Hiểm họa cong vẹo cột sống trẻ em từ cặp sách

Ngày 22/07/2015 14:54 PM (GMT+7)

Theo con số thống kê, trung bình, cứ 4 em học sinh, có 1 em bị cong vẹo cột sống. Tật cong vẹo cột sống có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng suốt phần đời còn lại của các em.

Lơ đãng cặp con, hệ lụy cả đời

 

Bé Nguyễn Tuấn K., 8 tuổi, chuẩn bị vào lớp 3 một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội. Nhà trường không có tủ đồ cá nhân cho từng học sinh nên K. phải mang cặp hàng ngày. Sau buổi tổng kết năm học, mẹ K. (chị Hương V.) thấy con thở phào khi bỏ chiếc cặp xuống ghế sopha. “Thấy lạ, tôi cầm cặp con lên thử, tôi thực sự choáng”.- Chị V. chia sẻ

Chị V. nói tiếp: “Chiếc cặp quá nặng so với đứa trẻ lớp 2. Sau, thấy con đi vẹo một bên, tôi tức tốc đưa cháu khám chuyên khoa. Bác sĩ nói cháu bị vẹo cột sống cấp độ nhẹ, có thể điều trị được. Nếu không để ý chiếc cặp con hôm ấy, có lẽ dị tật của cháu sẽ là nỗi ân hận cả đời của vợ chồng tôi.”

Trường hợp của K. là điển hình của hàng trăm ngàn trường hợp cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ. Theo số liệu nghiên cứu, tật cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ khoảng 25% ở học sinh Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, thực trạng cong vẹo cột sống đang ở mức đáng báo động.

Theo PGS.TS Võ Văn Thành, Chủ tịch Hội cột sống TPHCM, vẹo cột sống là một tật, một biến dạng của cột sống trong đó cột sống bị cong lệch sang một bên. Tật này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuổi dễ phát triển nhanh nhất là dậy thì, khoảng 10 - 17 tuổi ở các cháu gái và khoảng 12 - 18 tuổi ở các cháu trai.

Hiểm họa cong vẹo cột sống trẻ em từ cặp sách - 1

Ảnh: Nguồn Internet

Xách, mang cặp quá nặng hoặc lệch về một bên là một nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Vương Trung Kiên – Nguyên Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nguyên nhân việc trẻ em bị vẹo cột sống là thường do mang vác nặng lệch về một phía. Đặc biệt, “Không ít trẻ vẹo cột sống vì mang cặp nặng. Việc xách cặp sách quá nặng lúc đi học khiến trẻ có thể bị đau vai nữa” – BS Kiên nói.

Ngoài ra, có chuyên gia cho rằng, cha mẹ nên thận trọng khi lựa chọn cặp sách cho con em, đơn cử như việc sử dụng cặp kéo có nguy cơ gây ẩn họa cho cột sống của các cháu do các em phải dồn lực về một bên (thay vi phân bổ đều lực vào hai bên) để kéo chiếc cặp nặng.

Trọng lượng cặp sách phải nhỏ hơn 10-15% trọng lượng cơ thể

Các chuyên gia về chỉnh hình cho biết, triệu chứng của vẹo cột sống bao gồm: Hai vai, hông không đều; xương bả vai nhô cao một bên; mào chậu nghiêng sang một bên, chân cao chân thấp. Nếu cột sống bị vẹo nhiều, thường sẽ kèm theo biến dạng xoay. Có thể vẹo hai, ba đường cong và kèm theo gù lưng. Ngoài ra còn có thể có triệu chứng đau lưng, khó thở.

Các chuyên gia cũng lưu ý: Khi phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng nào của vẹo cột sống, phụ huynh phải đưa trẻ đến khám chuyên khoa ngay. Vì các trường hợp vẹo cột sống nhẹ cũng có thể diễn tiến âm thầm thành vẹo cột sống nặng hoặc rất nặng.

Cũng theo các chuyên gia, cong vẹo cột sống ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động. Tâm lý của trẻ cũng bị tác động tiêu cực do dị dạng thân hình. Cong vẹo cột sống cũng giảm hoạt động chức năng của tim, phổi, cản trở sự phát triển khung chậu (đặc biệt với các em gái vì nó ảnh hưởng đến chức năng sinh nở sau này).

BS Kiên lưu ý: Một điều quan trọng là không nên để học sinh mang vác cặp sách quá nặng. Trọng lượng của cặp phải nhỏ hơn 10 - 15% trọng lượng cơ thể của các em. Khi đeo cặp cần đeo cả hai vai hoặc phải đổi bên đeo cặp đều đặn nếu cặp chỉ có một dây đeo. Cặp học sinh nên làm bằng vật liệu nhẹ và vững chắc. Bởi việc “giảm cân” cho cặp không chỉ để giảm nguy cơ gù vẹo cột sống mà còn tránh cho các cháu khỏi sự mệt mỏi vì phải mang vác. Cha mẹ cũng nên có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho các em.

Theo Quỳnh Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự