Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi”

KHAI TÂM - Ngày 03/04/2021 07:00 AM (GMT+7)

“Có lúc mình phản ứng gay gắt với những lời khuyên đẻ tiếp đi. Giờ thì mình cười rồi bảo: “Em đẻ ra đứa nữa mà cũng tự kỷ, em đem đến cho bác nuôi giúp nhé?”. Họ lập tức cười lảng sang chuyện khác”, nữ giám đốc có con trai mắc chứng tự kỷ cho hay.

“Đẻ tiếp đi” là lời khuyên mình đã nghe vạn lần từ khi công khai có một đứa con mắc chứng tự kỷ”

Nhân ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2/4), chị Bạch Thùy Linh (SN 1985, Hà Nội) – nữ giám đốc có con trai mắc hội chứng tự kỷ tên Ong (SN 2011) đã có chia sẻ thẳng thắn về chuyện “Đẻ tiếp đi” gây xôn xao cộng đồng mạng nói chung và phụ huynh trong Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam nói riêng.

Chị viết trên trang cá nhân: “Đẻ tiếp đi!” là lời khuyên mình đã nghe hàng vạn lần từ khi công khai có một đứa con mắc chứng tự kỷ. “Đứa sau sẽ được bình thường đấy!” hay “Có anh có em, sau em nó còn nuôi anh khuyết tật”.

Mọi người tưởng rằng đó là một lời khuyên chân thành, chí tình và nghĩ cho gia đình có con khuyết tật. Nhưng không, ngược lại, với gia đình mình, đó là một lời khuyên hơi có phần “ác độc”, mang nhiều tư tưởng phân biệt, định kiến.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 1

Tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị Thùy Linh.

Đứa trẻ vốn không được lựa chọn quyền được sinh ra. Và lại càng không mong đợi được sinh ra để gánh trách nhiệm nặng nề là nuôi nấng hay chăm sóc một người anh, chị khuyết tật. Cuộc đời chúng đã bị bẻ sang một ngã rẽ nghiệt ngã trước khi được sinh ra và không hề có quyền từ chối.

Mình cũng đã từng nghĩ đến việc sinh thêm con nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, quyết định dừng. Bản thân mình khi lớn lên cũng rất nhớ cảm giác những lần ấm ức khóc thầm vì cha mẹ đối xử không công bằng giữa mình và em gái, hay quãng thời gian mình làm việc căng sức để có tiền phụ cha mẹ cho em gái du học nhiều năm liền”.

Vì thế, chị quyết định dành điều tốt nhất cho con trai, để không có sự phân biệt, so sánh nào giữa những đứa con với nhau, cũng như không đứa nào phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của đứa nào. Số tiền để nuôi một đứa con nữa, chị dành để mua bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ cho bé Ong, mua bất động sản, gửi tiết kiệm... cũng như liên tục đào tạo, hướng dẫn những người thân xung quanh cách chăm sóc, giao tiếp, hỗ trợ con hiệu quả...

Tóm lại, để khi nhỡ có chuyện gì ngoài mong muốn xảy ra, con trai chị vẫn có thể sống tiếp một cuộc sống an toàn, vẫn có người biết chăm sóc con ở bên, có quỹ dự phòng để con tự lo cho mình. Và hơn hết là dạy con các kĩ năng tự phục vụ bản thân, tự lập.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 2

Nữ giám đốc luôn luôn dạy con các kĩ năng tự phục vụ bản thân, tự lập.

“Có lúc mình phản ứng gay gắt với những lời khuyên như vậy. Giờ thì mình cười, mình bảo: “Em đẻ ra đứa nữa mà cũng tự kỷ, em đem đến cho bác nuôi giúp nhé?”. Họ lập tức cười lảng sang chuyện khác. Hiệu nghiệm luôn.

Xã hội giờ cũng đã dần dần có cái nhìn bao dung, hiểu biết hơn về người tự kỷ. Mình tin dù ở Việt Nam, cũng sẽ sớm có những chính sách xã hội giúp đỡ cho người tự kỷ, có những cộng đồng bao bọc con mình.

Mình viết vậy không phải để hờn mát những ai đã từng khuyên mình, mà để không ai khác phải nghe thêm những lời khuyên khiến cuộc đời của một con người nào đó phải rẽ sang ngã khác.

Hôm nay 2-4, ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, các bạn hãy dành một cái ôm, một ánh mắt cảm thông cho gia đình nhỏ của mình, cho cậu Ong bé bỏng nhiều rắc rối nhưng cũng rất đáng yêu của mình, nhé”, nữ giám đốc tâm sự.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 3

Nhiều người đã ngỡ ngàng khi biết Ong là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.

Chị Bạch Thùy Linh cho biết, tự kỷ là khuyết tật bẩm sinh trong não bộ, không phải do cách nuôi nấng, môi trường sinh sống hay tiếp xúc thiết bị điện tử gây ra.

Tự kỷ không phải là bệnh, không thể lây. Đừng kỳ thị và xa lánh họ hay coi họ như bệnh nhân tâm thần. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, vẫn có thể hòa nhập với xã hội và trở thành công dân có ích.

Quan điểm của chị Thùy Linh về chuyện “Đẻ tiếp đi!” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bậc phụ huynh. Chị Thanh Hoài Kiều bày tỏ: “Việc sinh thêm hay không chị nghĩ chẳng quan trọng gì với một gia đình đoàn kết, hạnh phúc và đủ đầy yêu thương. Ong có một mình hay có thêm em thì các con cũng được sinh ra vì tình yêu và được hưởng hạnh phúc của người bố, người mẹ như vợ chồng em.

Đối với người mẹ như em chị nghĩ có một hay hơn nữa thì những đứa con em sinh ra đều hạnh phúc và được hưởng tình cảm trọn vẹn, yêu thương”.

Nickname Hoa Tuyết Bay bình luận: “Đứa trẻ nên được sinh ra trong tình yêu của bố mẹ nó, chứ không phải để thay thế hay là gánh vác, chăm sóc ai. Sau này, nó biết sẽ buồn thế nào. Em đồng ý với ý kiến của cô”.

Quyết định “bỏ phố về quê” tất cả vì con trai mắc chứng tự kỷ

Được biết, chị Linh là Giám đốc của một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội. Trong cộng đồng yêu nhạc Trịnh, nhiều người quen thuộc chị với nghệ danh Nguyệt Ca. Chị cũng là một trong số nhiều phụ huynh hoạt động tích cực trong Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam.

Trò chuyện với PV, chị Thùy Linh cho biết, trước kia – khi chưa chuyển hẳn ra ngoại thành sống và chưa có cộng đồng hàng xóm “bỏ phố về quê” đông vui như bây giờ, Ong thi thoảng “tâm sự” với chị về việc muốn có em, nhưng phải là em trai để chơi ngay được với bé. Khi ấy chị giải thích với con là bố mẹ chưa sẵn sàng để sinh thêm một em bé nữa. Bố mẹ đang muốn dành hết tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc cũng như tiền bạc để nuôi con cho thật tốt.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 4

Ong thi thoảng “tâm sự” với chị Thùy Linh muốn có em, nhưng phải là em trai để chơi ngay được với bé.

Không chỉ có Ong từng mong muốn chị Thùy Linh sinh em bé, bản thân chồng chị ban đầu cũng lưỡng lự và muốn sinh thêm con. “Mình phân tích cho ông xã hiểu để cùng tôn trọng nhau. Sau đó có lúc mình nghĩ đến chuyện sẽ xin một đứa con nuôi đã lớn, tầm gần tuổi Ong để chơi cùng. Nhưng chính anh là người can ngăn với lý do đừng bắt một đứa trẻ ngây thơ phải bước vào gia đình mình và gánh lấy trách nhiệm với đứa con cả mắc khiếm khuyết của mình, như vậy rất tội nghiệp cho đứa con nuôi. Mình đã đồng ý”, nữ giám đốc chia sẻ.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 5

Không chỉ có Ong từng mong muốn chị Thùy Linh sinh em bé, bản thân chồng chị ban đầu cũng lưỡng lự và muốn sinh thêm con.

Tháng 1/2019, vợ chồng chị Thùy Linh quyết định “bỏ phố về quê” để con trai có môi trường học tập và một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Chị bảo Ong vốn học ở một trường tư thục song ngữ nhưng từ năm 2017 đã chuyển lên một quả đồi ở ngoại thành. Do đó gia đình chị mới quyết định mua đất xây nhà cạnh trường để con đi học gần.

Chuyển về quê, bé Ong đã có những tiến bộ rõ rệt. Bé có tuổi thơ rất gần với tuổi thơ của vợ chồng chị Thùy Linh cách đây 30 - 40 năm. Bé được đi bộ hoặc xe đạp đi học, băng qua những cánh đồng lúa. Chiều chiều, bé lại dắt tay mẹ đi bộ về, cùng làm vườn, nấu ăn và chăm sóc vật nuôi.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 6

Tháng 1/2019, vợ chồng chị Thùy Linh quyết định “bỏ phố về quê” để con trai có môi trường học tập và một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 7

“Con được hít thở không khí trong lành cả ngày. Và quan trọng hơn hết, con có nhiều bạn hàng xóm chơi cùng. Chúng đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, văn minh, biết tôn trọng sự khác biệt.

Hiện cộng đồng bỏ phố về quê của bọn mình có gần 20 gia đình sống quây quần trong một con ngõ. Trẻ con cứ chiều chiều đi học về là khoác vai nhau đi chơi lê la hết nhà này đến nhà khác. Ong được lũ trẻ dần dần chấp nhận, chơi cùng và cũng học được rất nhiều kĩ năng từ các bạn hàng xóm, nên không còn đòi mẹ sinh em bé nữa”, chị vui vẻ nói.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 8

Ong và những người bạn thân.

Phản ứng bất ngờ của nữ giám đốc có con trai tự kỷ khi người khác khuyên: “Đẻ tiếp đi” - 9

Nhắc đến chuyện về quê sinh sống có khó khăn gì cho công việc của hai vợ chồng, chị Thùy Linh cho hay, khi còn ở phố, mỗi ngày Ong mất tới 2 tiếng đồng hồ cho việc di chuyển trên đường để đi học chính, học thêm. Vì thế, chị quyết định bỏ phố về quê, cũng là để thời gian hai tiếng vô ích đó từ con sang cha mẹ.

“Hiện tại ông xã hàng ngày lái xe vào thành phố, quãng đường 40km, đi mất 50-60 phút. Mình chọn công việc làm từ xa, mỗi tuần chỉ vào thành phố thứ tư và thứ bảy. Quỹ chi tiêu của gia đình bớt được khoản tiền xe buýt đến trường của con, thì lại phát sinh thêm khoản tiền xăng của bố, trừ đi cộng vào cũng sêm sêm. Nhưng cái gia đình mình được nhiều hơn cái mất”, mẹ của Ong tâm sự.

Để con trai tự kỷ ở nhà với mẹ kế một ngày, người bố hối hận cả đời khi về
Bé trai 15 tuổi đã ở nhà với mẹ kế chỉ một ngày nhưng phải nhận kết cục thương tâm, khiến ai biết chuyện cũng vô cùng phẫn nộ.
KHAI TÂM
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động