Hành trình gian khổ của bé trai 13 tuổi vượt biên tìm mẹ

Ngày 01/07/2014 11:32 AM (GMT+7)

25 năm trôi qua, anh Cao Văn Quân (SN 1975, ở thôn Bắc Mã 2, xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) vẫn chưa thể nào quên được chuyện xảy ra trong quá khứ.

13 tuổi, mẹ anh thất lạc không một chút tin tức, thời gian sau, bố cũng ra đi vì bệnh tật. Cậu bé Quân bắt đầu cuộc hành trình cô độc và đầy gian khó, vượt biên sang xứ người tìm mẹ. Oái oăm thay, khi tìm thấy mẹ cũng là lúc Quân biết mẹ đã có tổ ấm mới. Hoang mang, đau khổ, mất mát… Cuối cùng, Quân đã gạt bỏ tất cả, quyết định sống bên cạnh mẹ.

Bi kịch chất chồng sau ngày mẹ “đột nhiên biến mất”

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Bình Dương (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), cậu bé Quân cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của người thân. Mặc dù cuộc sống nông thôn không dư giả, nhưng bố mẹ chưa bao giờ để cho cậu chịu thiệt thòi. Bố Quân làm cán bộ ở xã, còn mẹ - Nguyễn Thị Thúy – làm công việc đồng áng và bán hàng rong. Cuộc sống cứ thế trôi đi một cách bình dị.

Đến năm 10 tuổi, cuộc đời Quân rẽ sang bước ngoặt mới khi mẹ đột nhiên mất tích. “Tôi không thể nào quên được buổi chiều mùa đông lạnh lẽo năm 1988 ấy. Trong căn nhà cuối ngõ, tôi vẫn chơi với mấy bạn hàng xóm chờ mẹ đi chợ về nhưng đến tận khi trời tối sụp vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu. Gia đình ai cũng lo lắng, không hiểu sao mẹ tôi hôm nay đi bán hàng lại về muộn như vậy. Tôi đã mong mẹ một ngày, hai ngày rồi một tuần trôi qua. Lúc đó, tôi khóc rất nhiều vì nhớ mẹ, còn bố tôi thì sốt sắng nhờ bà con lối xóm đi tìm vì sợ chuyện không may xảy ra. Hơn một tháng trôi qua, gia đình vẫn không nhân được một chút tin tức gì của mẹ. Lúc đó, nhiều người cũng đoán già đoán non mọi tình huống xảy ra với mẹ tôi. Tuy nhiên, bố vẫn khẳng định mẹ đang còn sống, chẳng qua là bị thất lạc ở đâu đó thôi”, anh Quân nhớ lại.

Hành trình gian khổ của bé trai 13 tuổi vượt biên tìm mẹ - 1

Anh Quân kể lại chuyện quá khứ

Được biết, vào những năm đầu của thập niên 80, nạn buôn người qua biên giới bắt đầu diễn ra phức tạp. Nhiều người đã bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ hay lao động khổ sai. Mấy tháng trời không chút tung tích của bà Thúy, nhiều người phỏng đoán có thể bà đã bị người ta lừa đem bán qua biên giới. Mặc dù không tin nhưng trong thâm tâm gia đình Quân cũng biết khả năng đó hoàn toàn có thể xảy ra. Sự mất tích của bà Thúy đã khiến một gia đình vốn đầm ấm hạnh phúc nay đảo lộn hoàn toàn.

Sau quãng thời gian quá dài tìm kiếm, cuối cùng gia đình anh Quân đã hoàn toàn tuyệt vọng. Hơn một năm sau, bố anh đi lấy vợ mới. Anh Quân sống trong sự nuôi dưỡng của bố và dì. Hai năm trôi đi, số phận một lần nữa lại trêu đùa khi cướp đi bố anh. Mẹ kế bỏ đi nơi khác sinh sống, anh Quân bơ vơ, không nơi nương tựa. “Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi phải vật lộn với cuộc sống, vừa đi học, vừa làm thuê kiếm tiền tự nuôi thân. Cho đến khi không thể lo được tiền đóng học phí, lại phải nhịn đói thường xuyên, tôi buộc phải dừng việc học sớm. Sau khi bố ra đi, tôi đã thấm thía thế nào là đau khổ bất hạnh khi không thể dựa được vào người thân. Thời gian đó, tôi thường xuyên phải nhịn đói, có hôm tôi lả cả người vì không có gì ăn, may mà nhiều người hàng xóm thương lòng giúp đỡ. Những lần đó, cầm bát cơm mà nước mắt tôi giàn giụa nhớ mẹ nhớ bố, lúc đó tôi chỉ muốn chết đi mà thôi. Nhiều người vẫn an ủi tôi rằng, một ngày nào đó mẹ sẽ trở về”, anh Quân tâm sự.

Ba tháng làm khổ sai để tìm mẹ

Ba năm sau ngày mẹ mất tích, anh Quân tình cờ gặp một người từng đi buôn với mẹ anh, quê ở huyện Sao Đỏ - tỉnh Hải Dương, nay lấy chồng bên Trung Quốc. Nghe anh Quân kể chuyện, bà khẳng định đã gặp mẹ anh ở xã Kiến Trì (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Bao năm nay mong ngóng, anh nằng nặc xin người đàn bà ở Sao Đỏ cho đi nhờ sang Trung Quốc tìm mẹ. Lần ấy được sự đồng ý của người đàn bà xa lạ, cậu bé 13 tuổi, trong tay không một cắc bạc, dấn thân sang bên kia biên giới.

Khao khát được gặp mẹ đã khiến cậu bé 13 tuổi không hề sợ hãi khi bước vào cuộc phiêu lưu ẩn chứa vô vàn hiểm nguy. Trước khi đi, Quân đã tự hứa với lòng mình, chừng nào chưa tìm được mẹ, anh sẽ không trở về cố quốc. Nhớ lại thời gian đó, anh Quân bùi ngùi: “Lúc đó, tôi rất lo sợ nhưng cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác, ở đây khổ quá không có gì ăn, người thân thì không còn. Nếu cứ sống thế cuối cùng rồi sẽ chết đói. Đi với một người phụ nữ lạ biết là rất nguy hiểm, nhưng tôi phải chấp nhận vì đó là hy vọng cuối cùng. Nghĩ đến những ngày sắp tới, tôi không quan tâm đến sống chết nữa, trong lòng chỉ mong làm sao được gặp mẹ”.

Người đàn bà đưa Quân sang Trung Quốc trên một con tàu nhỏ vượt biên Móng Cái cùng hai cô gái trẻ khác. Dĩ nhiên, bà ta không giúp anh bằng lòng tốt đơn thuần. Sang đến Kiến Trì, Quảng Đông, hai cô gái được bà ta bán cho những người đàn ông Trung Quốc đang cần cưới vợ. Riêng anh không bán được, bà ta nói: “Cậu phải làm thuê trả nợ cho vợ chồng chúng tôi để bù chi phí chúng tôi đưa cậu sang đây, chừng nào trả xong nợ, cậu mới được đi tìm mẹ”. “Giữa đất nước Trung Quốc xa lạ, không tiền bạc, không người thân, không nói được một câu tiếng Trung Quốc nào, tôi đành phải ở lại đó, hùng hục làm thuê suốt ba tháng trời. Đến lúc trả nợ xong, bà ta mới đưa tôi tới một ngôi làng trong một khu rừng cách chỗ tôi làm thuê chỉ vài quả đồi và bảo mẹ tôi đang sống với một người đàn ông khác trong khu làng đó”, anh Quân nhớ lại.

Hành trình gian khổ của bé trai 13 tuổi vượt biên tìm mẹ - 2

Anh Quân cách đây hơn 20 năm.

Ở bậc thềm một ngôi nhà giữa khu rừng, anh nhìn thấy mẹ đang ngồi khâu áo. Bốn năm không gặp lại nhau, anh lao vào ôm chầm lấy mẹ rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. Anh vừa chui vào lòng mẹ nằm, vừa kể cho mẹ nghe những chuyện đã xảy ra trong suốt mấy năm qua. Những năm tháng ấy đã xảy ra biết bao nhiêu biến cố, nào là bố mất rồi thì chuyện cả gia đình ly tán ra sao, những chuyện lần đi hái rau ăn thay cơm vì đói thế nào… Những ấm ức trong lòng, những giận hơn buồn tủi của anh Quân đến bây giờ mới được giãi bày hết.

Sau khi bị lừa sang Trung Quốc, mẹ anh bị bán cho một người đàn ông ở Kiên Trì. Ban đầu, mẹ anh còn nuôi ý định bỏ trốn nhưng lần nào định trốn về Việt Nam cũng bị gia đình nhà chồng bắt nhốt lại đánh đập. Sợ nếu bà trốn thì số tiền bỏ ra sẽ mất trắng, gia đình chồng thấy bà đi đâu, dù là đi tắm hay đi vệ sinh cũng theo dõi từng bước. Dần dần, bà cũng không còn đủ sức nuôi ý định trốn về, dù trong lòng lúc nào cũng nhớ thương chồng con vô hạn. Đến lúc gặp con trai và biết tin chồng mất, ý định trở về cũng nguội lạnh hẳn. Tâm sự với con trai, bà Thúy an ủi: “Bố con đã mất, người chồng Trung Quốc bây giờ biết mẹ không chạy trốn nữa nên cũng đã thay đổi và rất thương yêu mẹ. Ông ấy đối xử tốt với mẹ như một người thân thực sự. Mẹ muốn ở lại Trung Quốc vì giờ có về Việt Nam, mẹ cũng chẳng còn gì”.

Nghe những lời mẹ nói, ban đầu anh Quân cảm thấy mình như bị bỏ rơi. Anh đã nghĩ rằng quãng thời gian bấy lâu nay mình cất công đi tìm mẹ hóa ra là vô ích. Anh cũng không biết nên giận hay trách mẹ. Ngay lúc đó, anh chỉ muốn bỏ đi thật xa, càng xa càng tốt. Thế nhưng sau khi dằn vặt, trăn trở suy nghĩ, anh lại không nỡ bỏ mẹ ở lại một mình. Và cuối cùng, anh quyết định ở cùng mẹ, sống chung với mẹ và người bố dượng ngay trên xứ người.

____________________________

Đón đọc kỳ tới: Chàng trai làm khổ sai để xây chuyện tình trên đất khách

Theo Hồ Phúc (Đời sống & Hôn nhân)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot