Những ngày vừa qua, lùm xùm tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) với nhiều diễn biến bất ngờ thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều phụ huynh có con học tại đây đang đứng ngồi không yên gửi đơn cầu cứu.
Trường AISVN là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 với khoảng 1.400 học sinh đang theo học, trong đó 90% học sinh là người Việt Nam và số còn lại thuộc 21 quốc tịch khác. Trường được thiết kế trên khuôn viên rộng 6,5 hecta tại Nhà Bè, TP.HCM với trang bị hiện đại để phục vụ cho nhu cầu giảng dạy chương trình IB và các hoạt động học tập đa dạng.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam
Theo thông báo, học phí năm học 2023 - 2024 của trường dao động từ 280 triệu đồng/năm đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm đối với học sinh lớp 11 và 12, chưa tính nhiều khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ... Như vậy, ước tính, chỉ trong 3 năm cấp 3 (lớp 10-12), học sinh của AISVN sẽ phải đóng tiền học phí lên đến 2,1 tỷ đồng, bằng giá cả một căn hộ chung cư.
Trên website của trường, AISVN giới thiệu trường thuộc sở hữu gia đình hoạt động theo cơ chế "phi lợi nhuận" do bà Nguyễn Thị Út Em xây dựng và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.
Là ngôi trường nhận được nhiều quan tâm mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, tuy nhiên AISVN đang vướng vào vụ lùm xùm giáo viên đình công, phụ huynh đòi nợ tiền tỷ khiến dư luận xôn xao những ngày vừa qua.
95% giáo viên đình công, phụ huynh cầu cứu
Vào tối ngày 17/3, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường của AISVN gửi email khiến phụ huynh học sinh bất ngờ với nội dung tạm cho toàn tất cả học sinh nghỉ học, tạm thời là 1 ngày (thứ hai ngày 18/3) để hoạch định lại các chính sách nhằm đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại.
Email nêu rõ: "Sau một ngày họp và trao đổi cùng với quý phụ huynh đã đến tham dự từ 9h đến 18h ngày 17/3, hiện tại, những vấn đề về nhân sự, tài chính của nhà trường đang được nhà trường tập trung quyết liệt giải quyết. Do đó, hội đồng trường thông báo đến quý phụ huynh về việc tạm cho toàn thể học sinh được nghỉ học trước mắt 1 ngày mai, thứ hai (18/3/2024) để chúng tôi hoạch định lại các chính sách nhằm đảm bảo lợi ích của toàn thể học sinh hiện tại”.
Phụ huynh cho biết, trong email, AISVN tiếp tục hứa hẹn làm việc, cập nhật đến phụ huynh về kế hoạch tiếp theo.
Thông báo nghỉ học ngày 18/3 nhà trường gửi tới phụ huynh
Trước đó, trong cuộc họp giữa nhà trường với phụ huynh ngày 17/3, đại diện nhà trường thông tin 95% giáo viên không đi dạy vào ngày thứ hai (18/3) vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán. Do đó, bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường, đã quyết định cho học sinh nghỉ học ngày 18/3.
Cũng trong cuộc họp này, bà Nguyễn Thị Út Em và tập thể phụ huynh đã tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính hiện nay, dẫn đến việc không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho tập thể giáo viên và nhân viên trường.
Mặc dù hai bên cũng tìm kiếm các giải pháp khác nhau, trong đó có giải pháp vận động phụ huynh tiếp tục đóng thêm tiền để ủng hộ nhà trường AISVN gặp nhiều khó khăn nhưng giải pháp này gần như là không khả thi.
Hiện một nhóm phụ huynh AISVN đã ký và gửi đơn "cầu cứu khẩn cấp" đến cơ quan chức năng tại TP.HCM. “Chúng tôi gửi đơn vì 1.400 học sinh đang bị thất học, vì không có giáo viên dạy. Nguyên nhân là do chủ sở hữu trường không thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên khiến con chúng tôi thất học”, một phụ huynh nói.
Học sinh đi học ngồi căn-tin
Sau 1 ngày thông báo cho học sinh nghỉ học, tối ngày 18/3, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đã thông báo mở cửa trở lại vào sáng 19/3 để đón học sinh đến lớp. Tuy nhiên, thông báo của nhà trường cho rằng "vẫn sẽ có sự gián đoạn không tránh khỏi".
Theo thông tin từ nhóm phụ huynh học sinh AISVN, khi đưa con em đến trường vào sáng 19/3, họ nhìn thấy bảng thông báo hướng dẫn học sinh với nội dung: Lớp 6 - sẽ ở khu thư viện của căn tin, ngồi cùng cố vấn học tập; Lớp 7 - Khu vực hồ bơi của căn tin, ngồi cùng cố vấn học tập…
Học sinh AISVN đến trường ngồi ở căn tin
Trước tình hình trên, Sở GDĐT TP.HCM cho biết, đơn vị này đã gửi thư mời Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đến Sở làm việc trong ngày.
Đây là động thái được đưa ra sau khi tiếp nhận thông tin gần 1.400 học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) phải nghỉ học vì giáo viên trường này bị nợ lương, nợ bảo hiểm kéo dài, dẫn đến ngưng đến trường làm việc, dạy học.
Chủ tịch trường từng bị treo băng rôn đòi nợ
Câu chuyện tại trường Quốc tế Mỹ không phải mới xảy ra lần đầu. Vụ việc xảy ra bắt đầu vào tháng 9/2023, rất nhiều phụ huynh đã tập trung trước cổng trường AISVN để căng băng rôn đòi nợ. Đây là những phụ huynh đã cho trường “vay” hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học tập miễn phí, nhưng đến khi con ra trường thì vẫn chưa thấy hoàn lại.
Phụ huynh cũng nêu, từ tháng 9/2023, thông tin nhà trường nợ lương và chậm trả lương giáo viên đã bắt đầu được chia sẻ đến phụ huynh, chất lượng tổ chức giảng dạy xuống cấp. Bà Út Em đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, và kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp thêm tiền để nhà trường trang trải các khoản chi lương và công khai, minh bạch thu chi, báo cáo tài chính, kế hoạch tái cấu trúc nhà trường để giải quyết tình trạng hoạt động bấp bênh gây ảnh hưởng việc học tập của khoảng 1.400 học sinh.
Theo đó, phụ huynh đã chung tay hỗ trợ, đóng góp thêm tiền mặt để nhà trường chi trả một phần cho các hoạt động chung. Tuy nhiên, từ đó tới nay, bà Út Em tiếp tục bưng bít thông tin, không công khai minh bạch thu chi, nhiều lần thất hứa với những nội dung đã cam kết với phụ huynh.
Một số phụ huynh cầm theo băng rôn đòi nợ trường AISVN hồi tháng 9/2023
Ngay sau khi vụ việc được chia sẻ gây chú ý dư luận, bà Út Em đã có thông cáo cho rằng, “khoản nợ học phí” thực chất là số tiền đầu tư giáo dục mà nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua Hợp đồng Đầu tư Giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 đến 15 năm học sinh theo học tại trường.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhà trường phải chịu những tổn thất rất nặng; cùng với sự thiếu sót trong quản trị tài chính, với những giải pháp mang tính tạm thời, chưa tính toán kỹ lưỡng dẫn đến những khó khăn cho nhà trường.
Thời điểm đó, bà Út Em khẳng định, nhà trường đã nhận định rõ nguyên nhân và hiện trạng; đồng thời sẽ tiến hành tái cấu trúc lại hoạt động tài chính, nhằm đảm bảo được hai mục tiêu là đảm bảo chất lượng giảng dạy, ổn định tài chính lâu dài. Dự kiến, việc tái cấu trúc sẽ được hoàn tất chậm nhất là vào quý 1/2024.
Nhà trường cũng sẽ xây dựng đầy đủ các phương án, cơ chế giải quyết công nợ, để đảm bảo sự công bằng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, hoàn tất việc trả các gói đầu tư giáo dục cho quý vị phụ huynh, với phương thức trả dần sau khi nhà trường đã thực hiện việc tái cấu trúc.
Trường quốc tế vay tiền của phụ huynh có đúng pháp luật hay không?
Theo TS. Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy Lợi: Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức vay vốn của các tổ chức, cá nhân hoặc vay vốn của các tổ chức tín dụng. Việc huy động vốn bằng hình thức vay vốn thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, về quan hệ tín dụng.
Theo đó việc vay mượn phải được thực hiện trên cơ sở thoả thuận tự nguyện, phải sử dụng tiền đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên. Nếu lợi dụng việc vay tiền để sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc gian dối hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc có điều kiện trả nợ nhưng không trả thì có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc các phụ huynh học sinh cho nhà trường vay vốn là ít khi xảy ra. Cán bộ nhà trường thuyết phục các phụ huynh cho vay tiền với chính sách ưu đãi miễn học phí, với cơ sở hạ tầng khang trang là những căn cứ, cơ sở để các phụ huynh tin tưởng cho vay với số lượng tiền lớn như vậy. Bởi vậy, trong trường hợp cơ sở giáo dục này mất khả năng thanh toán thì các phụ huynh có thể gửi đơn đến cơ quan điều tra để xem xét làm rõ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản hay không hoặc có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Việc dừng hoạt động của cơ sở giáo dục này sẽ kéo dài bao lâu, liệu có cơ hội để phục hồi hay không là những vấn đề rất quan trọng liên quan đến tương lai của các học sinh học tập ở đây. Trong trường hợp nhà trường không còn khả năng tái cơ cấu, không thể huy động thêm vốn để duy trì hoạt động thì các phụ huynh cần phải cân nhắc đến việc sẽ chuyển con sang các cơ sở giáo dục cùng hệ thống hoặc có chương trình học tương tự để tiếp tục việc học tập. Đây là hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục cũng phải có trách nhiệm trong việc làm rõ đúng sai, trách nhiệm pháp lý có liên quan và giải quyết đến vấn đề hậu quả pháp lý nếu như nhà trường này tuyên bố phá sản.