Sau vài mũi tiêm của thầy lang, hai bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu vì bị nhiễm khuẩn huyết, hoại tử da...
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hai bệnh nhân ở Hải Phòng và Thái Bình bị nhiễm trùng huyết, sưng, phù nề vùng tiêm. Điều đáng nói, cả hai bệnh nhân này đều nhập viện vì tiêm thuốc của thầy “lang vườn” gần nơi cư trú.
Trường hợp thứ nhất là anh Hoàng Anh Hùng (37 tuổi, ở huyện Hải An, Hải Phòng). Trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được thầy lang gần nhà tiêm corticoid vào khớp gối và thắt lưng. Trước đó anh Hùng có tiền sử thoái hóa đĩa đệm và đã sử dụng thuốc giảm đau.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi tiêm, anh Hùng đã phải đến bệnh viện địa phương thăm khám vì vùng đùi bị sưng to, tấy đỏ. Ngay sau khi thăm khám, bệnh viện địa phương đã chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai và sau đó là chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Hiện cả hai bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Tương tự như anh Hùng, bệnh nhân Nguyễn Văn Học (43 tuổi, ở Quỳnh Phụ - Thái Bình) cũng phải nhập viện cấp cứu vì vài mũi tiêm của thầy lang. Theo đó, do bị đau nhức chân nên anh Học đã đến khám và được thầy lang tiêm thuốc, sau 4 ngày tiêm anh Học bắt đầu thấy xuất hiện các biểu hiện như: sốt, nóng, gai rét, kèm theo sưng nề đau vùng đùi trái, tấy đỏ, nổi phỏng nước.
Sau khi xuất hiện biểu hiện trên, anh Học đã đến BV Đa khoa tỉnh thăm khám và được chuyển thẳng lên BV Bạch Mai với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Tại Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ đặt catheter sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả 2 trường hợp này đều được thầy lang tiêm tiêm theo kiểu đau chỗ nào tiêm chỗ đó và hiện tượng hoại tử, nhiễm trùng, bệnh tiến triển rất nhanh, khi vào viện tiên lượng nặng nhưng may mắn bệnh nhân còn trẻ nên sức đề kháng tốt. Sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ đã tốt lên.
BS Cấp cho biết, trước đây, bệnh viện cũng gặp một vài trường hợp tương tự. Nguyên nhân nhiễm trùng do kỹ thuật tiêm không chuẩn, không đảm bảo vô trùng khiến vi trùng trên da xâm nhập qua vết tiêm gây nhiễm trùng. Chưa kể đến việc liều thuốc sử dụng không đúng.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên, BS Cấp khuyến cáo, tuyệt đối không nhờ hoặc đến tiêm truyền tại nhà thầy lang. “Tất cả bác sĩ đông, tây y, điều dưỡng đều được học về giải phẫu, kỹ thuật tiêm truyền, dược lý nên có thể sử dụng thuốc để tiêm truyền. Còn thầy lang chỉ được học về châm cứu, bấm huyệt nên tự động tiêm truyền rất nguy hiểm, có thể tiêm vào vùng nguy hiểm”, BS Cấp cảnh báo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi