Người khôn ngoan biết 6 điều này chính là rào cản kìm hãm họ tiết kiệm tiền. Bất chấp thu nhập của bạn là bao nhiêu, việc nói “không” với 7 điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả.
1. Chi tiêu quá nhiều vào nhà ở
Đối với không ít người, tiền thuê nhà hoặc tiền trả góp mua nhà là khoản chi tiêu hàng tháng lớn nhất và là thách thức lớn nhất đối với việc tiết kiệm. Các chuyên gia khuyên chúng ta không nên chi quá 30% thu nhập trước thuế của mình cho nhà ở. Số tiền này bao gồm cả các tiện ích, các chi phí bổ sung như bảo hiểm, thuế và bảo trì.
Chi phí bổ sung hoặc "ẩn" của việc sở hữu nhà gần đây đã tăng lên. Vì nhà ở có thể là khoản chi lớn nhất của bạn nên nó có khả năng là tảng đá lớn nhất bạn cần xem xét khi muốn tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Lời khuyên:
Hợp đồng thuê căn hộ ở trung tâm thành phố của bạn sắp hết hạn? Hãy cân nhắc đến việc sống ở một căn hộ ngoại thành với mức giá thuê phải chăng hơn.
Bạn muốn mua nhà vào năm tới? Bạn có thể bị cám dỗ mua nhà vượt quá ngân sách của bạn. Nếu bạn mua nhà với giá thấp hơn khả năng chi trả của mình, bạn có thể gửi ngân hàng toàn bộ số tiền tiết kiệm được từ khoản thanh toán chênh lệch đó.
2. Không lập ngân sách để tiết kiệm
Nhiều người cảm thấy rất e ngại khi nhắc đến 2 chữ "ngân sách". Tuy nhiên, hãy cố gắng khuyến khích bản thân không chỉ lập ngân sách mà còn có khoản mục để tiết kiệm.
Hãy coi ngân sách của bạn như một kế hoạch tài chính. Kế hoạch này giúp bạn đặt ra giới hạn chi tiêu trong một số danh mục nhất định như giải trí hoặc ăn uống bên ngoài. Cùng với đó, bạn có thể sử dụng công cụ lập ngân sách để theo dõi mọi đồng tiền thu vào và chi ra mỗi tháng để hiểu rõ hơn về số tiền mình có thể tiết kiệm được.
Lời khuyên:
Trước tiên, hãy tìm đúng công cụ giúp bạn lập ngân sách. Sau khi đã chọn được ứng dụng hoặc chương trình lập ngân sách phù hợp với mình, hãy liệt kê tất cả các khoản chi hàng tháng của bạn như hóa đơn, nhu yếu phẩm, giải trí… và trừ các chi phí này ra khỏi thu nhập hàng tháng sau thuế của bạn.
Bạn còn lại bao nhiêu để tiết kiệm? Nếu bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn, hãy theo dõi chi tiêu của mình trong nhiều tháng và tìm cách giải phóng thêm các khoản tiền.
3. Tư duy “Tôi sẽ tiết kiệm khi kiếm được nhiều tiền hơn”
Có thể hiện tại bạn không tiết kiệm được nhiều như mong muốn và bạn nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi khi bạn được thăng chức, ngồi vào vị trí bấy lâu nay mình vẫn hướng tới?
Sự thật là kiếm được nhiều tiền hơn chắc chắn giúp bạn tiết kiệm dễ dàng hơn. Nhưng khi thu nhập của bạn tăng lên, liệu chi phí của bạn có giữ nguyên không? Hãy nhớ đến khoảng thời gian thu nhập của bạn tăng lên, bạn thấy chi phí của mình có tăng theo không?
Lời khuyên:
Lối suy nghĩ này hoàn toàn có thể ngăn cản bạn bắt đầu tiết kiệm ngay tại đây, ngay vào lúc này. Vì vậy, hãy thay đổi bằng cách tiết kiệm một khoản nào đó ngay hôm nay. Ngay cả 1 triệu đồng/tháng cũng giúp bạn tiết kiệm được 12 triệu đồng/năm.
Đừng trì hoãn việc tiết kiệm với kỳ vọng có thu nhập linh hoạt hơn sẽ giúp bạn bù đắp thời gian đã mất. Khi bạn không tiết kiệm tiền, bạn sẽ bỏ lỡ việc lãi kép giúp bạn tăng số dư tài khoản trong dài hạn. Mỗi khi bạn muốn trì hoãn việc tiết kiệm cho tương lai, hãy nhắc nhở mình rằng khi thu nhập của bạn tăng lên, chi phí của bạn cũng sẽ có xu hướng tăng theo.
4. Mục tiêu tiết kiệm không đo lường được
Kế hoạch tiết kiệm của bạn có phải là: Nhận lương, thanh toán hóa đơn, chi tiêu như bình thường, rồi tiết kiệm số tiền còn lại? Tiết kiệm tiền cũng giống như bất kỳ mục tiêu nào khác, sẽ dễ dàng hơn nhiều để đạt được khi bạn có mục tiêu cụ thể.
Nếu bạn muốn mua nhà, hãy dán một bức ảnh về ngôi nhà mơ ước của bạn lên tủ lạnh. Bạn luôn mơ về một kỳ nghỉ? Hãy tìm hiểu thông tin về điểm đến yêu thích của bạn. Bạn muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn? Hãy viết ra con số. Việc hình dung và viết ra các mục tiêu của bạn sẽ giúp bạn có trách nhiệm hơn.
Lời khuyên:
Hãy đặt ra mục tiêu tiết kiệm hàng tháng. Khi bạn đạt được mục tiêu đó, hãy tự hào vì biết rằng mình đã đi đúng hướng. Khi không đạt được, hãy xem lại ngân sách của mình và quyết định xem bạn có cần thay đổi thói quen chi tiêu nào không.
Tuy nhiên, sẽ có những tháng bạn phát sinh một số khoản chi như xe bị hỏng, nhà cần sửa chữa hoặc khoản chi tiêu bất ngờ nào đó. Lúc này, hãy linh hoạt và cam kết bạn sẽ bám sát mục tiêu vào tháng sau.
5. Bị cuốn vào lối sống xa hoa
Khi bạn kiếm được thu nhập tốt hơn và sự nghiệp ổn định hơn, bạn có thể nhận thấy mình có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Tất nhiên, việc muốn tự thưởng cho bản thân vì thành công là điều bình thường nhưng hãy nghĩ đến các cơ hội để vừa chi tiêu vừa tiết kiệm tiền mặt.
Nếu bạn thấy mình đang nghĩ đến việc chi tiêu nhiều hơn cho một chiếc xe đẹp hơn, một ngôi nhà lớn hơn hoặc những kỳ nghỉ xa xỉ thì cũng đã đến lúc bạn nên nghĩ đến việc tăng tiền tiết kiệm.
Lời khuyên:
Hãy đặt ra các mục tiêu tài chính dài hạn và tuân thủ chúng. Bạn nên đặt mục tiêu tiết kiệm theo tỷ lệ phần trăm thu nhập của bạn thay vì một số tiền cố định.
Hãy tự hỏi xem bạn có thực sự cần một ngôi nhà lớn hơn với chi phí tăng cao hay không. Điều quan trọng là cân bằng giữa việc chi thêm thu nhập cho những thứ bạn thích mà vẫn cam kết duy trì thói quen tiết kiệm tốt.
6. Lạm dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng cung cấp cho chúng ta sự linh hoạt khi mua hàng nhưng cũng có thể khiến chúng ta vượt quá khả năng tài chính. Khi nhận hóa đơn, bạn có thể sốc bởi con số và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra.
Sự tiện lợi của thẻ tín dụng thường đi kèm với lãi suất cao. Để tránh phải trả lãi, bạn có thể cảm thấy áp lực phải thanh toán toàn bộ ở mỗi chu kỳ thanh toán. Một số tháng, bạn có thể phải quyết định giữa việc chi tiêu quá mức để thanh toán toàn bộ dẫn đến giảm số tiền tiết kiệm hoặc trả ít hơn và bị tính lãi suất cao.
Lời khuyên:
Bạn không cần phải đợi đến khi nhận được hóa đơn hàng tháng để thanh toán số dư thẻ tín dụng. Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng để mua một mặt hàng lớn, hãy cố gắng thanh toán ngay khi nó xuất hiện trên tài khoản của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ giữ hóa đơn ở mức tối thiểu và nằm trong giới hạn ngân sách của mình.
Hơn nữa, hãy tránh mua hàng theo cảm tính. Nếu sau 24 giờ, bạn vẫn muốn mua, hãy mua nó. Khoảng thời gian suy nghĩ này có thể giúp bạn tránh khỏi những lần mua sắm có vẻ "hay ho" mà sau đó phải hối tiếc.