám cho Al Jazeera biết ông và các đồng nghiệp không gặp bất kì khó khăn nào trong việc tuyển lựa người hiến trứng.
“Không có biến chứng nào trong quy trình này, phụ nữ sẽ được trả một khoản hậu hĩnh cho việc hiến trứng. Nếu làm việc trong nhà máy, họ chỉ kiếm được ít hơn 75 đô la Mỹ một tháng, và hiến trứng mang lại khoản tiền 525 đô la Mỹ cho họ”, người này chia sẻ với Al Jazeera.
Nhưng thật đau lòng, chi phí thực sự cho sức khỏe của người hiến trứng còn lớn hơn nhiều, thậm chí là cả mạng sống. Năm 2010, cô gái Sushma Pandey, 17 tuổi đã thiệt mạng tại Mumbai sau khi lấy trứng. Mặc cho quy định người hiến trứng ít nhất phải 18 tuổi, phòng khám lấy trứng này vẫn bình an vô sự.
Bốn năm sau đó, Yuma Sherpa 24 tuổi cũng chết tại Delhi sau khi hiến trứng. Người mẹ trẻ này quyết định hiến trứng để kiếm thêm tiền phụ giúp chồng và con gái nhỏ. Cô được hứa hẹn trả 448 đô la Mỹ nhưng cô đã mất trước khi nhận được khoản tiền này.
Khám nghiệm tử thi cho thấy người phụ nữ trẻ bị hội chứng quá kích buồng trứng xảy ra khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng liều cao nhằm sản xuất ra nhiều trứng hơn. Vikram Pradeep, luật sư biện hộ cho chồng Sherpa cho biết phòng khám đã lấy nhiều trứng hơn so với khuyến cáo, có khi lên đến con số 50.
Thần linh sẽ bảo hộ những đứa trẻ
Với những phụ nữ trở thành mẹ ở độ tuổi đáng ra đã lên chức bà, khao khát có con quá lớn đến nỗi những rủi ro với chính sức khỏe của họ không còn là mối quan tâm lớn.
Con gái Naveen của Lohan giờ đã 8 tuổi nhưng bà vẫn bị đau dạ dày triền miên và bác sĩ nghi ngờ nó có liên quan đến việc điều trị vô sinh và ảnh hưởng từ thời kì mang thai khi đã 70 tuổi.
Tiến sĩ Praveen Sharma nói: “Tôi cảm thấy những gì Lohan đã trải qua là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề sức khỏe hiện tại, bởi có em bé ở tuổi này đồng nghĩa những tác dụng phụ của thuốc kích thích là không tránh khỏi”.
Tiến sỹ Bishnoi phủ nhận trách nhiệm của việc điều trị vô sinh và mang thai đối với bệnh tật của Lohan.
Khi được hỏi ai sẽ chăm sóc cho đứa trẻ khi bà và chồng qua đời, Kaur nói: “Đừng nói chuyện này với tôi. Tôi không muốn nghĩ về nó… Chúa là người giám hộ cho con trai tôi”.