Một người Việt Nam đã bị kết án 13 năm tù về tội đột nhập máy tính của các doanh nghiệp Mỹ và ăn cắp thông tin nhận dạng cá nhân của khoảng 200 triệu người ở quốc gia này.
Theo báo cáo ngày 14/7 của Sở Tư pháp Mỹ, Ngô Minh Hiếu, 25 tuổi, đã kiếm được hơn 2 triệu đô la Mỹ sau khi bán các dữ liệu cá nhân đánh cắp cho các băng nhóm tội phạm mạng khác.
Theo Financial Times, Hiếu đã bị kết án trong một phiên tòa cấp quận ở New Hampshire cho các tội danh giả mạo, truy cập trái phép vào mạng máy tính bảo mật và đánh cắp thông tin. Hiếu đã bị bắt vào tháng 2/2013 khi anh nhập cảnh vào Mỹ.
Từ năm 2007 đến năm 2013, hacker này đã thực hiện các cuộc tấn công mạng máy tính của Mỹ tại chính ngôi nhà của mình ở Việt Nam. Hiếu đã đột nhập vào các hệ thống máy tính có bảo mật cao và thu thập thông tin bao gồm cả mã số an sinh xã hội, tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ tín dụng, tên, địa chỉ, số điện thoại và ngày sinh nhật của các nạn nhân.
Hacker Ngô Minh Hiếu, người vừa bị kết án 13 năm tù tại Mỹ.
Sau đó hacker này quảng cáo để rao bán các thông tin đã đánh cắp được trên các trang web. Các website đã đóng cửa sau khi Hiếu bị chính quyền Mỹ bắt.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí: “Cụ thể, Hiếu đã thừa nhận rằng mình đã đánh cắp quyền truy cập vào hệ thống PII (thông tin cá nhân) của 200 triệu công dân Mỹ. Và đã có hơn 1.300 người từ khắp nơi trên thế giới đã tiến hành hơn 3 triệu truy vấn trái phép thông qua các cơ sở dữ liệu của bên thứ ba”.
Trung tâm quản lý thu nhập quốc gia cho biết bọn tội phạm mạng sử dụng dữ liệu cá nhân trên các trang web mua được từ Hiếu để nộp tờ khai thuế thu nhập gian lận bằng cách sử dụng các thông tin từ 13.673 người Mỹ làm thất thoát khoảng 65 triệu đô la.
Trợ lý Tổng Chưởng lý Leslie Caldwell cho biết: “Tội phạm mua bán thông tin cá nhân bị đánh cắp gia tăng bởi vì chúng nghĩ rằng nguy cơ bị phát hiện thấp, lợi nhuận thu được lại rất cao. Việc xác định và truy tố những tên tội phạm mạng như Ngô Minh Hiếu là một trong những cách chúng tôi đang làm việc để thay đổi suy nghĩ của chúng”.
Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) tiết lộ rằng tin tặc đã đánh cắp hơn 21.5 triệu mã số an sinh xã hội vào tháng 5/2015. Trong số đó có 19,7 triệu thông tin cá nhân về những người đủ điều kiện trở thành nhân viên chính phủ và 1,8 triệu người còn lại là vợ, chồng hoặc những người thân thiết.
Đáng ngại hơn, có ít nhất 1,1 triệu hồ sơ bị đánh cắp chứa thông tin nhận dạng vân tay. Tội phạm mạng có thể dùng thông tin này để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.