Học sinh sợ môn tiếng Anh vì phải chép mỏi tay, vở đặc chữ

Ngày 27/03/2015 09:43 AM (GMT+7)

Môn học bị học sinh phàn nàn “đặc chữ”, “chép mỏi tay” không phải là Sử, Sinh hay Giáo dục công dân… mà lại là Ngoại ngữ.

Giờ ngoại ngữ chỉ có ngồi chép bài

Trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM, nhiều học sinh than thở về cách học thiên về lý thuyết, ngữ pháp và xa rời với thực tế, kỹ năng nghe nói của rất nhiều môn học, trong đó có Tiếng Anh.

Học sinh sợ môn tiếng Anh vì phải chép mỏi tay, vở đặc chữ - 1

Học sinh TPHCM đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Sở GDĐT

Học sinh phàn nàn vở “đặc chữ”, “chép mỏi tay” không phải là Sử, Sinh hay Giáo dục công dân… mà lại là Ngoại ngữ.

Em Đào Anh Sơn, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức) bức xúc: “Cứ đến tiết tiếng Anh là cô giáo bắt tụi em chép bài, ngày nào cũng phải chép rất nhiều, không được luyện bất cứ kỹ năng nghe, nói nào. Không những thế, những bài chúng em đã làm xong trong sách bài tập (in sẵn), cô cũng bắt chép lại cả những bài tập đó ra vở”

Em Nguyễn Võ Minh Hiếu, học sinh Trường THPT Nhân Việt bày tỏ, môn Ngoại ngữ còn quá nặng về ngữ pháp, trong khi học sinh lại rất yếu các kỹ năng nghe, nói.

Lê Lưu Thanh Vân, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM chỉ ra một thực trạng, học sinh đang phải học một chương trình tiếng Anh lặp đi lặp lại về lối văn phạm. Mặc dù sách giáo khoa có đầy đủ các phần nghe, nói, đọc, viết nhưng không được luyện tập đầy đủ mà chủ yếu vẫn học ngữ pháp. Thêm vào đó các bài kiểm tra chủ yếu bằng phương pháp trắc nghiệm đã hạn chế việc luyện kỹ năng nghe - nói. Thậm chí việc luyện nghe - nói không hỗ trợ cho việc thi cử làm mất động lực học tập của học sinh khiến học sinh không muốn học.

Thanh Vân cho biết, nhiều bạn em đã học đến trình độ cao đẳng nhưng kiến thức nền tiếng Anh hầu như không có gì. Nhiều bạn cố bằng được cái chứng chỉ chỉ vì áp lực của chuẩn đầu ra chứ không phải vì kiến thức thu được.

Quá nặng lý thuyết, coi nhẹ thực hành

Nhiều em đã chỉ ra thực trạng chương trình bậc THCS hiện nay quá nặng lý thuyết, quên kỹ năng thực hành cho học sinh.

Em Phạm Huỳnh Bảo Ngân, học sinh Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) cho biết, chương trình học hiện nay quá nặng, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà không có thời gian cho thực hành, ngoại khóa.

Em Phạm Thị Thanh Phụng, học sinh Trường THCS Chu Văn An (Q.11) cho rằng, mỗi tiết học chỉ 45 phút mà có một số môn các em phải ngồi chép 4 - 5 trang thì không biết nghe giảng vào lúc nào.

Theo Thanh Phụng, với chương trình như hiện nay, ngành Giáo dục phải giải quyết được bài toán làm sao để học sinh học được nhiều, hiệu quả, hứng thú mà không bị áp lực, nhất là không để lãng phí quá nhiều ở phần lý thuyết.

Thẳng thắn hơn, em Nguyễn Văn Bảo Phúc, học sinh Trường THCS Nguyễn Du cho rằng: “Chúng em thiếu trầm trọng những giờ học thực hành. Học hóa học mà chỉ đa phần là học lý thuyết, đến khi em tham gia kỳ thi học sinh giỏi mới thấy mình lúng túng về kỹ năng làm thí nghiệm. Môn tin học, Word và Excel vẫn học trình duyệt 2003. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết mọi người đều sử dụng trình duyệt 2007 và những trình duyệt hiện đại hơn”.

Ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, cởi mở của học sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, chương trình học ở THCS hiện nay vừa sức. Việc truyền tải làm cho chương trình nặng hay nhẹ ít nhiều phụ thuộc vào trình độ giáo viên. Sở nắm rõ vấn đề này và có nhiều văn bản chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên không phải dạy hết tất cả các bài trong sách giáo khoa mà lựa chọn bài dạy phù hợp.

Định hướng dạy học Ngoại ngữ của Sở GDĐT TP.HCM là học không phải để thi mà để rèn luyện khả năng nghe nói, khả năng sử dụng cho học sinh. Bởi vậy nhiều năm nay, học sinh TP.HCM luôn được đánh giá cao về năng lực ngoại ngữ.

Liên quan việc học sinh phản ánh tình trạng lên lớp bị giáo viên bắt chép lại bài đến 2-3 lần, ông Hiếu khẳng định: “Về vấn đề này Sở sẽ kiểm tra, nếu trường làm sai sẽ chấn chỉnh ngay”

Theo Bạch Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự