Thực trạng dạy và học ngoại ngữ một lần nữa lại khiến dư luận xôn xao bởi phổ điểm cực thấp của môn này được Bộ GD&ĐT công bố sau kỳ thi THPT quốc gia.
Phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi THPT quốc gia, trong đó phổ điểm ngoại ngữ chỉ đạt mức 3.3. GS đánh giá thế nào về con số này?
- Phổ điểm ngoại ngữ chỉ đạt 3.3 là đánh giá khách quan, phản ánh kết quả dạy và học ngoại ngữ nói chung còn kém. Ở một số đô thị lớn, HS có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn, nhưng có thể phần lớn các vùng khác dạy và học chưa tốt kéo phổ điểm chung của cả nước xuống.
Trong guồng quay của sự hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là yêu cầu rất quan trọng. Người lao động phổ thông cũng cần phải có ngoại ngữ mới có thể dịch chuyển lao động thuận lợi sang các nước khác.
Bộ GD&ĐT đã triển khai Chương trình quốc gia về dạy ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3 trở lên. Nhưng chương trình cũng mới được thực hiện vài năm nay. Phổ điểm 3.3 chưa phải là kết quả của chương trình này. Nhưng phổ điểm ấy cũng là lời cảnh báo để đổi mới cách dạy, cách học, sao cho kết quả thi những năm sau sẽ khá hơn.
Chắc chắn là cần có sự đầu tư đặc biệt cho môn ngoại ngữ, trong đó chú trọng đến những địa phương còn khó khăn.
- Tại cụm thi do trường ĐH Sư phạm Huế chủ trì có gần 12.000 bài thi tự luận bị điểm 0 trên tổng số hơn 15.000 bài thi, GS có thể cho biết tại sao số lượng bài thi bị điểm 0 phần tự luận lại nhiều đến thế?
Có rất nhiều lý do dẫn đến phần tự luận của học sinh bị điểm 0. Tuy nhiên, số lượng điểm 0 nhiều như cụm thi ĐH Sư phạm Huế thật khó giải thích. Bởi lẽ, học sinh học ngoại ngữ vài năm cũng phải viết được vài câu trong phần tự luận, chứ không thể bỏ trống hoặc viết câu không ra câu.
Phần thi trắc nghiệm khách quan có kết quả khá hơn vì mỗi câu hỏi thường cho sẵn một số đáp án để chọn; các đáp án này có thể giúp thí sinh nhớ lại kiến thức đã quên; đối với một số đáp án, thí sinh có thể suy luận để chọn đúng; và dù có “chọn liều” thì xác suất có câu trả lời đúng vẫn là 25%. Tuy nhiên, để làm được phần tự luận, HS cần có vốn từ, có khả năng viết câu cũng như phải nắm vững quy tắc ngữ pháp. Nếu không biết gì thì rất có thể các em bị điểm 0.
Việc quá nhiều thí sinh ở cụm thi này bị điểm 0 phần tự luận cho thấy cách dạy và học ngoại ngữ ở trường các em có lẽ không đúng hướng: chỉ chú trọng dạy đọc và ngữ pháp mà không chú trọng dạy nói, viết.
Vậy bước tiếp theo chúng ta nên làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa GS?
Trước hết, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Có thể bố trí tăng giờ học ngoại ngữ lên. Nhưng điều quan trọng là phải thay đổi phương pháp dạy và học theo hướng rèn luyện các kĩ năng giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) thay vì nặng về ngữ pháp. Việc đưa ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc cũng là một cách để thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ theo kiểu qua loa ở nhiều trường hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đổi mới việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ ở các trường sư phạm. Có nâng cao được trình độ giáo viên thì giáo viên mới đáp ứng được chương trình quốc gia về việc dạy ngoại ngữ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục là đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt. Nhiều người cho rằng để thực hiện được mục tiêu đó cần cho trẻ học ngoại ngữ từ các lớp mầm non. Theo GS nên cho trẻ học ngoại ngữ ở thời điểm nào là hợp lý?
Chương trình quốc gia về việc dạy và học ngoại ngữ đã xác định dạy ngoại ngữ cho trẻ từ lớp 3. Điều đó là hợp lý. Bởi lẽ, trẻ em cần nắm vững tiếng Việt trước khi học những thứ tiếng khác. Đại đa số trẻ em Việt Nam không có môi trường thường xuyên giao tiếp bằng ngoại ngữ. Do đó, dạy các em học ngoại ngữ từ các lớp mầm non sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, điều đó rất có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tiếng Việt của các em.
Đối với những trẻ em có môi trường giao tiếp thuận lợi thì bố mẹ cũng có thể cho con học sớm hơn, ví dụ: Học ở các trung tâm ngoại ngữ, các trường quốc tế. Nhưng học sớm cũng không bằng học chăm, học đúng cách. Nếu chăm chỉ và học đúng cách thì chỉ cần 9 năm học ngoại ngữ như hiện nay, các em cũng có thể sử dụng được ngoại ngữ.
Nhiều ý kiến cho rằng, với môn ngoại ngữ thì việc ra đề theo hướng trắc nghiệm chưa đánh giá hết thực tình hình học của thí sinh. Vậy theo GS, chúng ta nên ra đề thi theo hướng nào?
Đề tự luận có ưu điểm là đánh giá được kĩ năng viết, năng lực tư duy, cũng như hiểu biết của thí sinh. Đề trắc nghiệm khách quan thì có ưu điểm là đánh giá được toàn diện, khách quan, nhanh chóng, phù hợp với những kỳ thi đông người tham gia như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Việc kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan như hiện giờ là hợp lý.
Xin cảm ơn GS. TS về cuộc trò chuyện!