Hạnh phúc người mẹ ung thư đánh đổi mạng sống cứu con

Ngày 03/04/2021 15:00 PM (GMT+7)

Sự hồi phục của sản phụ ung thư giai đoạn cuối từ chối xạ trị để cứu con và sự phát triển của cậu bé sinh non nặng 1,5kg thật diệu kỳ.

Hai năm trước, khi quyết định mổ sinh cho chị Liên, các bác sỹ cũng chỉ hy vọng có thể cứu được con bởi bệnh tình chị Liên quá nặng. Nhưng hiện bé Bình An (2 tuổi) - cậu bé sinh ra trong tư thế mẹ phải ngồi mổ vẫn được lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ.

Hạnh phúc người mẹ ung thư đánh đổi mạng sống cứu con - 1

Chị Liên bên hai con nhỏ - nguồn động lực sống của chị.

Điều kỳ diệu sau ca mổ hy hữu

Hai năm qua, căn nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thường xuyên rộn tiếng cười vui bởi sự trở về của chị Liên, sự chào đời và khôn lớn từng ngày của bé Bình An.

Nhìn Bình An chạy tung tăng, liên tục gọi mẹ, đã nói được cả câu dài, ánh mắt chị Liên lấp lánh niềm vui. Dù căn bệnh ung thư vẫn đang hành hạ và tiếp tục di căn nhưng hai năm qua, được sống và nhìn Bình An lớn lên mạnh khỏe, vui vẻ, thì chị Liên coi đó là một câu chuyện cổ tích.

“Thời điểm biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, tôi chỉ có một mong ước là con được chào đời mạnh khỏe. Ước “tham” thêm một chút, thì tôi mong mình được nhìn thấy con, dù chỉ một lần thôi…”, chị Liên thầm thì tâm sự, đôi mắt loáng ướt.

Gần ba năm trước, khi mang thai con thứ hai được 8 tuần tuổi, chị Liên phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 4, khối u đã di căn nhiều chỗ.

Thông tin bị ung thư vú giai đoạn cuối khiến người mẹ trẻ gục ngã. Thời điểm đó, bác sĩ chỉ định chị điều trị nhưng chị Liên quyết định giữ lại em bé trong bụng, chấp nhận đánh đổi sinh mạng của mình.

Suốt thai kỳ, người mẹ trẻ ấy rất đau mệt. Chị thậm chí còn không thể nằm vì cứ nằm xuống là không thể thở. Chiều 22/5/2019, khi thấy sức khỏe chị Liên không thể cầm cự được, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư di căn vào phổi, nếu nằm chị không thể thở được.

Bé trai Đỗ Bình An chào đời mới 31 tuần thai, nặng 1,5kg được đưa ngay đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc, còn chị Liên lịm đi sau ca vượt cạn, được chăm sóc phục hồi tại Bệnh viện K Trung ương.

Những tưởng tình huống xấu sẽ xảy ra với sản phụ quyết hy sinh tính mạng mình để cứu con nhưng thật diệu kỳ, chị Liên hồi phục dần trong sự ngỡ ngàng của chính các y bác sỹ. Những ngày nằm trên giường bệnh ấy, cứ tỉnh dậy là chị Liên hỏi: “Bình An sao rồi?”. Dường như, khao khát được nhìn thấy con, được bên con đã là “liều thuốc thần kỳ” giúp chị Liên chống chọi với bệnh tật.

“Được người nhà, các y bác sỹ cho nhìn con qua hình ảnh, rồi được nhìn thấy con qua lồng kính, tôi nghĩ mình gắng nhiều hơn nữa, chiến đấu với bệnh tật để được gặp con, ở bên con”, chị Liên chia sẻ.

Gần hai tháng sau ca sinh mổ hy hữu ấy, chị Liên và bé Bình An được trở về nhà. Như một câu chuyện cổ tích, chị Liên khỏe hơn với phác đồ điều trị ung thư được các bác sỹ đưa ra. Chị có thể cùng gia đình chăm sóc, được chứng kiến bé Bình An lớn lên từng ngày.

“Giờ Bình An đã 12kg, cháu nghịch lắm, thích chơi nhiều thứ nhưng thích nhất là chơi siêu nhân. Được cái dễ tính, mọi người cho gì cũng ăn. Sinh non được có 1,5kg, lại nuôi bộ vì mẹ phải xạ trị nhưng cháu lớn, tăng trưởng và khỏe mạnh như các trẻ bình thường. Cứ ai cho đi chơi là cháu theo ngay”, chị Liên dõi mắt nhìn theo Bình An chạy, nghịch không ngừng, vui vẻ kể.

Mỗi ngày bên con là một ngày hạnh phúc

Hạnh phúc người mẹ ung thư đánh đổi mạng sống cứu con - 2

Vợ chồng chị Liên và bé Bình An lúc mới từ bệnh viện về nhà

Chị Liên cho biết, vào khoảng tháng 9/2020, cảm thấy mờ mắt nên chị đi khám và các bác sĩ chẩn đoán căn bệnh ung thư của chị đã bị di căn lên não. Theo liệu trình điều trị, cứ khoảng 20 ngày chị Liên lại lên Bệnh viện K xạ trị trong 2 - 3 ngày.

Dù vẫn phải chiến đấu liên tục với căn bệnh ung thư nhưng chị Liên rất lạc quan. Chị bảo, mỗi lần đau mệt, nhìn thấy con thơ, thấy gia đình là chị lại thấy có thêm động lực. Rồi tình cảm, ân tình của cộng đồng cũng khiến chị thêm ấm lòng mà kiên cường đấu tranh chống bệnh tật. Hiện tất cả những chi phí thuốc điều trị cho chị được Quỹ Ngày mai tươi sáng của Bệnh viện K tài trợ. Mỗi khi lên Hà Nội, để tiết kiệm chi phí, chị Liên cũng ở nhà người quen. Vì vậy, chị chỉ tốn kém chi phí đi lại và vài khoản lặt vặt khác.

Để phụ giúp chồng lo cho gia đình, ngoài thời gian đi điều trị xạ trị ở Bệnh viện K Hà Nội, khi về nhà, chị Liên đưa các con đi học và chăn nuôi lợn gà, trồng rau ngoài vườn để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống.

“Cuộc sống ở quê cũng không phải chi phí nhiều, gạo rau nhà đều tự cung tự cấp được. Thuốc men đã có bệnh viện hỗ trợ, chỉ tiền mua sữa cho cháu Bình An là chi phí nặng nhất trong nhà, vì cháu phải nuôi bộ”, chị Liên cho hay.

Trò chuyện với PV Báo Giao thông, anh Đỗ Văn Hùng (SN 1988, là chồng của chị Liên) cho hay, mỗi lần chị Liên phải lên Hà Nội điều trị, bé Bình An thường được gửi sang nhà chị gái của anh là Đỗ Thị Vân (SN 1987) để bố còn đi làm kiếm tiền lo cho gia đình.

“Tôi đi làm thợ sơn, từ ngày Liên bị bệnh, tôi cũng chỉ dám nhận những công trình gần nhà, không dám đi xa. Những ngày Liên đau mệt, tôi cũng phải nghỉ ở nhà để chăm vợ con. Cháu Bình An từ bé đã quen với việc ở bên ông bà và bác để mẹ Liên đi chữa bệnh dài ngày. Thế nhưng, mỗi khi thấy mẹ trở về là Bình An lại không chịu theo ai nữa, cứ bám riết lấy mẹ. Nhìn thấy con hàng ngày như vậy là gia đình tôi mừng lắm rồi”, anh Hùng nói.

Nói về tương lai, chị Liên bảo chị biết bệnh của mình. Nhưng còn cố gắng được ngày nào, chị sẽ hết sức nỗ lực để được ở bên con. “Mỗi ngày, mỗi giờ được nhìn thấy các con khỏe mạnh, khôn lớn thêm chừng nào, là tôi thấy hạnh phúc ngập tràn ngày ấy”, chị Liên tâm sự.

Cổ tích giữa đời thường

Sáng 18/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện K.

Phát biểu tại buổi lễ, ông bày tỏ vui mừng được biết Bệnh viện K đã áp dụng thành công nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật điều trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả điều trị. Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Liên, bị ung thư giai đoạn cuối quyết tâm sinh con đã được các bác sĩ Bệnh viện K vừa chữa trị cho mẹ, vừa giữ được thai nhi và đã sinh con thành công. Theo Thủ tướng, đây là ví dụ điển hình cho sự thành công của điều trị ung thư, là câu chuyện cổ tích đời thường tại bệnh viện có khẩu hiệu “Trao hy vọng - Nhận niềm tin”.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: Đẻ tiếp đi
"Có lúc mình phản ứng gay gắt với những lời khuyên đẻ tiếp đi. Giờ thì mình cười rồi bảo: "Em đẻ ra đứa nữa mà cũng tự kỷ, em đem đến cho bác nuôi...
Theo Văn Huế
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h